"Ma trận" Forex/CFD (kỳ cuối): Cảnh báo tiếp tay cho các hoạt động phi pháp
Hoạt động đầu tư Forex, CFD tràn lan và ngày càng tăng nhưng các quy định pháp lý hiện tại rất khó xử lý triệt để, thậm chí còn nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật điều chỉnh
Hoạt động đầu tư Forex, CFD tràn lan và ngày càng tăng nhưng các quy định pháp lý hiện tại rất khó xử lý triệt để, thậm chí còn nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật điều chỉnh.
KHÓ XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ FOREX "LẬU"
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định các sàn Forex hoạt động hiện nay là không đúng quy định pháp luật, người tham gia được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp.
Phó Thống đốc giải thích, theo Pháp lệnh Ngoại hối, chỉ các tổ chức tín dụng có giấy phép hoạt động ngoại hối và những đại lý được chỉ định mới được mua bán và cung cấp dịch vụ có sự liên quan đến ngoại tệ. Riêng những đại lý chỉ được phép thu ngoại tệ về bán cho tổ chức tín dụng, không được bán trực tiếp ra thị trường.
"Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho sàn giao dịch Forex nào cả", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Dù vậy, những loại hình này vẫn ngày càng phát triển nhanh, thậm chí còn phát sinh thêm nhiều ma trận huy động vốn 4.0 trên danh nghĩa sàn Forex.
Thiếu tá Bùi Thế Ngọc, Phòng điều tra án công nghệ cao, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an lại cho biết, việc giải quyết khiếu nại về Forex đang gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân nộp tiền thật, nhận lại tiền ảo hoặc các sản phẩm không có thực.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, hiện tại, các đối tượng đứng ra nhận tiền người dân để chuyển thành sản phẩm không có thực là người Việt Nam và đứng phía sau điều khiển là người nước ngoài. Khi lừa được tiền, đối tượng người nước ngoài sẽ mang về nước sở tại và chỉ chia lại phần trăm cho một số đối tượng trưởng nhóm người Việt.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối phân trần, khi chuyển tiền, các đối tượng tinh vi, không để lộ thông tin chuyển tiền để đầu tư Forex trái phép. Sau khi có vụ án, đến các ngân hàng thương mại mới tìm ra đường đi của dòng tiền. Các đối tượng có nhiều cách che giấu khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền
“Chúng tôi có chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát giao dịch đáng ngờ, nâng cao công tác phòng chống rửa tiền. Nhưng các đối tượng lại có hoạt động rất tinh vi, phức tạp, khó xác định ngay đây là giao dịch đáng ngờ”, ông Tuấn giải thích.
CFD CÓ HỢP PHÁP?
Như đã đề cập trong các bài trước, hiện các sàn Forex “thời thượng” bây giờ thực chất đang giao dịch các CFD (hợp đồng chênh lệch giá), không liên quan đến tài sản cơ sở, mà là phái sinh của biến động giá của tài sản cơ sở.
Hiểu đơn giản, người chơi hoạt động kinh doanh mua, bán tỷ giá các cặp ngoại tệ và tỷ giá vàng chứ không phải mua bán ngoại tệ và mua bán vàng.
Chính vì vậy, một câu hỏi được đặt ra, liệu giao dịch CFD có vi phạm pháp luật?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý chuẩn về vấn đề này, chỉ cấm mở sàn và có thêm một số khung pháp lý liên quan đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng được giao dịch như thế nào ở sàn nước ngoài nhằm mục đích bảo đảm giá trị cơ sở (giá trị thực).
Vì vậy, hoạt động giao dịch CFD thì chưa cấm. Tuy nhiên, theo ông Đức, hoạt động này sẽ gặp vướng mắc ở khâu chuyển tiền.
Cụ thể, đối với pháp nhân, muốn chuyển tiền ra, vào đều phải thông qua ngân hàng. Vì không có quy định nên sẽ chẳng có ngân hàng nào làm, trừ khi doanh nghiệp muốn làm chui. Và khi làm chui, doanh nghiệp hiển nhiên là đã vi phạm pháp luật.
Còn đối với cá nhân thì dễ hơn. Họ không có sổ sách, muốn làm gì thì làm miễn không vi phạm pháp luật. “Không có luật nào cấm cá nhân chuyển tiền từ tài khoản của mình để mua hàng ở nước ngoài”, ông Đức nói.
Luật sư này còn cho biết thêm, pháp luật hiện hành đã có các quy định cụ thể về các giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ giữa cá nhân, pháp nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, việc chuyển ngoại tệ qua ngân hàng hay việc mang ngoại tệ qua biên giới chỉ được thực hiện khi pháp luật cho phép.
Song, với các giao dịch, thanh toán ngoại tệ xuyên biên giới, đặc biệt là qua các phương thức giao dịch điện tử của cá nhân với nước ngoài thì gần như còn bỏ trống.
“Thế giới cũng như Việt Nam, trong thời gian chuyển đổi thì luật chưa thể rõ ràng. Đến người thông thạo luật còn khó hiểu chứ đừng nói là người dân. Xu hướng chung là thấy nhau làm thì cứ bảo nhau làm đại thôi chứ chẳng biết đúng sai thế nào”, ông Đức nhận xét.
Ở khía cạnh khác, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đối với CFD quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến rủi ro. Bởi lẽ, tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ khiến thị trường chỉ cần biến động nhỏ cũng có thể tác động mạnh đến tài khoản của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư không có quyền lựa chọn việc sử dụng đòn bẩy hay không vì đây gần như là bắt buộc khi tham gia hình thức này.
Theo ông, Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital, CFD là một sản phẩm tài chính phái sinh theo biến động giá của tài sản cơ sở. CFD từ ban đầu là sản phẩm dùng để bảo hiểm, cốt lõi là bảo hiểm được phát minh tại Anh năm 1990 và được dùng trong thị trường liên ngân hàng giữa các trader chuyên nghiệp. Tuy nhiên với sự thuận tiện và sự phát triển của Internet, thị trường khách hàng cá nhân đã phát triển và cho phép các nhà đầu cơ giá Price Speculators sử dụng.
"Ở quốc gia nào cho phép giao dịch CFD cũng có quy định rất chặt chẽ, đặc biệt quy định về hệ số đòn bẩy. Tại Việt Nam hiện tại chúng ta chỉ có quy định về ngoại hối là tài sản cơ sở bao gồm người cư trú và người không cư trú trong pháp lệnh ngoại hối ghi rất rõ và nếu thực hiện phải có chứng từ đi kèm", ông Tuấn nhận xét.
Cũng theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước không cấm CFD, bởi vì bản chất các hoạt động đó không phải là giao dịch ngoại hối mà chỉ là sản phẩm phái sinh trên ngoại hối được cung cấp bởi các nhà phát hành (issuer) nước ngoài thông qua các nhà môi giới.
"Người Việt Nam sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm quốc tế thì hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Còn chức năng của Ngân hàng Nhà nước theo tôi chỉ nằm ở vấn đề người dùng chuyển tiền ra nước ngoài, ví như người dùng đang thông qua Visa, MasterCard hay các ví điện tử và sử dụng các dịch vụ cần thanh toán đa quốc gia như Facebook, Netflix,... Thế nên Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra cảnh báo vì đó là sản phẩm phái sinh dựa trên giá ngoại hối", ông Tuấn nói.