Giá xe Tesla “tuột dốc” nhanh hơn các mẫu xe đối thủ sau khi giảm giá
Dữ liệu Cap HPI dành cho Vương quốc Anh, một trong những thị trường lớn nhất của Tesla, nhưng mẫu ô tô của công ty xe điện từ Mỹ cũng đã bị mất giá mạnh ở các quốc gia khác, theo các giám đốc điều hành trong ngành cho biết.
Mặc dù giá trị ô tô cũ đã giảm trong năm nay so với năm 2022, khi ô tô cũ thường được bán gần bằng hoặc cao hơn giá mới, nhưng vấn đề là ô tô Tesla đã mất giá nhiều hơn so với các thương hiệu xe điện đối thủ.
Trái ngược với mức giảm giá trị được dự đoán của Model 3 là 46%, một chiếc Polestar 2 chạy điện trị giá 50.395 bảng được mua vào tháng 1 sẽ có giá trị khoảng 33.000 bảng vào đầu năm 2024, mức lỗ 17.395 bảng, tương đương 35%, theo dự báo của CAP HPI.
Việc các mẫu xe Tesla mất giá mạnh hơn có khả năng khiến những chiếc xe của hãng đắt hơn trong các giao dịch tài chính so với các đối thủ.
Điều này là do theo hợp đồng thuê hoặc mua cá nhân, người lái xe phải chi trả cho phần giá trị mà một chiếc ô tô bị khấu hao trong thời gian thuê.
Cách tính chi phí kiểu này chiếm hầu hết tất cả các ô tô mới được bán ở Anh và ngày càng phổ biến trên khắp châu Âu và Mỹ, dẫn đến giá cao hơn đối với những phương tiện bị khấu hao nhiều hơn.
Trước đó, Tesla đã hạ giá xe mới ở Trung Quốc vào tháng 10, sau đó ở Mỹ, Châu Âu và Anh vào tháng 1, và một lần nữa đối với một số mẫu xe vào tháng 3 để kích cầu.
Giám đốc điều hành Elon Musk đã lên tiếng liên quan đến việc giảm giá vào đầu năm nay: “Mong muốn sở hữu một chiếc Tesla của mọi người là vô cùng cao. Yếu tố hạn chế là khả năng chi trả cho một chiếc Tesla của họ”.
Dylan Setterfield, người đứng đầu bộ phận dự báo tại CAP HPI, cho biết Tesla cũng đã phải vật lộn để tăng cường hoạt động bán xe cũ, nghĩa là ô tô thường được bán quá rẻ. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm giá trị xe cũ của Tesla kể từ năm ngoái.
Tesla chủ động đưa ra giá bán xe của mình trên toàn cầu, không giống như các nhà sản xuất khác sử dụng các chi nhánh hoặc đại lý địa phương, nơi đưa ra các khoản chiết khấu và ưu đãi để giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
Không giống như các đối thủ như BMW, thương hiệu này cũng không có danh sách chờ dài cho những chiếc xe của mình, điều đó có nghĩa là nó ít được hỗ trợ hơn trước sự sụt giảm nhu cầu trên diện rộng khi điều kiện kinh tế xấu đi.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ giá trị của những chiếc xe điện của mình”, Luca de Meo, giám đốc điều hành của Renault cho biết vào đầu năm nay. “Chắc chắn là điều này đang hủy hoại giá trị cho khách hàng”.
Trước làn sóng giảm giá khởi đầu là Tesla, Ford đã giảm giá mẫu Mustang chạy điện của mình ở châu Âu, trong khi Mercedes đã giảm giá chiếc E class chạy điện ở Trung Quốc, vốn ban đầu được định giá quá cao.
Trước đó, vào tháng 10/2022, nhà sản xuất xe điện của Elon Musk đã giảm giá các mẫu xe được sản xuất tại nhà máy khổng lồ của họ ở ngoại ô Thượng Hải. Trung Quốc. Các vấn đề leo thang vào tháng 1/2023, với một đợt giảm giá khác khiến ô tô sản xuất trong nước của Tesla rẻ hơn 14% so với năm ngoái và trong một số trường hợp rẻ hơn gần 50% so với ở Mỹ và châu Âu.
Jochen Siebert, giám đốc điều hành của JSC Automotive, một công ty tư vấn có văn phòng ở Thượng Hải và Stuttgart, cho biết: “Tesla đã tàn phá phần còn lại của thị trường.
Hành động của Tesla khiếm ít nhất 30 nhà sản xuất ô tô nữa đã giảm giá.
Thậm chí, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến giá cả và nói rằng đó không phải là giải pháp lâu dài cho tình trạng doanh số bán hàng chậm lại và tích lũy hàng tồn kho. Cơ quan này cho biết ngành công nghiệp nên “trở lại hoạt động bình thường” để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nó.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã cân nhắc một số giải pháp và nhấn mạnh rằng chính quyền khu vực cung cấp trợ cấp cho các phương tiện được sản xuất trong nước là không phù hợp. Trong một ví dụ, tỉnh Hồ Bắc và nhà sản xuất ô tô do nhà nước hậu thuẫn Dongfeng Motor Group Co. đã giảm giá tới 90.000 nhân dân tệ tương đương gần 40% đối với các mẫu Citroen C6.
Việc giảm giá diễn ra trong giai đoạn khó khăn đối với ngành ô tô của Trung Quốc. Chi tiêu của người tiêu dùng bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế do tình hình đại dịch Covid kéo dài của đất nước, trong khi doanh số bán hàng cũng bị ảnh hưởng do việc chính phủ loại bỏ trợ cấp mua xe điện vào cuối năm ngoái. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm tổn thương ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu.