13:17 08/04/2024

Vướng quy hoạch hành lang đường bộ, người dân Quảng Trị than khó vì không được sửa nhà

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết nhà cửa, vườn cây của các hộ dân có trước khi quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ có hiệu lực và đúng với mục đích sử dụng thì tạm thời được phép sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ. Tuy nhiên, phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới, mở rộng...

Cử tri tỉnh Quảng Trị phản ánh việc quy hoạch hành lang đường bộ tại đoạn qua xã Đakrông bất cập, người dân sinh sống ổn định từ lâu nhưng không thể xây dựng nhà cửa.
Cử tri tỉnh Quảng Trị phản ánh việc quy hoạch hành lang đường bộ tại đoạn qua xã Đakrông bất cập, người dân sinh sống ổn định từ lâu nhưng không thể xây dựng nhà cửa.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị về quy hoạch các tuyến Quốc lộ 9 và 14 qua địa bàn.

Cử tri tỉnh Quảng Trị phản ánh việc quy hoạch hành lang đường bộ theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 trên hai tuyến đường Quốc lộ 9 và đường mòn Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn qua xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là chưa phù hợp đối với điều kiện địa hình xã miền núi như xã Đakrông.

Điều bất cập ở đây đó là cử tri tỉnh cho rằng do người dân khu vực này đã sinh sống ổn định và lâu dài song nay gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa do vướng quy hoạch hành lang đường bộ. Do đó, cử tri tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra và có biện pháp tháo gỡ.

Phản hồi kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, trên địa bàn xã Đakrông, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có hai tuyến quốc lộ đi qua là Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Cả hai tuyến quốc lộ đoạn này đều đi dọc một nhánh của dòng sông Đakrông, nhiều đoạn tuyến đi qua địa hình một bên là núi cao, có độ dốc lớn, địa hình khó khăn.

 

"Do yếu tố địa hình, yếu tố lịch sử để lại cũng như trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền địa phương, phần lớn nhà cửa, vườn cây của các hộ dân hai bên quốc lộ nằm trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ bất cập.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, dọc hai bên tuyến Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, dân cư thưa thớt, tập trung theo từng thôn, bản, chủ yếu là đồng bào thiểu số người Vân Kiều, nhà cửa phần lớn là nhà tạm.

Để giải quyết các tồn tại về hành lang an toàn đường bộ như nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết tại khoản 9 Điều 28 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định trường hợp công trình trên đất hành lang an toàn đường bộ có trước khi quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ có hiệu lực, đúng với mục đích sử dụng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền cấp, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì được tiếp tục sử dụng.

"Khi có yêu cầu thu hồi đất để nâng cấp, cải tạo công trình giao thông thì chủ đầu tư tiến hành việc nâng cấp, cải tạo công trình giao thông phải bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị dỡ bỏ theo quy định của pháp luật",  Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 29 Thông tư số 50/2015/BGTVT ngày 23/09/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định rõ: công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ được tạm thời tồn tại.

Tuy nhiên, phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới, mở rộng. Người sử dụng đất phải ký cam kết với ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường về việc không cơi nới, mở rộng.

"Trường hợp công trình bị xuống cấp, chưa được nhà nước đền bù, giải tỏa và người sử dụng có nhu cầu để sử dụng, uỷ ban nhân dân cấp xã và cơ quan quản lý tuyến đường kiểm kê đất, tài sản trên đất để có cơ sở đền bù hoặc thống nhất phương án sửa chữa”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Các quy định trên đã tháo gỡ một phần khó khăn cho các hộ dân sinh sống trong hành lang an toàn đường bộ, đồng thời đảm bảo an toàn cho kết cấu công trình và an toàn giao thông đường bộ.

Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị có ý kiến với các cấp chính quyền địa phương nghiên cứu lập quy hoạch hoặc có kế hoạch xây dựng các khu dân cư, tái định cư để khi nhà nước có chương trình thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ sẽ chủ động và giảm bớt tác động tới người dân trong việc sớm tái ổn định điều kiện sinh hoạt, phù hợp với Luật Đất đai và thuận lợi trong xây dựng, sửa chữa nhà cửa.