Ngành công nghiệp ô tô Việt “khát” nhân lực chất lượng cao

Lê Vũ
Nhiều doanh nghiệp đang phải cạnh tranh nhau để giành lấy nhân tài tại các cơ sở đào tạo. Đó là một thực tế đang diễn ra tại các nhà sản xuất, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng như các công ty thương mại, dịch vụ. Yêu cầu với nguồn nhân lực hiện nay không chỉ đòi hỏi tay nghề cao mà còn cần phải có tư duy tốt và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ đồng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Doanh nghiệp mạnh tay đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Lê Vũ
Doanh nghiệp Việt đang mạnh tay đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Lê Vũ

Trước những biến động của nền kinh tế và sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, môi trường công việc cũng đang ngày càng thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Máy móc, công nghệ dần thay thế sức lao động của con người, khiến nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp ô tô ngày càng có tính đào thải cao. Theo xu hướng “chất lượng hơn số lượng”, nhiều nhà sản xuất không ngừng tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc THACO cho biết, THACO hiện có khoảng 60.000 nhân sự. Trong đó, số lượng nhân sự có trình độ đại học và trên đại học chiếm 32%; cao đẳng kỹ thuật chiếm 18%; công nhân kỹ thuật chiếm 50%. Trong giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu nhân sự tăng khoảng 15%/năm, đi kèm với chiến lược chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững.

Để chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, từ năm 2010, THACO đã thành lập trường Cao đẳng nghề với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, tập đoàn THACO còn hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo; tuyển dụng chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử.

Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cũng đã có nhiều nỗ lực đóng góp cho phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua. Trong đó, phải kể đến học bổng kỹ thuật Toyota với tổng giá trị hơn 7.500 tỷ đồng, tổ chức tại 16 trường Đại học trên khắp cả nước; Khóa học Monozukuri phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2005; Chương trình đào tạo kỹ thuật Toyota (T-TEP) với 9 trung tâm T-TEP được thành lập, đào tạo gần 3.000 sinh viên, trong đó có hơn 700 sinh viên đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nguồn nhân lực cũng là vấn đề mang tính sống còn của doanh nghiệp. Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools) được thành lập vào năm 2009 với thế mạnh trong lĩnh vực mài chính xác, chế tạo dụng cụ cắt, chế tạo chi tiết cơ khí chính xác và dịch vụ tráng phủ kim loại PVD. Là một doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực cũng cao hơn các công ty sản xuất, chế tạo truyền thống.

Ông Nguyễn Hồng Phong, CEO An Mi Tools chia sẻ, việc tuyển dụng luôn là vấn đề khiến doanh nghiệp phải đau đầu vì nhà máy cách xa trung tâm, trong khi đa số các trường đào tạo lại tập trung trong thành phố. Nhìn chung, chất lượng lao động chưa thực sự cao và đồng đều (chỉ đạt khoảng 30-40%), dẫn đến việc công ty phải thực hiện đào tạo lại với chi phí khá lớn. Thông thường, phải mất khoảng 6 tháng thì lao động mới bắt đầu quen với công việc, sau 1 năm mới có kinh nghiệm ở mức tương đối, sau 2 năm mới thực sự làm chủ được công việc và hướng đến chuyên môn cao.

“Giải pháp trước mắt của chúng tôi là tăng cường hợp tác với các trường Đại học, Cao đẳng, chấp nhận bỏ thời gian, chi phí để mong đạt được nguồn nhân lực đủ chất lượng và phù hợp với công ty. Đào tạo 10 người, chỉ cần 1-2 người ở lại làm việc và gắn bó lâu dài cũng đã là thành công”, ông Phong nói.

Cùng quan điểm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp ô tô cho rằng, chỉ có số ít doanh nghiệp đầu ngành có đủ tiềm lực để chủ động nguồn nhân lực; còn lại đa số vẫn phải trông chờ vào phía các cơ sở đào tạo. Không ít lao động mặc dù có chuyên môn cao nhưng vẫn rời doanh nghiệp vì không phù hợp với văn hóa công ty, hoặc tìm đến “bến đỗ” mới có nhiều ưu đãi hơn.

Sự chuyển đổi lớn trong giảng đường

Một buổi học thực hành trên xe hybrid tại Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lê Vũ
Một buổi học thực hành trên xe hybrid tại Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lê Vũ.

Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện đào tạo 06 nhóm ngành, trong đó có ngành Kỹ thuật ô tô. Với đội ngũ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm gồm gần 300 thầy cô, cán bộ và viên chức phần lớn được đào tạo bài bản từ nhiều quốc gia có nền khoa hoc kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, Trường Cơ khí là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu tại Việt Nam, có đủ năng lực đáp ứng tất cả các nhu cầu đào tạo, từ cử nhân công nghệ, cử nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành công nghiệp ô tô hiện nay đang phát triển rất mạnh, nhu cầu nhân lực lớn nên rất nhiều trường cùng tham gia đào tạo ngành ô tô. Sự chuẩn bị từ nhân sự đến trang thiết bị của từng đơn vị đào tạo khác nhau, dẫn đến chất lượng đào tạo tại các trường sẽ khác nhau. Thứ hạng của nhà trường sẽ quyết định chất lượng đào tạo. Đây là lý do chính khiến chất lượng nhân lực không đồng đều tại các doanh nghiệp hiện nay.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc: “Nhiều doanh nghiệp đang phải cạnh tranh nhau để giành lấy nhân tài tại các cơ sở đào tạo”. Ảnh: Lê Vũ
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc: “Nhiều doanh nghiệp đang phải cạnh tranh nhau để giành lấy nhân tài tại các cơ sở đào tạo”. Ảnh: Lê Vũ.

“Những năm gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển mạnh về chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, đề cao kỹ năng tự học, thực hành. Về nhân lực, chúng tôi chuẩn bị đội ngũ giảng dạy là tiến sĩ trở lên. Ngoài đào tạo trên lớp, chúng tôi có những dự án để các em sinh viên tham gia làm nghiên cứu cùng các thầy. Các phòng thí nghiệm mở cửa hoạt động liên tục để các em được trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, hàng năm, chúng tôi cũng gửi sinh viên đến các doanh nghiệp để tiếp xúc dần với môi trường làm việc chuyên nghiệp”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ.

Mục sở thị phòng thí nghiệm động lực học ô tô của Trường Cơ khí, đây là công trình được đầu tư 30 tỷ đồng để phục vụ công tác đào tạo, định hướng, thiết kế và nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Các sinh viên thực hiện đo đạc, tính toán lượng tiêu hao nhiên liệu thực tế trên một chiếc xe hybrid ra sao so với thiết kế của nhà sản xuất và so với xe xăng truyền thống.

“Ngoài hỗ trợ trang thiết bị phục vụ thực hành, nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng rất tích cực hợp tác với nhà trường xây dựng các khóa đào tạo chuyên sâu, đồng thời đóng góp ý kiến để chương trình đào tạo ngày càng sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hơn. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp các bạn sinh viên định hướng rõ ràng hơn rằng mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết thêm.

Nâng cao nhận thức, kỹ năng của nguồn lao động trẻ

Mỗi sinh viên phải tự xác định rõ thiên hướng và năng lực của bản thân mình. Ảnh: Lê Vũ
Mỗi sinh viên phải tự xác định rõ thiên hướng và năng lực của bản thân mình. Ảnh: Lê Vũ.

Cũng theo đại diện Trường Cơ khí, ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi những kỹ năng nghề nghiệp khác nhau, tùy thuộc từng vị trí làm việc. Có người chỉ thao tác với máy móc, thiết bị; có người cần tư duy sáng tạo, có người cần hội tụ cả hai yếu tố... Do vậy, các bạn sinh viên khi theo học ngành ô tô phải xác định rất rõ ràng mình có thiên hướng gì. Nếu thiên hướng làm quản lý, tư duy thiết kế thì nên học ở bậc đại học. Nếu không thì có thể đi sang mảng dịch vụ, sửa chữa, có thể chọn lựa học cao đẳng, trung cấp nghề sẽ nhanh hơn, phục vụ công việc tốt hơn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô hiện nay phát triển rất nhanh nên sinh viên vẫn luôn phải giữ vững tinh thần tự học, tự vươn lên. Càng có tư duy tốt thì càng tiếp cận vấn đề nhanh hơn và có thể bắt kịp các công nghệ mới đang thay đổi từng ngày.

Bùi Thế Đạt, sinh viên Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Với mỗi một tiết học trong lớp, chúng em đang có 1,5 tiết tự học ở nhà. Phải có thời gian đó thì chúng em mới theo kịp và làm chủ được những nội dung trong chương trình đào tạo của mình. Bên cạnh đó là kỹ năng thực hành. Người ta thường nói “trăm hay không bằng tay quen”. Điều chúng em thiếu ở đây là tay quen. Do đó, phải bằng cách thực hành nhiều, làm đi làm lại để đẩy công việc nhanh hơn, chính xác hơn”.

Đồng quan điểm, sinh viên Lê Đặng Kiên, Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Kiến thức trên lớp chỉ đủ ở mức cơ bản để chúng em xây dựng nền móng, từ đó phát triển lên. Ngoài kỹ năng thực hành trên máy móc, thiết bị, bản thân em nhận thấy mình còn thiếu sót về quy trình làm việc, tác phong công việc chuyển nghiệp. Khoảng thời gian thực tập tại Vinfast đã giúp em nhận thấy rõ sự khác biệt giữa môi trường nhà trường và môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ đó trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để khắc phục những thiếu sót đó”.

Qua đánh giá của Trường Cơ khí, ưu điểm của các sinh viên “thế hệ Gen Z” nếu so sánh với thế hệ cách đây 10 năm là rất nhanh nhạy, cập nhật kiến thức mới rất tốt, khả năng nắm bắt công nghệ và tự học nhanh. Nắm bắt xu hướng điện khí hóa, những bài giảng tại nhà trường cũng đã dần có sự thay đổi, chuyển hóa từ lý thuyết đến các đề tài nghiên cứu. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng được nhà trường đặt ra nhằm hướng đến xây dựng nguồn lao động chất lượng cao, gắn với công nghệ thông minh để đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại diện THACO cũng cho rằng, để phát triển thị trường lao động bền vững và hội nhập, cần ban hành hệ thống chính sách đồng bộ trong phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng, chú trọng tổ chức lại hệ thống giáo dục, đào tạo từ phổ thông đến đại học và các trường đào tạo nghề theo hướng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Trong đó, cần tập trung phát triển nhân lực có trình độ cao, hạn chế tình trạng đào tạo ra không có việc làm, hoặc phải tổ chức đào tạo lại. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng và phát huy cơ chế hợp tác, phát triển nguồn nhân lực giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp để từng bước hiện đại hóa giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế và các xu thế mới hiện nay.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.