Lợi nhuận ngân hàng quý 4/2021: Nhóm tư nhân bứt phá riêng quốc doanh VCB, CTG giảm mạnh
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố báo cáo ước tính lợi nhuận quý IV/2021 của 29 doanh nghiệp trong đó có danh sách 11 ngân hàng.
Hầu hết các ngân hàng tư nhân được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 4/2021.
NHÓM TƯ NHÂN TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN TỐT
Cụ thể, với HDB, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 19% vào cuối năm. Trong khi đó, doanh thu bancassurance hồi phục ấn tượng trong tháng 10 và tháng 11 giúp ngân hàng vươn lên vị trí thứ 6-7 về thị phần phí bảo hiểm hàng năm (APE). Lợi nhuận trước thuế Q4/2021 ước tính đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong kỳ (+19% so với cùng kỳ). Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021, do đó, sẽ ở mức +38-39% so với 2020, cao hơn 4% so với ước tính của chúng tôi.
Tại Sacombank (STB), công ty chứng khoán này ước tính hoạt động của ngân hàng sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý 4 so với quý 3 do hoạt động của công ty tập trung ở miền Nam. Nhu cầu vay tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội và SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể đạt 14 - 14,5% cho cả năm 2021. Do đó, lợi nhuận năm 2021 dự kiến đạt 4.200-4.400 tỷ đồng tăng 27 - 32% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt khoảng 1.000-1.100 tỷ đồng.
Tại Techcombank (TCB), lãi trước thuế năm 2021 ước tính đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh ở mức 22%, NIM cải thiện và hoạt động kinh doanh quản lý tài sản tiếp tục thuận lợi với môi trường lãi suất thấp.
Còn TPBank (TPB): Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 1.600 tỷ đồng tăng 19% so với quý trước và tăng 20% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng tăng 37% so với cùng kỳ, nhờ kết quả tốt của tất cả các nguồn thu nhập.
VIB (VIB) cũng là ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tốt. Theo đó, lãi trước thuế quý 4/2021 ước tính đạt 2.270 tỷ đồng tăng 28% so với cùng kỳ và tăng 64% so với quý trước. Ngân hàng đã phục hồi ấn tượng sau thời gian giãn cách xã hội nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh (19%) với NIM mở rộng; và hoạt động bancassurance phục hồi trở lại. Mức APE trung bình hàng tháng trong khoảng thời gian tháng 10-11 đã tăng 73% so với khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 và tăng 5% so với khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Trong khi đó, chất lượng tài sản ổn định trở lại với dư nợ tái cơ cấu giảm 50% so với quý trước.
MBBank (MBB), do tín dụng tăng tốc nhanh trong tháng 11 và tháng 12/2021, công ty chứng khoán kỳ vọng ngân hàng sẽ sử dụng hết hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4 dự kiến đạt 4.600 tỷ đồng tăng 81% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận ước đạt 16.500 tỷ đồng tăng 54% so với cùng kỳ - cao hơn 7% so với ước tính. Tổng nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu ước tính thấp hơn 2%, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tiếp tục được cải thiện lên khoảng 300%.
MBS (MSB), lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng ttăng 25% so với cùng kỳ cao hơn kỳ vọng của SSI Research. Lũy kế năm 2021, lãi trước thuế ước đạt 5.200 tỷ đồng (tăng 106% so với cùng kỳ) - cao hơn 4% so với ước tính của công ty chứng khoán. Nếu không bao gồm khoản phí trả trước bancassurance, tăng trưởng lãi trước thuế năm 2021 sẽ là 42,7% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao (22%), NIM mở rộng 0,54% và quản lý chặt chẽ OPEX.
Còn với ACB, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 4 giảm 9% so với quý 3 và giảm 10% so với cùng kỳ về 9.000 tỷ đồng. Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 16% và mức NIM ổn định. Lũy kế cả năm, SSI Research kỳ vọng ACB có thể ghi nhận 11.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 23,2% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định, với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
NHÓM QUỐC DOANH PHÂN HOÁ RÕ RỆT
Ngược lại, hai ngân hàng quốc doanh gồm CTG và VCB lợi nhuận đảo chiều giảm mạnh. Với VietinBank, SSI Research kỳ vọng ngân hàng sẽ sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 12,5% tại thời điểm cuối năm. Ngân hàng cũng có thể trích lập thêm khoảng 3.000 tỷ đồng chi phí dự phòng trong quý IV, do đó chi phí tín dụng năm 2021 sẽ ở mức cao 1,62% (so với mức trung bình 1,1% trong giai đoạn 2013-2020). Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro bao nợ xấu ước tính là 1,3% và 171%.
Theo đó, lãi trước thuế năm 2021 có thể vẫn tương đối ổn định so với cùng kỳ ở mức trên 17.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy lợi nhuận quý 4 đạt khoảng 3.300-3.500 tỷ đồng tăng 15-20% so với quý trước và giảm 40-45% so với cùng kỳ do mức so sánh cao trong quý 4/2020).
Vietcombank (VCB), tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi của Vietcombank dự kiến đạt 15% và 9% vào cuối năm. Các dịch vụ thanh toán thu phí cũng phục hồi đáng kể so với quý trước. Do đó, lãi trước thuế trong quý 4 dự kiến sẽ phục hồi so với quý trước, đạt khoảng 6.600-6.800 tỷ đồng (tăng 15-20% so với quý trước và giảm nhẹ 3-5% so với mức cao cùng kỳ). Lũy kế năm 2021, lợi nhuận trước ước đạt 26.300 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ), cao hơn 5% so với ước tính của công ty chứng khoán.
Ngược lại, BIDV lợi nhuận trước thuế quý 4 dự kiến tăng trưởng mạnh từ 40 đến 42% so với mức thấp cùng kỳ năm trước. SSI Research kỳ vọng ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao để tạo ra bộ đệm tốt hơn cho năm 2022.