“Vùng đệm”: Giải pháp hiệu quả để kết nối các “vùng xanh”?
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo báo cáo của Tổ công tác phía Nam Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) gửi Thủ tướng Chính phủ, tại một số nhà máy sản xuất thực phẩm, lượng công nhân duy trì sản xuất đông, nhưng mới chỉ tiêm vaccine 30 - 40%, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Đây lại là lực lượng lao động trực tiếp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài.
Việc nhà máy, siêu thị, chợ dân sinh bị đóng cửa vì có ca nhiễm Covid sẽ khiến giảm khả năng cung ứng, gây thiếu hàng cục bộ và ảnh hưởng tới an ninh xã hội. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, các bán lẻ quy mô lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung và phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
CẦN “VÙNG ĐỆM” CHO DOANH NGHIỆP, NHÀ MÁY
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức ngày 8/8/2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty VinCommerce (công ty thành viên của Tập đoàn Masan và là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+) cho rằng dù biện pháp “3 tại chỗ” của Chính phủ đề ra là rất đúng đắn, song qua thực tế triển khai cho thấy chỉ có thể hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, khoảng 1 - 2 tuần.
Về dài hạn, nếu có phát sinh nguồn lây bệnh thì “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn. Từ đó, bà Phương đề xuất biện pháp “vùng đệm” xung quanh nhà máy để lực lượng lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện một số nhu cầu cá nhân vừa đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.
“Doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm các “vùng đệm” như trường học, trường nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu chưa được sử dụng tại địa phương gần ngay nhà máy. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu này chỉ có thể thành công khi có sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền sở tại. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ phê duyệt giải pháp “vùng đệm” và có thể nhân rộng mô hình này”, bà Phương đề xuất.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng nếu áp dụng lâu dài “3 tại chỗ” thì không thể chịu nổi bởi áp lực tâm lý nặng nề cho người lao động. Do đó, việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp cũng đồng tình với phương án khắc phục những điểm yếu của “3 tại chỗ” và nhận định, hiện nay doanh nghiệp hàng thiết yếu không thể cung cấp đủ hàng cho nhu cầu thị trường vì thiếu nhân công để sản xuất. Do đó, bảo vệ sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và chuỗi cung ứng hàng thiết yếu là biện pháp then chốt giữ ổn định xã hội trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay.
Như vậy, giải pháp “vùng đệm” tại các nhà máy “3 tại chỗ” do Masan đề xuất có thể là bước cải tiến quan trọng để mô hình này phù hợp thực tế, phát huy hiệu quả hơn. Và rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu ấy.
LẬP “VÙNG ĐỆM” ĐỂ TIÊU THỤ NÔNG SẢN
Cùng với việc các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, thì việc thiết lập các “vùng đệm” để tập kết hàng hóa cũng quan trọng không kém. Sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
“Vùng đệm” xung quanh nhà máy có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… ở gần nhà máy. Tại đây, lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, vừa qua Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, có tăng cường kết nối, phối hợp với các Tập đoàn Viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet...) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.
“Ngoài ra, cần thiết lập điểm tập kết hàng hoá tạm thời. Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối. Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; đồng thời, thiết lập các “vùng đệm” để tập kết hàng hoá, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16,” Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, xây dựng "vùng đệm" là nơi an toàn không có dịch để tập kết hàng hoá là vô cùng cần thiết. Đây vừa là nguyên nhân vừa là giải pháp. Phải có chỗ kiểm soát được dịch bệnh từ người lao động đến việc khử khuẩn. Điều này giúp hàng hoá đảm bảo khử khuẩn, vì vào tận ruộng mua hàng hoá không qua sơ chế dễ hư hỏng và nguồn vào mua hàng cũng dễ bị lây nhiễm, trở thành nguồn lây nhiễm. “Vùng đệm” có cách phòng chống bảo hộ thì người đến mua yên tâm, người bán yên tâm và lao động tại khu vực đó như bốc vác, lái xe sẽ không bị cách ly.
Hiện nay, TP.HCM đã bố trí ba “vùng đệm” tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP.Thủ Đức để trao đổi tài xế tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Theo đó, hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TP.HCM sẽ được tập kết tại khu đất trống giáp ranh hai huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, đồng thời đề xuất ba phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa. Các tiểu thương sẽ chọn đăng ký phương án vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh vào các chợ đầu mối để kịp triển khai.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội cũng vừa đề xuất UBND TP. Hà Nội lập năm điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn nhằm giảm tải áp lực cho chợ đầu mối. Sẵn sàng bố trí cho hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về Hà Nội phục vụ người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các điểm được sở này đề xuất gồm: bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm.