VinaCapital dự báo tăng trưởng 6,5% năm 2025, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng 20%
VinaCapital kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2025 vì dự báo cơ cấu tăng trưởng sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ tăng từ 15-20% vào năm 2025, đạt khoảng 31 tỷ USD tương đương 6% GDP...
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital vừa đưa ra nhận định về vĩ mô Việt Nam trong đó nhấn mạnh nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 nhưng các yếu tố nội tại sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025.
Lý do bởi kinh tế Việt Nam gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ và tăng trưởng xuất khẩu sang quốc gia này dự kiến sẽ chậm lại trong năm sau. Chính phủ đang lên kế hoạch để giảm thiểu tác động của sự suy giảm đó nhưng vẫn cần những biện pháp quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP vào năm 2025.
Theo VinaCapital, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng mạnh hơn 20% trong năm nay so với mức giảm khoảng 10% trong năm 2023, đây là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào mức 40% trong xuất khẩu điện tử và các sản phẩm công nghệ cao sang Mỹ. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chững lại vào năm sau, một phần do nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ trải qua một đợt "hạ cánh mềm" và suy giảm kinh tế.
Các lý do khác khiến xuất khẩu tăng trưởng chậm lại vào năm sau liên quan đến chu kỳ tái dự trữ hàng hóa của Mỹ. Hơn nữa, xuất khẩu trên toàn châu Á hiện đang được thúc đẩy bởi sự đón đầu do nhu cầu trước khi ông Trump nhậm chức, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu giảm dần vào năm sau. Do đó, tăng trưởng sản xuất của Việt Nam có thể sẽ giảm vào năm tới, vì hầu hết các sản phẩm sản xuất đều được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
VinaCapital dự đoán sản xuất sẽ giảm từ 10% trong năm nay xuống còn 6% trong năm tới, điều này làm giảm khoảng 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của việt Nam. Lượng khách du lịch quốc tế được dự báo sẽ giảm từ 40% trong năm nay xuống còn 15% trong năm tới, làm giảm hơn 1,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ tăng từ 15-20% vào năm 2025, đạt khoảng 31 tỷ USD tương đương 6% GDP cho các dự án như hoàn thành thêm 1.000 km đường cao tốc hoàn thành giai đoạn đầu của sân bay mới Tp.HCM và mở rộng hai sân bay hiện tại ở Tp.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 15-20% này sẽ tương đương với việc chi thêm khoảng 5 tỷ USD tương đương khoảng 1% GDP, điều này sẽ không đủ để bù đắp tác động từ đợt suy giảm trong sản xuất và du lịch, vì vậy các biện pháp bổ sung sẽ cần thiết để duy trì tăng trưởng GDP nhanh chóng của Việt Nam trong năm tới.
Mặc dù vậy, VinaCapital vẫn kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2025 vì dự báo cơ cấu tăng trưởng sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều hơn trong năm sau.
Tâm lý người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 và 2024, mặc dù đã có sự cải thiện phần nào trong năm 2024, theo các công ty nghiên cứu tiêu dùng trong nước như Cimigo và InFocus Mekong Research. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực tế loại trừ lạm phát ước tính khoảng 6% trong năm nay, thấp hơn mức tăng trưởng 8-9% điển hình ở Việt Nam. Hơn nữa, khoảng một nửa trong con số 6% này là do sự phục hồi liên tục của lượng khách du lịch quốc tế, từ 70% so với trước Covid năm 2023 lên 100% năm 2024.
Tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam. VinaCapital dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ có sự phục hồi trong năm tới vì kỳ vọng Chính phủ sẽ thực hiện những bước đi quan trọng để khôi phục thị trường bất động sản.
Khi thị trường bất động sản hồi phục sẽ có tác động lớn hơn nhiều đối với tâm lý tiêu dùng so với việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Một mức tăng vừa phải trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 6% GDP sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đáng kể. Tuy nhiên, sự kiết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay mới của Tp.HCM và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có thẻ khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào hiệu ứng tài sản liên quan đến giá trị của khu đô thị mà nhiều người tiêu dùng trung lưu Việt Nam sở hữu.
"Có thể năm 2025 sẽ có nhiều biến động đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2025, sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam so với kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế. Sự sụt giảm này có thể sẽ thúc đẩy hành động quyết liệt của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đặc biệt là trong bối cảnh các mục tiêu tăng trưởng GDP cao. Kết quả cuối cùng có thể là tăng trưởng giảm sút vào đầu năm 2025, theo sau là sự tăng tốc mạnh mẽ cuối năm 2025", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.