Câu chuyện phát triển xe điện của Trung Quốc và thực trạng ngành ô tô điện tại Việt Nam

Lê Vũ
Không phải Mỹ, Trung Quốc mới là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới tới thời điểm hiện tại. Quốc gia này chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu. Tăng trưởng nóng và cách quốc gia này làm thế nào để đẩy nhanh phát triển xe điện như hiện tại là câu chuyện rất được quan tâm.

“Ván cược lớn” trong ngành xe điện thông minh của Trung Quốc

Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc tập trung mạnh mẽ vào phát triển các lĩnh vực chính như: sản xuất, bán lẻ, khai khoáng, thép, bất động sản, thương mại điện tử và du lịch… Mặc dù vậy, bất động sản mới là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với tổng giá trị 14,8 nghìn tỷ NDT vào năm 2021, chiếm 27% đầu tư tài sản cố định của quốc gia.

Tuy nhiên, việc mở rộng quá mức trong lĩnh vực bất động sản đã khiến Trung Quốc dần hụt hơi trong cuộc đua với Mỹ và Châu Âu. Ngoài ra, nó còn gây ra các vấn đề kinh tế mang tính hệ thống.

Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ôtô điện thế giới chỉ trong 10 năm. Ảnh: Nikkei Asia
Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ô tô điện thế giới chỉ trong 10 năm. Ảnh: Nikkei Asia.

Để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo, trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã đặt cược rất lớn vào ngành xe điện thông minh, với kỳ vọng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Không chỉ dừng lại ở các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô, Chính phủ Trung Quốc còn thực sự đóng vai trò là “vườn ươm công nghệ”, đồng hành với doanh nghiệp.

Nhìn lại lịch sử, các nhà sản xuất ô tô Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đã thống trị thị trường ô tô động cơ đốt trong (ICE), cả về mặt kinh tế và làm chủ công nghệ trong hơn 100 năm. Là quốc gia vốn tập trung sản xuất, lắp ráp linh kiện, ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc mặc dù phát triển nhưng rất khó để vươn lên dẫn đầu.

Những năm gần đây, chỉ tính riêng doanh số bán hàng ô tô toàn cầu đã đạt hàng nghìn tỷ USD, nhưng mới chỉ có 10% thị trường thuộc về xe điện thông minh (IEV). Đây là cơ hội “ngàn năm có một” dành cho Trung Quốc để chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong (ICE) sang IEV.

Xét về mặt công nghệ, ngành IEV gồm 3 giai đoạn phát triển: điện khí hóa, trí thông minh nhân tạo (AI) và xây dựng hệ sinh thái về giao thông. Trong đó, điện khí hóa là quá trình cung cấp năng lượng bằng công nghệ pin và chuỗi cung ứng là yếu tố căn bản. Giai đoạn này đã sớm được Trung Quốc hoàn thành với thế mạnh là nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn nhất toàn cầu, đặc biệt là sản xuất pin với sự “trỗi dậy” của các tập đoàn lớn như ATL, CATL hay BYD.

Giai đoạn thứ hai (trí thông minh nhân tạo) được nhiều chuyên gia quốc tế nhận định là Trung Quốc đã dần tiến tới sự “chín muồi” và sẽ sớm thực sự làm chủ công nghệ chỉ trong một vài năm tới. BYD, từ một công ty chuyên sản xuất pin, nay đã vươn mình trở thành một trong ba nhà sản xuất ôtô hàng đầu ở Trung Quốc, và chính thức vượt “gã khổng lồ” Tesla của Mỹ ngay trong nửa đầu năm nay.

Dựa trên nền tảng của điện khí hóa, trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc đang dần tiến tới xây dựng một hệ sinh thái giao thông, trong đó IEV là trọng tâm, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề kinh tế trong tương lai.

Trong cuộc chạy đua tỷ đô này, doanh nghiệp ô tô Trung Quốc nhận được hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ với những cam kết đầu tư nguồn tài chính khổng lồ, đi kèm các chính sách khuyến khích cho cung cấp và tiêu thụ IEV.

Doanh số EV và PHEV giai đoạn 2015 - 2025 (dự kiến). Nguồn: IDTechEx research
Doanh số EV và PHEV giai đoạn 2015 - 2025 (dự kiến). Nguồn: IDTechEx research.

Kể từ năm 2010, chính quyền ông Tập Cận Bình đã khởi xướng một chương trình trợ cấp cho người tiêu dùng lên đến 40% chi phí một chiếc IEV. Kể từ năm 2014, tất cả doanh số bán hàng IEV đều được miễn thuế mua hàng. Kể từ năm 2018, Trung Quốc áp dụng chính sách “tín dụng kép” dành cho các nhà sản xuất IEV đủ điều kiện.

Những chính sách ưu đãi “hào phóng” của Trung Quốc đã thu hút sự đầu tư lớn từ những tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới, giúp ngành xe điện thông minh của Trung Quốc nhanh chóng vươn xa đến thị trường Châu Âu, Mỹ và mới đây là thị trường ASEAN.

Phát triển nóng nhưng con đường trở thành “nhà lãnh đạo” xe điện thông minh của Trung Quốc không phải chỉ có “màu hồng”. Thứ nhất, quốc gia này vẫn chưa thực sự chủ động về nguồn cung chất bán dẫn, một công nghệ cốt lõi trong chuỗi cung ứng IEV. Do đó, bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với việc cung cấp chip bán dẫn sẽ là bước cản cho sự phát triển của ngành công nghiệp IEV. Thứ hai, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại và những lo ngại về vấn đề quyền riêng tư, dữ liệu và an ninh quốc phòng, một số quốc gia là khách hàng của Trung Quốc có thể đưa ra các chính sách hạn chế, ngăn cản xe điện Trung Quốc tiếp cận thị trường.

Ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam: Vừa đi vừa dò

Nếu so với thời điểm cách đây một năm, nhiều người còn hoài nghi về tương lai của xe điện thì ở hiện tại, đa số đều thừa nhận, xe điện chính là tương lai của ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù vậy, con đường “đi tắt đón đầu” như của Trung Quốc sẽ khó có thể áp dụng tại Việt Nam vì nhiều lý do.

Với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mà Chính phủ đã phê duyệt, Việt Nam hiện mới đang ở những bước đi đầu tiên của giai đoạn điện khí hóa.

Mặc dù đã có một số chính sách hỗ trợ thời gian qua như ưu đãi về thuế cho xe sản xuất trong nước, giảm lệ phí trước bạ, ưu đãi dành riêng cho xe “thuần” điện; nhưng đa số các nhà sản xuất xe hơi vẫn khá thận trọng trong việc đẩy mạnh phát triển xe điện tại Việt Nam.

Vinfast, doanh nghiệp
Vinfast, doanh nghiệp "hiếm hoi" tiên phong trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam đã có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Lý do cho sự thận trọng này, dường như đến từ việc các nhà sản xuất nước ngoài, sau một thời gian khá dài tìm hiểu thị trường Việt, nay lại đang muốn thăm dò “đối thủ” của mình là Vinfast.

Mặc dù nhà sản xuất xe điện hàng đầu Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chỗ đứng cho mình trên bản đồ ô tô thế giới, thậm chí xuất khẩu những mẫu xe hiện đại nhất sang thị trường Mỹ, nhưng trước khi quyết định đầu tư hay nhập xe về bán tại Việt Nam, các nhà sản xuất sẽ quan tâm hơn tới khả năng thành công của Vinfast ngay tại sân nhà.

Tính riêng 8 tháng năm 2022, đã có hơn 2.200 xe Vinfast VF e34 được giao tới khách hàng. Bên cạnh đó, VinFast đang tích cực xây dựng chỗ đứng tại Mỹ trong nỗ lực đầy tham vọng thách thức Tesla.

Các nhà sản xuất vẫn khá thận trọng khi đầu tư xe điện tại Việt Nam.
Các nhà sản xuất vẫn khá thận trọng khi đầu tư xe điện tại Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, sự phát triển của VinFast được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm vì vấn đề doanh số của nhà sản xuất nội địa này sẽ cho thấy phần nào bộ mặt của thị trường Việt Nam. Mọi động thái của các hãng xe đều khá thận trọng.

Bằng chứng là tại Triển lãm ô tô Việt Nam hồi cuối tháng 10 tại TP.HCM, theo kế hoạch có ít nhất 4 hãng xe giới thiệu mẫu xe điện, nhưng chỉ Mercedes-Benz và Audi khẳng định đã có kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới đây.

Một lý do khác trong việc phát triển xe điện tại Việt Nam là những bất cập về hạ tầng trạm sạc. Với một quốc gia đã có nền tảng rất vững chắc về trạm sạc và công nghiệp hỗ trợ như Trung Quốc, việc các hãng xe “chào sân”sản phẩm xe điện là điều đương nhiên. Nhưng đối với Việt Nam, hiện chỉ có các loại xe hybrid mới đem lại hiệu quả kinh doanh tối ưu và sự chậm trễ trong xây dựng hạ tầng trạm sạc sẽ khiến không ít nhà sản xuất phải “chùn chân”.

Thậm chí, ngay cả trong nội tại các doanh nghiệp Việt dường như cũng đang có tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh của Vinfast, nếu thành công sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp bước, mạnh dạn đầu tư, đồng thời cũng cho thấy lực cầu thực tế của thị trường Việt đến đâu.

Một số quan sát viên quốc tế cho rằng, thay vì để một vài doanh nghiệp “đứng mũi chịu sào”, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các chính sách mới, thiết thực hơn để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt là lĩnh vực xe điện. Thậm chí, có thể xem xét học tập một phần kinh nghiệm của Trung Quốc, đặc biệt là các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp tiên phong, đi đầu. Khi niềm tin vào thị trường được củng cố, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ mạnh dạn hơn khi đầu tư vào Việt Nam và điều đó sẽ như một hiệu ứng dây chuyền giúp Việt Nam nhanh chóng hoàn thành giai đoạn điện khí hóa trong tương lai gần.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.