“Vã mồ hôi” vì quả cau xuất khẩu
Đầu năm 2007 đến nay được coi là thời điểm vận hạn của nghề buôn cau sấy xuất khẩu sang Trung Quốc
Đầu năm 2007 đến nay được coi là thời điểm vận hạn của nghề buôn cau sấy xuất khẩu sang Trung Quốc, với khoảng 1.000 tấn cau sấy bị ứ đọng tại biên giới. Giới buôn cau ước lượng con số thiệt hại lên đến 4 triệu USD.
Đến tháng 10/2007 mà ông Nguyễn Tấn Lập (Tam Xuân 1, Núi Thành), chủ lò lớn nhất trong số 40 lò sấy cau của tỉnh Quảng Nam, vẫn chưa xuất được lô hàng nào. Trong khi cũng với quãng thời gian này năm 2006 ông xuất được 100 tấn. Đầu năm 2007, ông xuất 2 tấn và bị dội trở lại, đành phải chất đống trong nhà.
“Chắc phải chôn thôi, vì nó mốc và mất màu”, ông Lập nói. Hai tấn cau sấy trị giá 120 triệu đồng, một số tiền không nhỏ, vì thế mà ông tiếc, nấn ná chưa chịu bỏ.
Ông Phan Hồng Đức (Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam), được xem là người khai sinh nghề sấy cau xuất khẩu của Quảng Nam, ước lượng số cau sấy bị đọng lại tại biên giới Việt-Trung vào khoảng 1.000 tấn. Nguyên nhân là do các thương nhân Trung Quốc hạ giá mua xuống thấp. Một ký cau sấy đã thỏa thuận mức giá 3,9 USD nhưng khi đưa hàng qua thì họ chỉ chịu mua với giá 8-12 Nhân dân tệ. Dân buôn cau sấy méo mặt vì lỗ, chần chừ không bán thì cau bị hư phải đem bỏ. Ông Lập cho biết ở Thanh Hóa có một lò sấy cau xuất khẩu bị lỗ rất nặng, hiện còn tồn đọng 200 tấn.
Tất cả các chủ lò sấy cau đều thừa nhận rằng, năm 2006 là thời điểm “vàng son” của nghề sấy cau xuất khẩu. Lúc đó, 1 ký cau sấy có giá 3,9 USD - cao nhất từ trước đến nay. Để có cau nguyên liệu, các lò sấy đã đẩy giá mua lên mức cao ngất ngưởng, 14.000 đồng/ký, trong khi mọi năm cao nhất cũng chỉ 5.000-7.000 đồng/ký. Người trồng cau hả hê vì cây mới ra buồng đã có người đến đặt cọc “xí phần”.
Đến khi cau nguyên liệu bị vắt kiệt, nhiều lò sấy đã dùng cả cau núi, cau rừng có vỏ dày, xơ cứng, trộn với cau nhà để sấy. Một số lò sấy còn nhập cả cau của Lào và Thái Lan về sấy rồi xuất sang Trung Quốc. Năm 2006, các lò sấy cau đã nhập chừng 30.000 tấn cau quả từ Lào, Thái Lan, Campuchia dù cau trồng ở các nước này không ngon bằng cau Việt Nam. Chính vì vậy, chất lượng cau sấy xuất khẩu ngày càng giảm sút, khiến khách hàng ép giá hoặc cắt luôn hợp đồng mua hàng trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, theo ông Đức, giá cau sấy xuất khẩu giảm và bị dội hàng còn do “chiến thuật” của các thương nhân Trung Quốc. Họ đẩy giá lên cao, sau đó “đóng cửa” không mua. Dù cũng bị mất số tiền ứng trước cho các chủ lò sấy (từ 10-30% giá trị hợp đồng) nhưng bằng việc hạ giá mua xuống còn 1 USD/1 ký (giảm khoảng 75%) họ sẽ nhanh chóng thu hồi lại và còn có lời to.
Không chỉ các chủ lò sấy cau vã mồ hôi vì nợ mà cả nông dân trồng cau cũng hoang mang. Ông Nguyễn Thanh Bút (thôn 11, Tiên Thọ, Tiên Phước) được mệnh danh là “vua cau” Quảng Nam vì ông sở hữu vườn cau 24.000 cây, trong đó có 1.000 cây đang cho trái. Năm 2006, ông bán ngay tại vườn một tấn cau trái được 14,5 triệu đồng, mà thương lái tranh nhau mua. Thấy cau non được giá, ông lại không bán mà để dành bán cau giống (quả già). Ông bán 5.000 trái cau giống cũng bỏ túi được 5 triệu đồng (1.000 đồng/quả). Ba mươi năm trồng cau, ông chưa bao giờ thấy trái cau được giá như vậy...
Nhưng rồi, mấy tháng qua, cả vườn cau rộng như khu rừng của ông Bút không ai ghé đến. Từ 14.000 đồng/ký, cau tươi xuống giá chỉ còn 1.400 đồng/ký. Năm nay, ông ước tính sẽ thu 2 tấn cau quả, những tưởng cầm chắc 30 triệu đồng, bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được 3 triệu đồng. “Năm ngoái, đêm nào nhà tôi cũng chia người ra canh vườn vì sợ kẻ trộm, mất một buồng cau là mất 50.000 đồng! Năm nay cau ra trái đầy vườn mà chẳng ai thèm canh giữ”, ông than rồi cho biết thêm, cũng tầm tháng 10 năm ngoái, dân buôn cau trái, cau giống vào Tiên Thọ nườm nượp, xe tải nối đuôi ra vô ngày đêm, còn năm nay thì...
Tâm trạng của ông Bút cũng là tâm trạng chung của 16.000 gia đình nông dân trồng cau ở Quảng Nam. Năm 2006 Quảng Nam cung cấp ra thị trường khoảng 11.000 tấn cau trái, trong đó có 7.500 tấn cau non (tương ứng với 1.600 tấn sấy xuất khẩu). Chỉ tính riêng cau non, năm 2006, nông dân Quảng Nam đã thu được ít nhất 67,5 tỉ đồng (tính giá cau bình quân 9.000 đồng/ký). Năm nay, giỏi lắm cũng chỉ bằng một phần ba, nông dân thiệt mất khoảng 40 tỉ đồng. Nếu tính cả nước thì con số sẽ cao hơn rất nhiều.
Ông Phan Hồng Đức cho biết, gần đây một số khách hàng Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc đã đến lò của ông đặt vấn đề mua cau nguyên liệu. Họ đặt những đơn hàng lớn hơn nhiều so với sản lượng cau của cả tỉnh Quảng Nam hiện nay. Tuy nhiên, những khách hàng này mua cau không phải để làm kẹo cau như Trung Quốc mà để phục vụ cho ngành công nghệ sản xuất sơn, in nhuộm, dược liệu...
“Phải có một tổ chức làm công tác xúc tiến thị trường, tập trung được nguyên liệu..., thì nghề trồng cau xuất khẩu Việt Nam mới phát triển được”, ông Đức nói.
Đến tháng 10/2007 mà ông Nguyễn Tấn Lập (Tam Xuân 1, Núi Thành), chủ lò lớn nhất trong số 40 lò sấy cau của tỉnh Quảng Nam, vẫn chưa xuất được lô hàng nào. Trong khi cũng với quãng thời gian này năm 2006 ông xuất được 100 tấn. Đầu năm 2007, ông xuất 2 tấn và bị dội trở lại, đành phải chất đống trong nhà.
“Chắc phải chôn thôi, vì nó mốc và mất màu”, ông Lập nói. Hai tấn cau sấy trị giá 120 triệu đồng, một số tiền không nhỏ, vì thế mà ông tiếc, nấn ná chưa chịu bỏ.
Ông Phan Hồng Đức (Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam), được xem là người khai sinh nghề sấy cau xuất khẩu của Quảng Nam, ước lượng số cau sấy bị đọng lại tại biên giới Việt-Trung vào khoảng 1.000 tấn. Nguyên nhân là do các thương nhân Trung Quốc hạ giá mua xuống thấp. Một ký cau sấy đã thỏa thuận mức giá 3,9 USD nhưng khi đưa hàng qua thì họ chỉ chịu mua với giá 8-12 Nhân dân tệ. Dân buôn cau sấy méo mặt vì lỗ, chần chừ không bán thì cau bị hư phải đem bỏ. Ông Lập cho biết ở Thanh Hóa có một lò sấy cau xuất khẩu bị lỗ rất nặng, hiện còn tồn đọng 200 tấn.
Tất cả các chủ lò sấy cau đều thừa nhận rằng, năm 2006 là thời điểm “vàng son” của nghề sấy cau xuất khẩu. Lúc đó, 1 ký cau sấy có giá 3,9 USD - cao nhất từ trước đến nay. Để có cau nguyên liệu, các lò sấy đã đẩy giá mua lên mức cao ngất ngưởng, 14.000 đồng/ký, trong khi mọi năm cao nhất cũng chỉ 5.000-7.000 đồng/ký. Người trồng cau hả hê vì cây mới ra buồng đã có người đến đặt cọc “xí phần”.
Đến khi cau nguyên liệu bị vắt kiệt, nhiều lò sấy đã dùng cả cau núi, cau rừng có vỏ dày, xơ cứng, trộn với cau nhà để sấy. Một số lò sấy còn nhập cả cau của Lào và Thái Lan về sấy rồi xuất sang Trung Quốc. Năm 2006, các lò sấy cau đã nhập chừng 30.000 tấn cau quả từ Lào, Thái Lan, Campuchia dù cau trồng ở các nước này không ngon bằng cau Việt Nam. Chính vì vậy, chất lượng cau sấy xuất khẩu ngày càng giảm sút, khiến khách hàng ép giá hoặc cắt luôn hợp đồng mua hàng trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, theo ông Đức, giá cau sấy xuất khẩu giảm và bị dội hàng còn do “chiến thuật” của các thương nhân Trung Quốc. Họ đẩy giá lên cao, sau đó “đóng cửa” không mua. Dù cũng bị mất số tiền ứng trước cho các chủ lò sấy (từ 10-30% giá trị hợp đồng) nhưng bằng việc hạ giá mua xuống còn 1 USD/1 ký (giảm khoảng 75%) họ sẽ nhanh chóng thu hồi lại và còn có lời to.
Không chỉ các chủ lò sấy cau vã mồ hôi vì nợ mà cả nông dân trồng cau cũng hoang mang. Ông Nguyễn Thanh Bút (thôn 11, Tiên Thọ, Tiên Phước) được mệnh danh là “vua cau” Quảng Nam vì ông sở hữu vườn cau 24.000 cây, trong đó có 1.000 cây đang cho trái. Năm 2006, ông bán ngay tại vườn một tấn cau trái được 14,5 triệu đồng, mà thương lái tranh nhau mua. Thấy cau non được giá, ông lại không bán mà để dành bán cau giống (quả già). Ông bán 5.000 trái cau giống cũng bỏ túi được 5 triệu đồng (1.000 đồng/quả). Ba mươi năm trồng cau, ông chưa bao giờ thấy trái cau được giá như vậy...
Nhưng rồi, mấy tháng qua, cả vườn cau rộng như khu rừng của ông Bút không ai ghé đến. Từ 14.000 đồng/ký, cau tươi xuống giá chỉ còn 1.400 đồng/ký. Năm nay, ông ước tính sẽ thu 2 tấn cau quả, những tưởng cầm chắc 30 triệu đồng, bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được 3 triệu đồng. “Năm ngoái, đêm nào nhà tôi cũng chia người ra canh vườn vì sợ kẻ trộm, mất một buồng cau là mất 50.000 đồng! Năm nay cau ra trái đầy vườn mà chẳng ai thèm canh giữ”, ông than rồi cho biết thêm, cũng tầm tháng 10 năm ngoái, dân buôn cau trái, cau giống vào Tiên Thọ nườm nượp, xe tải nối đuôi ra vô ngày đêm, còn năm nay thì...
Tâm trạng của ông Bút cũng là tâm trạng chung của 16.000 gia đình nông dân trồng cau ở Quảng Nam. Năm 2006 Quảng Nam cung cấp ra thị trường khoảng 11.000 tấn cau trái, trong đó có 7.500 tấn cau non (tương ứng với 1.600 tấn sấy xuất khẩu). Chỉ tính riêng cau non, năm 2006, nông dân Quảng Nam đã thu được ít nhất 67,5 tỉ đồng (tính giá cau bình quân 9.000 đồng/ký). Năm nay, giỏi lắm cũng chỉ bằng một phần ba, nông dân thiệt mất khoảng 40 tỉ đồng. Nếu tính cả nước thì con số sẽ cao hơn rất nhiều.
Ông Phan Hồng Đức cho biết, gần đây một số khách hàng Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc đã đến lò của ông đặt vấn đề mua cau nguyên liệu. Họ đặt những đơn hàng lớn hơn nhiều so với sản lượng cau của cả tỉnh Quảng Nam hiện nay. Tuy nhiên, những khách hàng này mua cau không phải để làm kẹo cau như Trung Quốc mà để phục vụ cho ngành công nghệ sản xuất sơn, in nhuộm, dược liệu...
“Phải có một tổ chức làm công tác xúc tiến thị trường, tập trung được nguyên liệu..., thì nghề trồng cau xuất khẩu Việt Nam mới phát triển được”, ông Đức nói.