18:23 26/03/2024

Nhiều rào cản trong chi trả an sinh xã hội qua tài khoản

Nhật Dương

Các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội khá đặc thù, phần lớn là nhóm cao tuổi, bảo trợ xã hội. Quá trình chi trả chính sách an sinh qua tài khoản cũng liên quan đến rất nhiều đơn vị, đòi hỏi đảm bảo về an toàn, cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được đại diện các cơ quan chức năng chia sẻ tại Tọa đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 26/3.

ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG LỚN

Là đơn vị thực hiện chi trả cho số lượng lớn các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh, bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết hiện Bộ đang quản lý chi trả cho nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.

Thời gian qua, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với C06 để triển khai tại các địa phương, bao gồm: Rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội để chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán...

“Chúng tôi phấn đấu trong năm 2024, khoảng 30% số đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành quản lý mở được tài khoản thanh toán”, bà Hà cho hay.

Về phía ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói đơn vị cũng đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7.

Qua đó, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt có thể cho phép chi trả an sinh xã hội an toàn, tiện lợi, nhanh chóng đến người hưởng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán cũng đã phát triển hệ sinh thái số, cụ thể là các tài khoản thanh toán, ví điện tử, tài khoản mobile banking, để đáp ứng cho người dân có nhu cầu chi trả an sinh xã hội, cũng như tiếp nhận và sử dụng nguồn tiền nhận được.

Yếu tố bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng được quan tâm, lồng ghép trong các quy định; tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức rủi ro trong quá trình sử dụng, giúp người dân và những đối tượng sử dụng dịch vụ an toàn, tiện lợi.

Theo ông Dũng, khi an sinh xã hội được số hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước tiên là sẽ an toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, đảm bảo sẽ đến được tận tay người hưởng.

Việc có quy trình số hóa cho phép khâu kiểm tra, kiểm soát, giám sát được thực hiện thông suốt, minh bạch hơn. Các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán, ngân hàng cũng được hưởng lợi từ các lớp khách hàng được gia tăng.

ĐẢM BẢO AN TOÀN, THUẬN TIỆN TRONG QUÁ TRÌNH CHI TRẢ 

Dù có nhiều tiện ích mang lại, song bà Vũ Thị Thanh Hà thừa nhận, ngành Lao động và lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả, do đối tượng quản lý khá đặc biệt. “Đó là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến, người cao tuổi thường khó thay đổi trong quan điểm khi nhận tiền trợ cấp. Hay các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh”, bà Hà dẫn chứng.

Đại diện các đơn vị tham gia chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: VGP.
Đại diện các đơn vị tham gia chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: VGP.

Vì thế, để đáp ứng yêu cầu chi trả không dùng tiền mặt, cán bộ ngành cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình, tuy nhiên gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn từ tập thể người có công, từ các nhóm đối tượng cần bảo trợ xã hội, với kiến nghị được nhận tiền mặt thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả để đến các bưu cục nhận”, bà Hà nói về một trong những khó khăn thường gặp.

Theo bà Hà, qua thực tế ghi nhận, tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân… Đây là những khó khăn để thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản.

Trước thực tế này, Bộ tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị giải pháp để xử lý theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng nào đủ điều kiện mở tài khoản thì vận động ngay để hưởng dịch vụ chi trả qua tài khoản.

Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai chi trả an sinh không tiền mặt vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan và các địa phương.

Ông Nam cho hay để hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử), Bộ Công an, C06 cùng với các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện quy trình và xin ý kiến thống nhất.

Về góc độ pháp lý, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai.

“Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, tổ chức ngân hàng, do vậy phải đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống, cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân”, ông Nam nhấn mạnh.

Vai trò then chốt ở đây là ngành Lao động cùng với Bộ Công an luôn phải làm sạch, cập nhật dữ liệu về an sinh xã hội, từ đó đồng bộ với tài khoản thanh toán của ngành ngân hàng, và tất cả mọi dữ liệu đều được khớp.

Nói thêm về vấn đề phí, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn, giảm phí mở tài khoản gắn với an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn…