08:36 16/04/2024

Tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí

Vũ Khuê

Theo Quy hoạch điện 8, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.424 MW điện khí. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các dự án đang không theo kịp với tiến độ đề ra...

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí.
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc trực tuyến với 15 tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tình hình triển khai thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng LNG nằm trong danh mục các dự án trọng điểm đầu tư của Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.

TRIỂN KHAI DỰ ÁN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết từ nay đến năm 2030 nhu cầu điện của đất nước cần khoảng 70.524 MW, gần gấp đôi công suất hiện nay.

Về mặt cơ cấu, chúng ta phải chuyển rất mạnh từ nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và điện khí) sang những loại nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên để giữ được an ninh hệ thống điện, đòi hỏi nguồn điện nền khá lớn và ổn định với khoảng 70% tổng công suất khả dụng.

Theo đó, việc phát triển sản xuất điện khí là nhiệm vụ quan trọng. Theo Quy hoạch điện 8, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.424 MW điện khí. Trong đó, khí tự nhiên trong nước là 7.900MW được thực hiện từ 10 dự án đã được duyệt trong Quy hoạch; 13 dự án khí hóa lỏng với công suất 22.524 MW sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay việc triển khai các dự án điện khí đang không theo kịp với tiến độ đề ra.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết theo Quy hoạch điện, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án).

Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).

Đến thời điểm tháng 4 năm 2023 đã có một nhà máy đã đưa vào vận hành, cụ thể là Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015, hiện tại sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.

Một dự án đang xây dựng là Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85%. Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải. Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Có 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640 MW) và ba dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW gồm các dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập.

Cũng tại cuộc họp đại diện các địa phương có dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương cho biết tiến độ triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.

Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương. Một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết thoả thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải toả công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…

KHẨN TRƯƠNG THÁO GỠ VƯỚNG MẮC 

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng các dự án điện khí trong Quy hoạch điện 8 là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Đối với các địa phương chưa lựa chọn nhà đầu tư gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bộ trưởng đề nghị không được chậm trễ, cố gắng hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đủ tài chính, đủ kinh nghiệm trước ngày 15/7/2024 theo đúng Luật đầu tư và các quy định có liên quan. Đặc biệt, ngay khi lựa chọn nhà đầu tư, các địa phương cần lên tiến độ và có cam kết thực hiện tiến độ đối với nhà đầu tư đó.

Đối với các địa phương đã có chủ đầu tư, cần khẩn trương rà soát những vướng mắc của chủ đầu tư phản ánh để chủ động xử lý theo thẩm quyền (rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất, vấn đề mặt bằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư…). 

Cùng với đó, các địa phương đôn đốc các các chủ đầu tư trình phê duyệt Hợp đồng FS, ký các hợp đồng mua bán điện với EVN dựa vào quy định của luật pháp hiện hành.

Đối với EVN, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và Thông tư 57 sửa đổi phải khẩn trương, có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình đàm phán PPA, báo cáo Bộ công Thương các vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời giải quyết.

Khẩn trương hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng PPA với chủ đầu tư, nhất là dự án Nhơn Trạch 3 và 4 và các dự án thuộc Chuỗi khí Lô B trong Quý 2/2024.

Khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền được giao làm chủ đầu tư các đường dây truyền tải để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện khí này. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đường dây truyền tải trong hệ sinh thái điện khí đã được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư. Các dự án truyền tải chưa rõ chủ đầu tư cần đề xuất chủ đầu tư trong tháng 4/2024. Các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư cần lên tiến độ như các nhà máy điện khí.

EVN cần khẩn trương triển khai thực hiện các dự án điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt

Đối với PVN, cần khẩn trương triển khai thực hiện Chuỗi dự án khí điện Lô B và các dự án điện Ô Môn III, Ô Môn IV; hoàn thiện, ký kết hợp đồng bán khí cho các dự án điện sử dụng khí Lô B; triển khai thực hiện các dự án điện, khí đã được giao làm chủ đầu tư để sớm đưa vào vận dụng.