09:33 09/02/2023

Tranh cãi nảy sinh khi EU cấp phép dùng côn trùng làm thực phẩm

Tuệ Mỹ

Việc ăn côn trùng thực sự khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Và khi dân số thế giới tiếp tục tăng, nhu cầu tìm kiếm các nguồn thực phẩm có lượng đạm cao và ít tác động đến môi trường sẽ trở nên bức thiết...

Ảnh: Food Business Africa
Ảnh: Food Business Africa

Côn trùng là nguồn đạm cao và bền vững hơn nhiều so với các nguồn động vật truyền thống. Năm 2023, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều sản phẩm từ côn trùng hơn được đưa lên các kệ hàng tại một số quốc gia. Ở Canada hiện tại, các sản phẩm từ côn trùng đã được bán ở một số cửa hàng đặc sản và trang bán lẻ trực tuyến. Các sản phẩm bao gồm bánh quy giòn, bánh quy, bánh protein và thậm chí là mỳ.

NGUỒN CUNG CẤP PROTEIN MỚI?

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách thêm 2 loài côn trùng được chấp nhận làm thức ăn cho con người. Theo quy định của Ủy ban thực phẩm mới lạ EU (EU Novel Food Regulation), tất cả các sinh vật được phê duyệt đều phải qua đánh giá khoa học nghiêm ngặt để được đánh dấu là an toàn cho tiêu thụ. Những sản phẩm này có thể được phân phối dưới dạng bột, thực phẩm đông lạnh hoặc dạng khô.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang quảng bá rộng rãi về côn trùng như là một nguồn đạm (protein) cho người. “Ủy ban đã phê chuẩn cho việc đưa ra thị trường loại côn trùng thứ tư, Alphitobius diaperionus (ở dạng sâu bột nhỏ), như một loại thực phẩm. Thuật ngữ sâu bột nhỏ đề cập đến trạng thái ấu trùng của bọ Alphitobius diaperinus, một loài côn trùng thuộc họ Tenebrionidae (bọ cánh cứng đen),” quyết định chấp thuận trên trang web của EC viết.

Với quyết định nêu trên, tính đến đầu tháng 2/2023, EU đã cấp phép cho 4 loại côn trùng dùng làm thực phẩm, trong đó có sâu bột vàng sấy khô, dế và châu chấu. Nhiều khả năng danh sách này sẽ tiếp tục dài thêm vì đang có 8 loài côn trùng khác chờ phê duyệt. EU cho rằng các thực phẩm từ côn trùng hiện đang được tiêu thụ rộng rãi với khoảng 1.000 loài được sử dụng trong các bữa ăn của khoảng 2 tỉ người tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Vì thế các loại "thực phẩm mới" có chứa côn trùng là an toàn, nhưng phải được dán nhãn rõ ràng.

Những sản phẩm từ côn trùng có thể được phân phối dưới dạng bột, thực phẩm đông lạnh hoặc dạng khô.
Những sản phẩm từ côn trùng có thể được phân phối dưới dạng bột, thực phẩm đông lạnh hoặc dạng khô.

Theo báo các về nhu cầu tiêu dùng và sự dịch chuyển của thực phẩm bền vững của Tổ chức tiêu dùng EU, côn trùng là nguồn cung giàu protein, chất béo, vitamin, chất xơ, khoáng chất. Thậm chí có một số côn trùng có hàm lượng protein cao hơn thịt, trứng. Ngoài ra, nuôi côn trùng để làm thức ăn giúp bảo vệ môi trường tốt hơn các hoạt động nông nghiệp khác vì dùng ít đất đai hơn và ít tác động đến môi trường hơn.

WEF cũng đang thúc đẩy việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho con người, lập luận rằng côn trùng nên được sử dụng để thay thế các nguồn đạm đến từ động vật vì dấu chân sinh thái thấp và được cho là có khả năng giảm biến đổi khí hậu. Tổ chức này trích dẫn một nghiên cứu cho thấy rằng trong khi 100 gram thịt sẽ cung cấp 16.8 - 20.6 gram protein, thì với côn trùng con số này dao động từ 9.7 - 35.2 gram protein. WEF cũng lập luận rằng thế giới đang cạn kiệt nguồn đạm, đồng thời chỉ ra sự gia tăng dân số nhanh chóng, ước tính sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050.

NHỮNG LÝ DO CHƯA ĐỦ SỨC THUYẾT PHỤC

Thực tế ở những nước trong khu vực ASEAN như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia côn trùng đã trở thành một trong số các loại thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Ước tính của EU, hiện có khoảng 150 - 200 côn trùng đã được tiêu thụ như một loại thực phẩm tại Đông Nam Á. Năm 2019, tại Thaifex Anuga Asia, một trong những triển lãm về thực phẩm, đồ uống lớn nhất châu Á tại Thái Lan, ban tổ chức đã chọn vị trí đẹp nhất để trưng bày những sản phẩm khởi nghiệp đột phá, trong đó, có một gian hàng trưng bày thực phẩm chế biến từ côn trùng.

Theo ước tính của EU, hiện có khoảng 150 - 200 côn trùng đã được tiêu thụ như một loại thực phẩm tại Đông Nam Á.
Theo ước tính của EU, hiện có khoảng 150 - 200 côn trùng đã được tiêu thụ như một loại thực phẩm tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khi được hỏi một trong những khó khăn của những thực phẩm làm từ côn trùng là gì, một lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp từ côn trùng chia sẻ rằng, khó khăn không phải công nghệ mà ở sự chấp nhận của người tiêu dùng. Theo vị này, người tiêu dùng trước khi mua họ sẽ có giai đoạn thử và sau đó xem có hợp khẩu vị hay không, rồi mới xem xét đến yếu tố giá cả. Đây là khó khăn của những ai muốn bán côn trùng như một loại thực phẩm dù nhiều người đồng ý rằng thực phẩm côn trùng mang đến nguồn dinh dưỡng cao.

Trong một cuộc khảo sát của tờ DW.com tại Đức, có 80% người khi được hỏi cảm thấy “kỳ quái” với ý tưởng ăn côn trùng. Trong đó, 45.7% số người được khảo sát cho rằng cảm giác “ghê” là lý do chính khiến họ không muốn ăn côn trùng. Tiếp theo là vấn đề vệ sinh ở mức 14.9%. “Mức độ sẵn sàng tiêu thụ côn trùng để thay thế thịt là rất thấp. Ngoài thực tế là giới tính không đóng vai trò lớn — nam giới dường như cởi mở hơn với việc tiêu thụ côn trùng — không thể xác định được yếu tố nhân khẩu học xã hội nào khác ảnh hưởng đến việc chấp nhận côn trùng như là thực phẩm,” báo cáo cho biết.

Ở mức độ rộng hơn, theo một khảo sát của Tổ chức tiêu dùng EU, có 3/4 người tiêu dùng cho biết chưa sẵn sàng để ăn côn trùng, 13% người trả lời không chắn chắn với ý tưởng này. Như vậy có thể thấy, món ăn từ côn trùng vẫn đứng trước những thách thức về khẩu vị của người dùng.

Một số loại bánh burger từ côn trùng đã bắt đầu được bán ở Đức.
Một số loại bánh burger từ côn trùng đã bắt đầu được bán ở Đức.

Bên cạnh đó, thực phẩm từ côn trùng tuy ít gây hại cho môi trường hơn so với sản xuất thịt nhưng lại tạo ra phát thải cao hơn so với hầu hết loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Do đó, việc côn trùng có phải là thực phẩm thân thiện với môi trường hay không sẽ phụ thuộc vào loại protein mà chúng thay thế. Nếu thực phẩm từ côn trùng được sử dụng để thay thế thịt thông thường thì điều này có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Tuy nhiên, lợi ích lớn hơn nữa cũng có thể đạt được nếu các giải pháp thay thế dựa trên thực vật được áp dụng, ví dụ như các loại thịt chay.

Một trong những nước đầu tiên phản ứng với động thái của EU chính là Qatar. Thông báo của Bộ Y tế nước này nêu rõ các sản phẩm từ côn trùng không đáp ứng "những yêu cầu về quy định kỹ thuật đối với thực phẩm Halal". Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. Theo Bộ Y tế Qatar, các quy định của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và "quan điểm tôn giáo của các cơ quan có thẩm quyền cấm việc tiêu thụ côn trùng, hoặc protein và chất bổ sung chiết xuất từ loại động vật này".

 

Hiện tại châu Âu, côn trùng vẫn chưa xuất hiện trên thực đơn của người dân bởi các vấn đề tâm lý và văn hóa. Tuy vậy, với quyết định của EU, ngành này kỳ vọng, thị trường thực phẩm côn trùng ở châu Âu sẽ phát triển nhanh trong những năm tới, đến năm 2030 đạt sản lượng 260.000 tấn.