10:20 07/12/2014

Mô hình Uber, “chẳng có lý do gì mà không ủng hộ”

Mạnh Chung

“Mọi chính sách ban hành là để phục vụ người tiêu dùng cuối, chứ không phải là phục vụ nhóm kinh doanh nào đó”

Mô hình Uber dùng rất ít nhân lực, không cần tổng đài, không cần điều phối.<br>
Mô hình Uber dùng rất ít nhân lực, không cần tổng đài, không cần điều phối.<br>
Uber, dịch vụ cho phép khách hàng sử dụng điện thoại thông minh đặt xe taxi đang đứng trước những quan điểm cả ủng hộ lẫn phản đối tại Việt Nam, thậm chí quan điểm “ngược chiều” còn đến từ những lãnh đạo cao nhất của ngành chủ quản về giao thông.

“Uber là dịch vụ taxi kiểu mới, nhưng cái mới này không chỉ là thay đổi nhỏ, mà còn mang tính chất đột phá. Hiếm khi có được một dịch vụ taxi kiểu mới mà vừa rẻ hơn, dịch vụ hay hơn, tốt hơn, đồng thời lại tiết kiệm nguồn lực cho xã hội hơn”, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) Nguyễn Thế Tân bình luận với VnEconomy, dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ.

“Không hiểu vì sao phải ngăn cản?”


Ông có thể phân tích cụ thể hơn về “tính chất đột phá” như ông vừa nhìn nhận được không?

Thứ nhất, về mặt dịch vụ thì Uber tốt hơn hẳn dịch vụ taxi cũ. Bình thường, mình gọi taxi sẽ phải gọi cho tổng đài rồi chờ đợi không biết xe có đến không, đến thì có khi có tới 3 - 4 xe, đôi lúc chờ mãi không có cái xe nào, không biết trước được.

Còn Uber về cơ bản khi chấp nhận thì người ta sẽ đến, mình biết xe đang đi đến đâu để chuẩn bị phù hợp.

Như vậy người dùng rất tiện lợi. Thậm chí mình có thể biết trước được xe nào đến đón, tài xế này nếu chở lần trước mà không thích thì có thể từ chối, nhưng dịch vụ kiểu cũ thì họ đến là phải đi thôi.

Khi đi trên đường thì biết được lộ trình đi đến đâu, đi như thế nào, đến nơi chưa, hay mất đồ thì cũng biết ai để gọi lấy lại.

Tóm lại về mặt dịch vụ và chất lượng hơn hẳn taxi thường. Tất cả những người dùng đều khen ngợi và chính vì thế Uber phát triển rất nhanh ở Mỹ, cho dù về mặt mô hình thì dịch vụ này là mới, là khác, vướng rất nhiều loại quy định, bị nhiều ý kiến phản đối.

Thứ hai, thông thường tốt hơn thì sẽ bị giá cao hơn, nhưng giá dịch vụ taxi Uber lại thấp hơn. Nguồn gốc của giá bán thấp hơn là vì có được mô hình kinh doanh khác với taxi thông thường, giúp tiết kiệm chi phí hơn.

Mô hình Uber dùng rất ít nhân lực, không cần tổng đài, không cần điều phối. Taxi có smartphone, người dùng có smartphone, sẽ tự liên hệ với nhau. Hàng loạt nhân sự được giải phóng và tiết kiệm được chi phí, xe thì được khai thác với công suất cao hơn.

Đặc biệt hơn nữa, là mô hình này đưa những xe nhàn rỗi tham gia vào hệ thống cung cấp dịch vụ taxi. Như bên Mỹ, rất nhiều xe chỉ sử dụng nửa ngày, còn lại nửa ngày không làm gì, những nhân sự này sẽ tham gia vào cung cấp dịch vụ taxi, như thế mình đem được tài sản và con người chưa khai thác hết thời gian tham gia vào dịch vụ, nhờ thế giúp tiết kiệm được nguồn lực xã hội.

Như vậy, với taxi kiểu Uber, mình đạt được ba thứ cùng một lúc: giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả chung của xã hội cao hơn.

Vì thế tôi không hiểu có lý do gì để chúng ta phải tìm cách ngăn cản nó? Mình buộc phải ủng hộ nó.

Nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng mô hình Uber có nhiều hạn chế như chưa có giấy phép hoạt động, không nộp phí, rủi ro về bảo hiểm…, thưa ông?


Người ta đưa ra một số lý do như thuế, rồi chưa giấy phép, hay một số rủi ro khác… Tất cả các nghi ngờ, quan tâm lo lắng đó là có cơ sở.

Tuy nhiên, đứng trước quan tâm đó thì cách giải quyết của chúng ta nên là tìm cách hạn chế những nhược điểm đấy, chứ không phải là ngăn cản một tiến bộ xã hội. Có một tiến bộ xã hội thì phải chấp nhận nó, đồng thời xem có nhược điểm gì thì hạn chế và cơ quan nhà nước rà soát tất cả những hạn chế đó, nhanh chóng ban hành các quy định.

Chính cơ quan nhà nước ban hành những quy định đó để hạn chế những nhược điểm, rủi ro của mô hình Uber thì sẽ giúp cho xã hội sử dụng dịch vụ tốt hơn.

Tôi thấy Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có ý kiến tương đối rõ ràng, như là cho hoạt động và nhanh chóng tạo điều kiện cũng như ban hành các quy định đấy chứ.

Có điều cần lưu ý, Uber là dịch vụ xuyên biên giới nên nếu họ ngồi tận bên Mỹ mà mình yêu cầu gì nhưng họ không nghe thì chả làm gì được, mình không có công cụ để giám sát và cưỡng chế họ. Cho nên, cùng với việc ban hành chính sách, thì cơ quan nhà nước cũng cần yêu cầu nhà cung cấp phải có đại diện ở Việt Nam và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các dịch vụ có tính chất xuyên biên giới đều như vậy. Nhà nước nên sớm những chính sách ban hành về các dịch vụ xuyên biên giới.

Đã là xu hướng thì không thể cấm


Ông nghĩ sao khi có thông tin một số nước đã cấm Uber?

Có nước vận động cấm thành công, nhưng nhiều nước vẫn cho hoạt động. Singapore chuẩn bị ban hành một quy định mới và các hãng như Uber sẽ phải tuân thủ.

Tuy nhiên, đa phần những người phản đối ở các nước là các hãng taxi đứng ra vận động phản đối. Nhưng các hãng taxi thì thực sự không đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng.

Nếu Uber tiếp tục phát triển và không bị ngăn cấm thì theo ông, thị trường taxi thông thường sẽ bị tác động như thế nào?

Nếu không bị ngăn cấm thì những mô hình mới như Uber sẽ thắng và các hãng taxi sẽ bị mất thị phần nhiều.

Tuy nhiên, người chiến thắng có thể không phải Uber, mà là cả mô hình đấy.

Mô hình mới sẽ thắng. Bên Mỹ cũng có hai công ty, không chỉ Uber.

Vì thế, theo tôi, các hãng taxi phải thay đổi rất nhiều, thậm chí ngay cả khi có ngăn cản Uber thì các hãng taxi hiện nay cũng phải thay đổi, vì một mô hình mới với những ưu thế hơn về dịch vụ và giá cả tương tự như Uber sẽ phát triển, và kiểu gì nó cũng chiến thắng.

Mô hình của Uber cho phép tiết kiệm chi phí, nên thay vì cấm thì cần thay đổi để thích ứng với cái mới. Mọi chính sách ban hành là để phục vụ người tiêu dùng cuối, chứ không phải là phục vụ nhóm kinh doanh nào đó.

Ông nghĩ sao nếu giả sử, Uber vẫn sẽ bị chặn ở Việt Nam?


Nếu trường hợp đó xảy ra, thì cách quản lý như vậy là chống, là đi ngược lại tiến bộ.

Chúng ta nên cứ để họ hoạt động vì quy mô chưa lớn, đồng thời bám sát quá trình hoạt động đấy, tìm xem có những bất ổn gì xảy ra, các nguy cơ tiềm ẩn ở đâu, trong thời gian đó ban hành các quy định để điều chỉnh quản lý.

Có hai thái cực, trường hợp thứ nhất là sợ và cấm luôn. Trường hợp thứ hai là mặc kệ làm gì thì làm, cứ nói vậy rồi để 4-5 năm không đưa ra được quy định gì để quản lý. Hai thái cực này đều là không phù hợp.

Nhưng liệu có thể chặn mô hình kiểu Uber tại Việt Nam được không?

Nó đã là xu hướng, là mô hình, nên chặn Uber này thì sẽ có Uber khác, người khác sẽ phát triển và mô hình đó vẫn thắng. Nên cách tốt nhất là anh chấp nhận và điều chỉnh nó. Các hãng taxi thông thường hiện nay sẽ phải thay đổi, phải cạnh tranh với mô hình mới, nếu để nguyên vậy sẽ chết hoặc tụt lùi.

Tôi cho rằng không có cách nào để chặn hoàn toàn, vì nếu họ vi phạm một vài điều quy định pháp luật thì họ sẽ điều chỉnh, và họ vẫn phát triển, bởi ây đã là xu hướng rồi, mình phải tìm cách phải thích ứng với nó thôi.

Đây là một loại hình mới, nên mình cần có tư duy mới. Cơ quan nhà nước nên xem xét lại vấn đề, ngồi làm việc với Uber để hiểu mô hình của họ hơn, lấy ý kiến của những người quan ngại xem họ lo ngại gì, gặp gỡ khách hàng từng dùng Uber để đánh giá dịch vụ đó như thế nào, xong tổng hợp trên những điều đó và ban hành ra các chính sách.