16:47 12/03/2024

Nợ nước ngoài nhích tăng, điểm danh những chủ nợ lớn nhất Việt Nam

Ánh Tuyết

Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ công của Việt Nam đạt khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 90 nghìn tỷ so với cuối năm 2022 nhưng có xu hướng giảm so với GDP. Trong đó, nợ nước ngoài tăng nhẹ, Chính phủ chủ yếu vay nợ trong nước...

Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng 700 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 6/2023, tương ứng tăng 40%.
Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng 700 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 6/2023, tương ứng tăng 40%.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phát hành bản tin nợ công số 17 của Việt Nam giai đoạn 2019 - 6/2023. Số liệu thống kê năm 2022 có thể sẽ được chỉnh lý sau khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội phê chuẩn.

Theo đó, thứ nhất, về tình hình vay và trả nợ của Chính phủ, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ của Chính phủ ở mức 3,36 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 110 nghìn tỷ so với thời điểm cuối năm 2022.

Trong đó, nợ nước ngoài tính đến hết tháng 6/2023 đạt khoảng 983 nghìn tỷ đồng (nhích tăng nhẹ 9 nghìn tỷ so với cuối năm 2022). Sau suốt 2 năm duy trì đà giảm, nợ vay nước ngoài có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 1,136 triệu tỷ đồng (năm 2020) xét trong giai đoạn 2019 - 6/2023.

Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, nợ vay trong nước tiếp tục chiếm thế áp đảo, tăng lên hơn 2,37 triệu tỷ đồng (tăng 101 nghìn tỷ đồng) so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ. Nợ trong nước chủ yếu là Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, hạn chế rủi ro.

Trong giai đoạn 2019 - 6/2023, các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng qua từng năm, tương ứng tăng 581 nghìn tỷ đồng cả giai đoạn và chiếm vai trò chủ đạo. Ngược lại, dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ đang có xu hướng giảm dần, tưng ứng giảm 150 nghìn tỷ đồng, giúp giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).
Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Riêng về số nợ trả nửa đầu năm 2023 đạt khoảng 180 nghìn tỷ đồng, bao gồm 125 nghìn tỷ để trả nợ gốc và hơn 55 nghìn tỷ để trả lãi và phí.

Phân theo từng bên cho vay, chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản với trên 264 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 29 nghìn tỷ, 27,5 nghìn tỷ và 14 nghìn tỷ đồng.

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới (WB) đứng đầu danh sách chủ nợ với gần 350 nghìn tỷ, tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với gần 183 nghìn tỷ...

Về hiệu quả sử dụng vốn vay, nhiều ý kiến cho rằng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, giải ngân nguồn vốn nước ngoài vẫn ì ạch, trong khi đó, ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, điều này cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực. Do đó, cần xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Nợ nước ngoài nhích tăng, điểm danh những chủ nợ lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1

Thứ hai, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối tháng 6/2023 đạt khoảng 280 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 18 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ nước ngoài khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng; nợ trong nước trên 151 nghìn tỷ đồng.

Tổng trả nợ trong kỳ đạt 23,7 nghìn tỷ đồng, gồm 18 nghìn tỷ trả nợ gốc và gần 6 nghìn tỷ trả lãi và phí.

Thứ ba, dư nợ của chính quyền địa phương khoảng 54,7 nghìn tỷ đồng. Về xu hướng, sau khi giảm vào năm 2019, nợ chính quyền địa phương có dấu hiệu tăng trở lại. 

Tổng trả nợ trong kỳ đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng, gồm hơn 764 triệu đồng trả nợ gốc và khoảng 380 triệu đồng trả lãi và phí.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh nợ công toàn cầu cao kỷ lục thì quy mô nợ công Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dưới ngưỡng Quốc hội quy định. Nhờ đó, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa.

Nợ nước ngoài nhích tăng, điểm danh những chủ nợ lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2

Về tình hình nợ nước ngoài của doanh nghiệp, theo số liệu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, dù nửa đầu năm 2023 nợ nước ngoài của doanh nghiệp giảm nhẹ 27 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2022 nhưng trong suốt giai đoạn 2019 - 6/2023, nợ nước ngoài của doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng, tương ứng tăng 700 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ vay nước ngoài của Chính phủ lại trong xu hướng giảm, với số nợ tuyệt đối giảm khoảng 150 nghìn tỷ so với mức đỉnh giai đoạn 2019 - 6/2023 như phân tích nêu trên.

Vì vậy, trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, tỷ trọng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng mạnh lên 71,2% cuối năm 2022 so với mức 61% cuối năm 2019.

Theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, vốn vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng nợ chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

 

Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), dư nợ công của Việt Nam đến cuối tháng 6/2023 đạt khoảng 3,7 triệu tỷ đồng; tổng trả nợ nửa đầu năm 2023 khoảng 205 nghìn tỷ. Xét trong giai đoạn 2019 - 6/2023, nợ công Việt Năm tăng khoảng 355 nghìn tỷ đồng.