Người dùng thay đổi hành vi tiếp cận nhãn hàng, mua sắm online
Với tỷ lệ lên đến 73%, người Việt Nam có mức sử dụng tin nhắn, kinh doanh hội thoại để tiếp cận nhãn hàng, sản phẩm dịch vụ trên mạng cao nhất trong 7 nền kinh tế khu vực...
Kết quả một số nghiên cứu, khảo sát về hành vi, thói quen người tiêu dùng trong và sau đại dịch Covid-19 cho thấy, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, tăng mua sắm online do tác động của dịch. Những thói quen này đã ăn sâu và có thể sẽ tiếp tục được duy trì phát triển mạnh thời gian tới.
73% NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT SỬ DỤNG TIN NHẮN ĐỂ TIẾP CẬN NHÃN HÀNG, DOANH NGHIỆP
Khi mua sắm online qua tin nhắn mạng xã hội trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng trong và sau đại dịch, tin nhắn trao đổi khi mua hàng (kinh doanh hội thoại) đang trở thành phương thức chính để người dùng tiếp cận, tìm hiểu thông tin, trải nghiệm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu. Thay vì gọi điện hoặc gửi email, khách hàng có xu hướng nhắn tin và mong nhận được phản hồi nhanh chóng.
Đây là nhu cầu mới của người tiêu dùng; đồng thời là xu hướng mang tới nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mọi quy mô để kết nối phát triển kinh doanh online. Thống kê mỗi tuần có hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu kết nối với doanh nghiệp qua các dịch vụ nhắn tin của Meta. Việc sử dụng tin nhắn hậu đại dịch tăng 40%.
Một khảo sát 6.500 người tiêu dùng tại Việt Nam, Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) về kinh doanh hội thoại vừa được Meta kết hợp với Boston Consulting Group thực hiện đã cho thấy rõ những xu hướng này của người dùng và doanh nghiệp khu vực châu Á- Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Với nhận định, kinh doanh hội thoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, báo cáo cho biết, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng tin nhắn kinh doanh hội thoại cao nhất trong số các thị trường được khảo sát.
Theo đó, có tới 73% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng tin nhắn hội thoại để tiếp cận doanh nghiệp. Hậu đại dịch, gần hai phần năm người tiêu dùng Việt Nam trò chuyện với doanh nghiệp thường xuyên hơn. Có tới 39% người được khảo sát đã tăng tần suất sử dụng tin nhắn hội thoại sau đại dịch Covid- 19.
Kinh doanh hội thoại là một phần thiết yếu của thương mại online bền vững và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp ở các lĩnh vực đang tìm ra nhiều cách để sử dụng tin nhắn kết nối với khách hàng: trả lời yêu cầu cơ bản, tạo khách hàng tiềm năng, tư vấn 1:1, dịch vụ hậu mãi, nhận phản hồi, remarketing và thu thập dữ liệu.
Việc nhắn tin mua hàng hiện đang trở thành một phần của hành vi tiêu dùng thông thường. Khảo sát cho biết, ít nhất có 1 trong 3 người tiêu dùng Việt Nam trò chuyện với doanh nghiệp mỗi tuần một lần. Hành vi nhắn tin, kinh doanh hội thoại phổ biến ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là Millennials và GenZ.
Lĩnh vực tài chính là 1 ngành tiềm năng khai thác hội thoại trong kinh doanh bởi có đến 63% người tiêu dùng cho rằng họ cần phải chat với doanh nghiệp trước khi ra quyết định đăng ký sản phẩm tài chính.
Nắm bắt nhu cầu sự thay đổi này, các nhãn hàng nhìn nhận kinh doanh hội thoại giúp “mở khóa” nhiều cơ hội hơn và ứng dụng trong mọi ngành nghề. Hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát nhìn nhận tin nhắn kinh doanh hội thoại vô cùng quan trọng với hoạt động kinh doanh.
Không còn là kênh bán hàng phổ biến của doanh nghiệp nhỏ, nhắn tin, kinh doanh qua hội thoại đang được các doanh nghiệp lớn sử dụng như một phần thiết yếu của thương mại online bền vững và trải nghiệm khách hàng. 3 trong số 4 doanh nghiệp lớn được khảo sát cho biết tin nhắn, kinh doanh hội thoại đặc biệt quan trọng với mô hình kinh doanh.
Với sự phổ biến của nhắn tin, kinh doanh hội thoại, ông Khôi Lê, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam của Meta cho rằng, các doanh nghiệp nên xác định rõ mục đích của sử dụng kinh doanh hội thoại và ưu tiên đưa vào chiến lược marketing của mình.
NHIỀU NGƯỜI TIÊU DÙNG MONG MUỐN SẼ TĂNG MUA SẮM ONLINE
Theo khảo sát nhu cầu của hơn 9000 người tiêu dùng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam vừa được PwC đưa ra cuối tuần qua khẳng định, người tiêu dùng đã thay đổi lối sống và thói quen mua hàng do tác động của dịch Covid-19. Nhiều thói quen này đã ăn sâu và có thể sẽ duy trì trong sáu tháng tới.
Người tiêu dùng Việt đang áp dụng những cách thức mua hàng mới, đặc biệt là ở các đô thị loại 1. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lạm phát, người dùng đã nhanh chóng điều chỉnh hành vi mua sắm, tích cực chuyển đổi giữa các kênh mua hàng để đảm bảo trải nghiệm mua sắm phù hợp.
Kết quả khảo sát cho biết, có tới 63% người tiêu dùng toàn cầu đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng. Nhiều người tiêu dùng không ngần ngại thay đổi hành vi mua sắm. Hơn một phần ba (37%) người tiêu dùng nói sẽ đến các cửa hàng khác nhau để mua hàng hoặc chuyển sang mua sắm trực tuyến. Gần một phần ba (29%) người mua sắm trực tuyến nói sẽ chuyển sang tìm sản phẩm ở cửa hàng bán lẻ và 40% sẽ sử dụng các trang web so sánh để kiểm tra sản phẩm.
Trong tương lai, những người tiêu dùng này tiết lộ họ sẽ tiếp tục mong muốn mua sắm trực tuyến nhiều hơn (với tỷ lệ 50%). Tỷ lệ này cao nhất ở thế hệ Millennials nòng cốt (58%), thế hệ Millennials trẻ (57%) và thế hệ Z (57%). Trong khi đó, con số này thấp hơn ở thế hệ Baby Boomers (32%) và Gen X (42%). Có 39% số người được khảo sát mong đợi tiếp tục mua sắm trực tuyến ở mức hiện tại.
Còn theo báo cáo mới đây của Ninja Van, Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.
Năm 2022 số lượng người Việt mua hàng trực tuyến sẽ lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Có 73% người tiêu dùng cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.