11:47 28/04/2021

Xuất khẩu gỗ ván bóc tăng bất thường

Các doanh nghiệp trong nước đối diện với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất...

Riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng giá trị xuất khẩu ván bóc trong quý 1 năm 2021
Riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng giá trị xuất khẩu ván bóc trong quý 1 năm 2021

Chi hội Gỗ dán vừa có văn bản đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng…

Theo văn bản của Chi hội Gỗ dán, từ tháng 10/2020 đến nay, khối lượng ván bóc làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn rừng trồng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng ván bóc đạt trên 36,11 triệu USD, tăng tới 197% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu hơn 32,61 triệu USD, chiếm khoảng 90% tổng giá trị xuất khẩu ván bóc trong quý 1 năm 2021.

Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng ván bóc tăng mạnh từ mức trung bình 5,5 triệu USD/tháng hồi đầu năm 2020 lên trên 13 triệu USD/tháng trong khoảng từ tháng 11/2020 đến hết quý tháng 3/2021.

 

Có hiện tượng một số doanh nghiệp xuất khẩu ván bóc thực hiện khai báo hải quan giá trị thấp hơn thực tế để giảm mức thuế nhập khẩu phải nộp.

Trong văn bản đề nghị của mình, Chi hội Gỗ dán còn đề cập, nhiều hội viên từ các địa phương sản xuất ván bóc lớn đang lo ngại việc lượng ván bóc xuất khẩu nhiều sẽ dẫn đến các nhà máy sản xuất trong nước khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Ngoài ra, việc lượng xuất khẩu tăng cao cũng kéo theo giá ván bóc tăng, gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Cụ thể, từ tháng 10/2020 đến nay giá mua ván độ AB tại các địa phương có nguồn cung cấp lớn như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bắc Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ… đã tăng hơn 10% so với thời điểm đầu năm 2020.

Hiện nay ván bóc có mức thuế xuất khẩu là 10%. Chi hội Gỗ dán cho rằng có hiện tượng một số doanh nghiệp xuất khẩu ván bóc thực hiện khai báo hải quan giá trị thấp hơn thực tế để giảm mức thuế nhập khẩu phải nộp.

Thực tế các doanh nghiệp đang xuất khẩu ván bóc phần lớn là công ty thương mại nhưng trong hồ sơ xuất khẩu lại khai báo là doanh nghiệp sơ chế Veneer mua gỗ tròn trực tiếp từ nông dân để lẩn tránh việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Chi hội Gỗ dán đề nghị kiểm soát chặt hồ sơ xuất khẩu nguyên liệu ván bóc để tránh gian lận, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, cần áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng với giá FOB tối thiểu là 160 USD/m3 và đối với ván bóc sản xuất từ cao su giá FOB tối thiểu là 200 USD/m3.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị lên Bộ Tài chính để có biện pháp kiểm soát tốt hơn sản phẩm gỗ ván bóc xuất khẩu để tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước cũng như bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu.