Vì đâu thanh khoản chứng khoán mất hút, tiền dân gửi tiết kiệm cao ở mức kỷ lục?
Dù được kỳ vọng lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn sẽ chảy vào chứng khoán nhưng ngược lại, tiền vẫn chảy vào kênh tiết kiệm ngân hàng. Trong khi đó, trên thị trường thanh khoản lại xuống mức thấp. Thanh khoản tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11...
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 9, người dân "gửi ròng" thêm vào hệ thống hơn 15.900 tỷ đồng. Mức tăng theo tháng này cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước, nhưng thấp hơn trước dịch Covid-19. Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.
Tiền gửi của dân cư chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, sau cuộc đua nâng lãi suất lên cao của các nhà băng. Cuộc chạy đua giai đoạn này đẩy lãi suất huy động nhích dần từng ngày, có thời điểm vượt 10% một năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao, thường có kỳ hạn một năm trở lên, theo đó sẽ dần đáo hạn từ tháng 10 năm nay đến đầu năm 2024. Lãi suất huy động với các khoản tiền gửi mới hiện xuống thấp kỷ lục, về dưới 6% một năm.
Dù được kỳ vọng lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn sẽ chảy vào chứng khoán nhưng ngược lại, tiền vẫn chảy vào kênh tiết kiệm ngân hàng. Trong khi đó, trên thị trường thanh khoản lại xuống mức thấp. Thanh khoản tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11. Trong tháng 10, giá trị giao dịch bình quân ba sàn đạt 17.161 tỷ đồng/phiên giảm 36,1% so với tháng 9. Trong tháng 11, giá trị ba sàn tiếp tục giảm còn 14.600 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm 14,6% so với tháng trước. Phiên giao dịch hôm qua 27/11, thanh khoản ba sàn giảm còn hơn 13.000 tỷ đồng.
Nói với VnEconomy về tình trạng này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng có nhiều nguyên nhân bao gồm cả yếu tố trong nước và bên ngoài.
Thứ nhất, trong cuộc họp tháng 9 vừa rồi Chủ tịch Fed đưa ra thông điệp cuối năm 2023 sẽ có thêm đợt tăng lãi suất nữa, tháng 9-11 không tăng nên nhiều khả năng áp lực tăng cho tháng 12, tất nhiên chưa thể kết luận nhưng đó là thông báo gần nhất và đây là yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư
Thứ hai là đà hồi phục chậm của nền kinh tế. Nhà đầu tư chủ yếu nhìn theo yếu tố vĩ mô và hiện nay đà hồi phục của nền kinh tế chậm, rủi ro về suy thoái hay khủng hoảng thời gian tới còn đeo bám thị trường khiến mọi người lo lắng.
Thứ ba, có thể chủ yếu tính biến độ của thị trường, thị trường có giai đoạn sụt giảm mạnh bất chấp chứng khoán Mỹ, EU hay Nhật Bản cũng tăng mạnh nhưng tại thị trường Việt Nam lại không tăng tốt. Nhà đầu tư nhỏ luôn phụ thuộc vào xu hướng của thị trường, chỉ khi thị trường có một nhịp tăng kéo dài họ mới mặn mà quay lại còn thị trường tăng không đáng kể vài tuần rồi "dập" cho vài phiên xuống thì bằng huề. Tâm lý nhà đầu tư thấy rủi ro biến động thị trường lớn, lên chậm xuống nhanh, giật cục như những phiên ATC cũng khiến họ lo ngại thì họ chọn kênh an toan hơn là tiết kiệm ngân hàng.
Thứ tư, liên quan đến Vạn Thịnh Phát gần đây, thị trường vẫn chưa đo lường được mức thiệt hại của SCB và họ xem là rủi ro lớn của hệ thống ngân hàng và đây là tin xấu nên không thể đánh cược tham gia thị trường.
Thứ năm, hiện tại là thời gian ngủ đông của dòng vốn ngoại. Đây là thời điểm họ chốt NAV "ngủ đông", nhà đầu tư trong nước thấy khối ngoại bán ròng liên tục và xu hướng này đang diễn ra nên họ cũng chưa sẵn sàng quay lại thị trường dẫn đến dòng tiền không vào mạnh.
Cuối cùng là thói quen. Nhà đầu tư thị trường Việt Nam vẫn lựa chọn kênh an toàn tiết kiệm, đổ vào tài sản như bất động sản còn xem chứng khoán là lướt sóng ngắn hạn. Khi bất động sản đóng băng thì họ chỉ tìm đến kênh tiết kiệm để trú ẩn an toàn và khi thanh khoản bất động sản quay lại thì họ rục rịch quay lại. Với cổ phiếu thì nhà đầu tư chưa xem là kênh kiếm tiền và họ manh nha lướt sóng ngắn, lúc thị trường dập lên dập xuống rủi ro thì họ e ngại.
"Có ý kiến trái chiều về phiên ATC nhưng giật cục như vậy khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ họ nhìn vào những phiên đó họ sợ, bản thân mình lâu năm mình cũng e ngại chứ không nhìn thấy có cơ hội lớn", ông Minh nhấn mạnh.
Giải pháp nào để chứng khoán trở thành kênh hấp dẫn hơn thu hút dòng tiền, theo Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta, cần có những giải pháp để kéo nhà đầu tư tổ chức vào thay vì 90% hiện tại là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Để tăng lượng nhà đầu tư tổ chức phải tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, giảm những doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện xuống, sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống KRX để nâng hạng thị trường.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn quá ít hàng hóa, nhà đầu tư tổ chức muốn đầu tư dài hạn ở thị trường Việt NAm hiện nay cũng chỉ có vài tên quen thuộc như FPT, VNM...Số lượng hàng hóa rất ít, những ông như Viettel, Mobiphone...cũng cần sớm được niêm yết để giảm thiểu rủi ro của thị trường đến từ các đối trọng lớn như VHM, VRE..."
Về xu hướng dài hạn, theo ông Minh, thị trường vẫn đang trong trạng thái tích lũy. "Những phiên giảm mang lại cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn tích lũy. Khi đầu tư dài hạn, chỉ cần set một danh mục chất lượng, yếu tố cơ bản tốt còn lại chờ những phiên giảm mạnh để mua vào".