08:02 01/10/2024

Kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030, Việt Nam cần phải làm gì?

Anh Nhi

Giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò rất quan trọng…

Chuyển đổi số đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều ngành và quy mô doanh nghiệp.
Chuyển đổi số đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều ngành và quy mô doanh nghiệp.

Những năm gần đây, phát triển kinh tế số được xem là một động lực giúp Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP và nâng lên 30% GDP vào năm 2030. Theo đó, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu lọt top 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh-đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.

Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và dữ liệu để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam cần hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam.

NHU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP RẤT LỚN

Chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 – Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” ngày 30/9 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho rằng chuyển đổi số không đơn thuần là việc dùng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến hiện đại. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud) đang trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

“Dữ liệu là xăng, AI giống như cỗ xe, còn con người là những tài xế tài năng lái cỗ xe này đi vào kỷ nguyên phát triển mới”, ông Huy nói.

Vì vậy, mục tiêu chuyển đổi số được MobiFone đặt ra là tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tăng năng suất lao động, hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ trong tất cả các bộ phận đồng thời loại bỏ các công việc không đem lại giá trị cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc AWS Việt Nam cho biết chuyển đổi số đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều ngành và quy mô doanh nghiệp. Báo cáo gần đây của IDC cho thấy, vào năm 2024, các công ty Việt Nam dự kiến chi khoảng 803 triệu USD cho điện toán đám mây. Cùng với đó, nhiều kết quả thử nghiệm cũng cho thấy khá tích cực.

“TymeX, một công ty FinTech ở Việt Nam phục vụ thị trường ASEAN, đã sử dụng Amazon Q Developer để giúp các nhà phát triển ứng dụng tăng năng suất lên 40% và cải thiện hiệu quả kiểm thử lên 90%, giảm thời gian kiểm thử từ 5 giờ xuống còn 30 phút. Điều này cho thấy điện toán đám mây mang lại cơ hội vô hạn ở Việt Nam, giúp các công ty chuyển đổi mạnh mẽ”, ông Eric Yeo dẫn chứng.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới thời điểm hiện nay, kinh tế số tiếp tục lan toả tới các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP; trong đó, ngành ICT chiếm khoảng gần 60%, kinh tế số ngành/lĩnh vực chiếm hơn 40%.

“Tuy nhiên, kinh tế số tại các ngành/lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và sẽ có những mô hình kinh tế mới khi ứng dụng kinh tế số trong cuộc sống ngày càng gia tăng”, ông Tuấn nhận định.

HIỆN ĐẠI HÓA HẠ TẦNG SỐ

Mặc dù kinh tế số sẽ tăng tốc trong tương lai song để đáp ứng được sự tăng tốc này, việc phát triển hạ tầng số được xem là giải pháp cốt lõi, đột phá để giúp nền kinh tế chuyển đổi số nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam.

Theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng vật lý như cảng biển, đường cao tốc, các Chính phủ cũng đang đầu tư vào hạ tầng số như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế. 5G đang cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia tiên phong.

5G đang phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên toàn cầu, chiếm 22% tổng số thuê bao di động toàn cầu. Từ con số 1,9 tỷ thuê bao hiện nay, dự báo sẽ tăng lên 5,6 tỷ thuê bao 5G, chiếm 60% thuê bao di động toàn cầu.

“Mọi người nghĩ đến 5G như một hệ thống di động băng rộng, nhưng sức mạnh của 5G vượt xa hơn rất nhiều, khi kết hợp với điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo”, bà Rita Mokbel cho hay.

Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng 5G đang phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng 5G đang phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Dẫn chứng một số quốc gia có tốc độ triển khai mạng 5G nhanh trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, bà Rita Mokbel cho biết, các quốc gia này đều dự báo 5G sẽ đóng góp tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế số của mỗi quốc gia.

“Vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong xây dựng khung khổ chính sách, loại bỏ rào cản, hỗ trợ nhà mảng triển khai 5G. Ở Việt Nam, Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ các nhà mạng viễn thông, coi 5G là hạ tầng quốc gia quan trọng để tăng tốc độ chuyển đổi số, thúc đẩy nền kinh tế số thời gian tới”, bà Rita Mokbel nhận định.

Nhận định chuyển đổi số, kinh tế số, thị trường số, đặc biệt là sự phát triển của AI tại Việt Nam sẽ phát triển như “vũ bão” trong vài năm tới. Ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng Thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam, lại cho rằng với sự phát triển đó, Việt Nam cần có nền tảng số, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số, trong đó cần chú trọng đến đào tạo, giáo dục và người dùng cuối.

“Để triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số trong giai đoạn mới cần sự tham gia của tất cả các bên. Trong đó, người tiêu dùng cuối cần có sự đào tạo. Và, đơn vị cung cấp giải pháp-hạ tầng cần đưa ra các giải pháp thân thiện với người dùng. Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các nghị định thông tư, hướng dẫn cụ thể và phù hợp”, ông Tiến nói.

Đề xuất cho Việt Nam, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành, Grab Việt Nam kiến nghị cần có môi trường thân thiện hơn đối với các dịch vụ số.

“Công nghệ đang phát triển rất nhanh và nền kinh tế số cũng đang đổi mới “chóng mặt.” Do đó, các cấp quản lý cần bổ sung những chính sách cũng như môi trường (kiểu sandbox) để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới khi chúng xuất hiện”, ông Osorio nêu quan điểm.