14:45 12/12/2023

Giải ngân vốn đầu tư công vượt xa cùng kỳ, hệ thống kho bạc còn 960.000 tỷ đồng gửi ngân hàng

Ánh Tuyết

Thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho thấy năm 2023, tổng số ngân quỹ nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại là 959.891 tỷ đồng. Về công tác kiểm soát chi, dự kiến đến hạn giải ngân, lũy kế vốn đầu tư công thanh toán qua hệ thống kho bạc bằng 96,2% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng gần 140.000 tỷ đồng so với cùng kỳ...

Đến ngày 31/01/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2023 trên 640.000 tỷ đồng.
Đến ngày 31/01/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2023 trên 640.000 tỷ đồng.

Ngày 11/12, Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 

THU NGÂN SÁCH ĐẠT TRÊN 1,5 TRIỆU TỶ ĐỒNG

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho thấy, trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách.

 

"Tính đến hết ngày 30/11/2023, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 1.554.156 tỷ đồng, bằng 95,89% so với dự toán năm 2023 được giao. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 97,66% so với dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 93,87% so với dự toán".

Kho bạc Nhà nước.

Đồng thời, cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách.

Kho bạc Nhà nước cũng triển khai các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo phương án được phê duyệt như: cho vay/tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước; gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu điện tử và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ; tổ chức dự báo luồng tiền và triển khai quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước.

Trong năm 2023, ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay 71.973 tỷ đồng, tổng số ngân quỹ nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại là 959.891 tỷ đồng.

Cũng theo Kho bạc Nhà nước, thông qua hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, cơ quan này nộp vào ngân sách trung ương 6.060 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ. Trước đó, năm 2022, Kho bạc Nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước 1.200 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động xây dựng, trình Bộ Tài chính phương án điều hành ngân quỹ nhà nước năm và hàng quý bảo đảm nhu cầu thanh toán chi trả của ngân sách nhà nước.

Triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt; thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ; quản lý hiệu quả việc mở và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại các hệ thống ngân hàng theo quy định.

ƯỚC GIẢI NGÂN ĐẠT 96% KẾ HOẠCH, CAO HƠN 140.000 TỶ ĐỒNG CÙNG KỲ

Cũng trong năm 2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 30/11/2023, đối với chi thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đạt 875.123 tỷ đồng, bằng 73,9% dự toán. So với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 47.061 tỷ đồng về giá trị.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân chủ trì hội nghị.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân chủ trì hội nghị.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị toàn quốc về quản lý tài chính đầu tư công để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách trong quản lý tài chính đầu tư công, đồng thời, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

 

Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 31/01/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2023 là 642.865,5 tỷ đồng, bằng 96,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 668.508,1 tỷ đồng).

So với cùng kỳ năm 2022, lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước tăng 139.480,5 tỷ đồng về giá trị, tăng 3,1% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước, bằng 86,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 742.408,2 tỷ đồng).

Trước đó, đến hết 31/01/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư là 503.385,0 tỷ đồng, bằng 93,1% so với kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, vốn trong nước thanh toán là 622.917,3 tỷ đồng, bằng 97,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 639.508,1 tỷ đồng); bằng 87,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 713.408,2 tỷ đồng).

Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua Kho bạc Nhà nước là 19.948,2 tỷ đồng, bằng 68,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 29.000 tỷ đồng).

Tại hội nghị, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2023 có khối lượng vốn giải ngân đầu tư công lớn nhưng hệ thống Kho bạc Nhà nước phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan trong công tác kiểm soát chi, tích cực thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Một trong các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân là Kho bạc Nhà nước áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giải ngân đầu tư công, giúp khai thác hiệu quả số liệu những dự án giải ngân đạt thấp để có báo cáo Bộ Tài chính và các địa phương, từ đó, thúc các dự án này đẩy nhanh tiến độ.

TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG, KIỂM SOÁT CHI

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân cho rằng, trong năm 2024, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặt ra đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước là hết sức nặng nề.

Vì vậy, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành để khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, từ nay đến hết tháng 12/2023 và đầu năm 2024, các đơn vị trong Kho bạc Nhà nước cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đảm bảo kiểm soát, giải ngân vốn ngân sách nhà nước kịp thời nhưng phải chặt chẽ, an toàn, đúng chế độ; hoàn thành công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm 2023.

Trong năm 2024, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước yêu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong ngành tài chính tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; điều hành ngân quỹ chặt chẽ, linh hoạt đảm bảo khả năng thanh toán của ngân sách nhà nước tại mọi thời điểm ở tất cả các đơn vị Kho bạc Nhà nước trong toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thành các đề án đăng ký chương trình công tác năm 2024 với Bộ Tài chính; chủ động hoàn thiện các thông tư, quy trình nghiệp vụ và các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng.

Đồng thời, bám sát tình hình thị trường, tình hình thu chi ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương để chủ động xây dựng phương án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác huy động vốn, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển năm 2024.

Hệ thống kho bạc cũng tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; nâng cấp và mở rộng một số chức năng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ, tiếp tục duy trì, vận hành ổn định và nâng cấp hệ thống TABMIS; các hệ thống thanh toán...