14:28 07/12/2024

Ngành gỗ Việt Nam đứng trước nhiều thách thức khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách nhập khẩu

Chu Khôi

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ. Tới đây, dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, Hoa Kỳ dự kiến áp dụng chính sách bảo hộ kinh tế mạnh mẽ, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu, sẽ có nhiều tác động lên hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam…

Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ đạt gần 9 tỷ USD.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ đạt gần 9 tỷ USD.

Tại tọa đàm “Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu” do các hiệp hội ngành gỗ (gồm VIFOREST, BIFA, HAWA, DOWA, FPA Bình Định) phối hợp cùng Forest Trends tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN CHUỖI CUNG ỨNG VÀ GIA TĂNG CẠNH TRANH

Tới đây, dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, Hoa Kỳ dự kiến áp dụng chính sách bảo hộ kinh tế mạnh mẽ, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu lên 15-20% đối với nhiều quốc gia và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. "Với vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, những thay đổi này sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành gỗ", ông Lập nhận định.

Quang cảnh toạ đàm.
Quang cảnh toạ đàm.

Thứ nhất, gia tăng áp lực cạnh tranh. Sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nội địa Hoa Kỳ và hàng hóa từ các quốc gia khác.

Thứ hai, Việt Nam phải đối mặt với các rủi ro thương mại và có thể bị áp thuế trừng phạt, do tình trạng hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” xuất xứ Việt Nam.

Thứ ba, với mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt 100 tỷ USD trong năm 2024, Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế khác.

 

"Năng lực cạnh tranh là phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, như sản xuất minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu quy định của các nước…đồng thời là khả năng cung ứng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, có mẫu mã đẹp và giá hợp lý".

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Theo ông Lập, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, những thay đổi về chính sách tại Hoa Kỳ và toàn cầu cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Với mức thuế cao áp dụng cho Trung Quốc, các doanh nghiệp quốc tế có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia lân cận, trong đó Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Điều này không chỉ thúc đẩy đầu tư FDI mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho ngành gỗ Việt.

Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy hạ tầng và công nghiệp tại Hoa Kỳ, cùng với xu hướng “mua sắm xanh” cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng và nội thất bền vững. Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ nội thất (chiếm 41% kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024), giúp giảm phụ thuộc vào các sản phẩm thô như dăm gỗ.

Trình bày tham luận về “Một số vấn đề về chính sách thương mại của Hoa Kỳ”, TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên, quản lý Chương trình Chính sách công và Môi trường, đại học Indiana, Hoa Kỳ, cho rằng cơ hội cho Việt Nam từ chính sách Tổng thống tương lai Donald Trump là gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhờ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; thu hút đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; đẩy mạnh cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, còn có một số rủi ro cho Việt Nam. Trước tiên là áp lực từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngành gỗ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp. Hoa Kỳ có thể điều tra và áp thuế nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải từ nước thứ ba. Tiếp đến là sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác.

"Những quốc gia như Malaysia, Indonesia, và Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để tăng xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm của Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng tăng cường hỗ trợ ngành gỗ nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu", TS Du phân tích.

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC, ĐỐI THOẠI VÀ TẬP TRUNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Nhằm giúp các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam giảm chênh lệch về cán cân thương mại, khi xuất siêu của ngành gỗ tại thị trường này lên tới 8,8 tỷ USD, TS Du đưa ra hai khuyến nghị trọng tâm.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt cần tăng cường đầu tư trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ, tăng giao thương/liên kết và hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ, đây cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp ngành gỗ mở rộng thị trường phân phối trực tiếp tại thị trường Hoa Kỳ.

Thứ hai, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại thị trường Việt Nam.

Các diễn giả chia sẻ thành toạ đàm.
Các diễn giả chia sẻ thành toạ đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends đã có những phân tích về bức tranh ngành gỗ trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Đồng thời, đưa ra nhận định về các dòng dịch chuyển nếu chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump áp dụng trong thời gian tới. Cụ thể, dịch chuyển chuỗi cung ứng; dịch chuyển về dòng vốn đầu tư Trung Quốc sang các nước khác và dịch chuyển về nhập cư.

Từ nhận định trên, TS Phúc khuyến nghị ngành gỗ Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác và đối thoại. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm giải pháp ứng phó kịp thời với các chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ. Đặc biệt, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại.

Mặt khác, ngành gỗ cần nâng cao giá trị sản phẩm; trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như nội thất nhà bếp, ghế ngồi, và đồ nội thất gỗ khác để đáp ứng xu hướng thị trường. Đầu tư bền vững: Việt Nam cần phát triển các nhà máy “xanh” và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Chuẩn bị cho rủi ro thương mại, các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Mỹ, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro.  

 

“Ngành gỗ Việt Nam, với năng lực sản xuất và sự hỗ trợ từ các chính sách trong nước, được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế trong thời gian tới. Nhìn về dài hạn, nếu biết tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đầu tư và thương mại toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu khu vực”.

Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định phòng vệ thương mại và đáp ứng xu hướng “mua sắm xanh” tại các thị trường phát triển. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước cho những thay đổi chính sách thương mại trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống mới.

Cùng với đó, tăng cường quản trị chuỗi cung ứng: Các doanh nghiệp cần đầu tư vào chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch để đáp ứng yêu cầu của các quy định quốc tế như EUDR.