Bộ Công Thương đặt mục tiêu thị trường ô tô Việt tiêu thụ đạt 1 triệu xe năm 2030
Mục tiêu dung lượng thị trường 1 triệu xe
Theo Dự thảo của Bộ Công Thương về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đến năm 2045, và những năm tiếp theo được xác định sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... và tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... sẽ thay thế hoàn toàn 80,5% xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2050.
Mục tiêu được Bộ Công Thương vạch ra đối với việc tăng trưởng thị trường xe ô tô trong nước giai đoạn đến năm 2030 đạt tốc độ bình quân khoảng từ 14 - 16% /năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1.000.000 - 1.100.000 chiếc.
Trong đó, xe đến 9 chỗ khoảng 550.000 chiếc (chiếm 55%), từ 10 chỗ trở lên khoảng 50.000 chiếc (chiếm 5%), xe tải khoảng 350.000 chiếc (chiếm 35%), xe chuyên dụng khoảng 50.000 chiếc (chiếm 5%).
Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác chiếm khoảng 18 - 22%.
Tổng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt khoảng 600.000 - 700.000 chiếc vào năm 2030.
Đến năm 2045, tăng trưởng thị trường tiêu thụ xe ô tô trong nước tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2031 - 2045 là 11 - 12%/năm, tổng lượng xe đạt ~ 5.000.000 - 5.700.000 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ chiếm khoảng 68 - 70%, từ 10 chỗ trở lên chiếm 5 - 6%, xe tải chiếm 23 - 24%, xe chuyên dụng chiếm khoảng 2 - 3%. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác đạt ~ 4.300.000 4.400.000 chiếc, chiếm khoảng 80 - 85 %.
Tổng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước tăng trưởng bình quân hàng năm là 13 - 14%/năm trong giai đoạn 2031 - 2045, sản lượng đạt ~ 4.000.000 - 4.600.000 chiếc, chiếm khoảng 80 - 85% so với nhu cầu nội địa.
Đặc biệt, tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp so với nhu cầu nội địa cũng là vấn đề được Bộ Công Thương chú trọng trong Dự thảo. Dự kiến, đến năm 2030, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 70%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 62%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 85%, xe tải đạt - 75%, xe chuyên dụng đạt ~ 20%. Đến năm 2045, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 87%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 90%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 98%, xe tải đạt ~ 93%, xe chuyên dụng đạt ~ 50%.
Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu phương tiện vận tải và linh kiện, phụ tùng ô tô đạt ~ 14 tỷ USD. Đến năm 2045, giá trị xuất khẩu phương tiện vận tải và linh kiện, phụ tùng ô tô đạt ~ 36 tỷ USD.
Giai đoạn đến năm 2030, bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Đủ khả năng cung ứng 55 - 60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 80 - 85% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Giải pháp để đạt mục tiêu
Để giải quyết bài toán nội địa hoá và tăng dung lượng thị trường, Bộ Công Thương cho rằng giải pháp tối ưu là cần phải tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn của các thành phần kinh tế khác trong nước bằng việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá các hình thức đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính để phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư. Huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư một số dự án trọng điểm và có hiệu quả cao; xây dựng danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư.
Đa dạng hoá đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành theo hình thức PPP, BOT, BT, BO...
Tăng cường thu hút đầu tư thay thế các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ; tiếp nhận - chuyển giao máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong việc chế tạo sản phẩm, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, quy chuẩn sản phẩm.
Đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng, tiết kiệm nguồn nguyên liệu (than, điện, quặng sắt...) để sản phẩm có giá thành cạnh tranh.
Tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố mối quan hệ khoa học - công nghệ giữa các đơn vị sản xuất với các cơ quan nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các trường đại học trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ - kỹ thuật mới áp dụng vào ngành.
Khuyến khích đầu tư quy mô lớn, tập trung. Đối với các dự án công nghiệp hỗ trợ: Tuỳ thuộc tính chất, chủng loại sản phẩm, chú trọng cả dự án quy mô lớn (phục vụ xuất khẩu) và quy mô nhỏ làm vệ tinh cho các dự án lớn.
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hiện có đầu tư chiều sâu, đầu tư bổ sung, nâng cấp công nghệ, nâng cao công suất lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước.
Nghiên cứu, xây dựng các biện pháp kỹ thuật dựa trên các cam kết, các quy định và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước;
Xây dựng, phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm và doanh nghiệp ô tô trong nước không chỉ trên thị trường nội địa mà còn trên thị trường khu vực và thế giới;...