Nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế - Tiêu chuẩn mới trong dịch vụ Private Banking tại Việt Nam
Không chỉ xây dựng các sản phẩm dịch vụ, đặc quyền chuyên biệt để thu hút và phục vụ khách hàng VIP, đào tạo nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế cũng đang là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, là cầu nối hoàn hảo kết nối ngân hàng và khách hàng...
Theo báo cáo Wealth Report của Knight Frank cho biết Việt Nam có 19.419 triệu phú USD vào năm 2020, đứng thứ tư Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thailand. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 500 người siêu giàu với tài sản hơn 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Bối cảnh này mang tới cho các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam nhiều cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng phục vụ khách hàng cá nhân có tài sản lớn (Private Banking) mang tới các giải pháp quản lý tài sản chuyên biệt cho phân khúc giàu và siêu giàu.
Là ngân hàng quốc doanh đầu tiên triển khai dịch vụ Private Banking, BIDV hiểu rằng với tập khách hàng “tinh hoa” tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm phải luôn được đặt lên cao nhất. Giờ đây đã không còn là sự cạnh tranh đơn thuần giữa lãi suất, giá phí, chính sách quà tặng mà sự khác biệt nằm ở những sản phẩm phục vụ những nhu cầu chuyên biệt hay trải nghiệm đẳng cấp xứng tầm.
BIDV cũng cho biết khi trở thành khách hàng ưu tiên (hay còn gọi là khách hàng BIDV Premier) tại đây, các khách hàng đã được phục vụ bởi chuyên viên quản lý chuyên biệt. Nhưng khi trở thành khách hàng BIDV Private Banking, nhân sự chăm sóc cũng được đưa lên một tiêu chuẩn mới – những chuyên viên này được gọi là Private Banker.
Nghề Private Banker trên thế giới không còn xa lạ, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn nhiều mới mẻ. Trên thế giới hiện có hơn 600 Private Banker thực hiện cố vấn và quản lý tổng sản hơn 3.500 tỷ USD cho những khách hàng siêu giàu tính tới cuối năm 2021, theo số liệu nghiên cứu của hãng tư vấn Knight Frank. Tại Singapore, khối tài sản Private Banking được nhận ủy thác tăng 8-9% một năm. Điều này cho thấy sức hút của dịch vụ tư vấn, quản lý tài sản và tính “danh giá” của nghề Private Banker với tầng lớp siêu giàu hiện nay.
Đại diện BIDV cũng chia sẻ ngân hàng đã xây dựng một khung năng lực và đào tạo chuyên môn riêng biệt dành cho đội ngũ Private Banker. Theo đó, đội ngũ nhân sự được chọn lựa gắt gao ngay từ vòng tuyển dụng với những yêu cầu cao về năng lực chuyên môn trong mảng dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là quản lý tài sản. Ngân hàng cũng xây dựng các chương trình đào tạo liên tục cùng chuyên gia và các tổ chức uy tín trong nước.
Đặc biệt, các Private Banker tại BIDV được đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ quốc tế về tư vấn, quản lý tài sản. Hiện tại sau 1 năm đào tạo, BIDV đã có những Private Banker đầu tiền được cấp chứng chỉ bởi WMI Singapore (Weath Management Institute Singapore) – chứng chỉ danh giá trong lĩnh vực quản lý tài sản, là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá năng lực, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được đề cử bởi Hiệp hội tài chính ngân hàng Singapore và Cơ quan tiền tệ Singapore.
Chứng chỉ WMI Private Banker trong ngành quản lý tài sản được coi như một chuẩn mực trong giới Private Banker trên toàn thế giới. Đi cùng với kiến thức chuyên môn về tư vấn đầu tư và lập kế hoạch tài sản, thông qua quy trình đào tạo khắt khe về đạo đức nghề nghiệp và quản lý quan hệ khách hàng cùng khả năng lãnh đạo đội nhóm và quản lý nhân sự, các Private Banker được rèn luyện những kĩ năng cần thiết để phục vụ khách hàng Private Banking.
Cũng trong tháng 11 vừa qua đã diễn ra sự kiện đặc biệt lễ ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giữa BIDV và Tập đoàn Edmond de Rothschild nhằm nâng tầm chuẩn mực dịch vụ Private Banking tại thị trường Việt Nam, mà trong đó hoạt động đào tạo phát triển năng lực Private Banker cũng sẽ là một cấu phần quan trọng được hai thương hiệu tiềm lực chú trọng đẩy mạnh.
Với di sản thương hiệu và kinh nghiệm 66 năm phục vụ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tại thị trường Việt Nam, BIDV đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của thương hiệu trong việc kinh doanh dịch vụ ngân hàng cao cấp.