11:00 19/02/2022

Khẩn trương hoàn thiện đề án, rộng cửa đón tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không

Ánh Tuyết

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, hoàn thiện các nội dung của đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không...

Hệ thống cảng hàng không phân thành 5 nhóm, làm cơ sở định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Hệ thống cảng hàng không phân thành 5 nhóm, làm cơ sở định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Ngày 18/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1061 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc rà soát, hoàn thiện các nội dung của đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Về tiêu chí phân loại cảng hàng không, Phó Thủ tướng lưu ý về việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, đánh giá bất cập của các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, quản lý, khai thác cảng hàng không, cơ chế huy động vốn, khả năng huy động vốn xã hội, tác động đối với an ninh, quốc phòng và khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ mối quan hệ của đề án nêu trên với "Đề án phân cấp, phân quyền và giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc" để xác định phạm vi, mục tiêu, giải pháp cho phù hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2022.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phân loại hệ thống cảng hàng không thành 5 nhóm, làm cơ sở định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Nhóm 1 gồm 5 sân bay: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Long Thành, Tân Sơn Nhất. Đây là những cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, đóng vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với mạng đường bay nội địa và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Nhóm 2 gồm 4 sân bay: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Đây là những cảng hàng không có hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên, tài sản và đất đai khu bay do Bộ Quốc phòng quản lý.

Nhóm 3 gồm 9 sân bay: Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc và Côn Đảo. Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là những sân bay ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm, trừ sân bay Phú Quốc.

Nhóm 4 gồm 5 sân bay: Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương và Cần Thơ. Đây là các cảng hàng không có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư và không có hoạt động quân sự thường xuyên.

Nhóm 5 là những cảng hàng không mới, gồm Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô.

Theo tờ trình, Bộ Giao thông vận tải đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP. Bộ cũng đề xuất giao UBND các tỉnh có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo hình thức PPP, chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

 

Đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 275,9 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa.

Bộ Giao thông vận tải ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội như Nội Bài và vùng TP. Hồ Chí Minh, gồm sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành. Đồng thời, từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện có và đầu tư 6 sân bay mới để nâng tổng số sân bay của cả nước đưa vào khai thác lên 28 sân bay.