Thị trường ôtô: Thuế giảm không đủ làm giá giảm

Đức Thọ Hàn Ngọc
Đến thời điểm hiện tại, sự trông chờ giảm giá bán xe của các hãng ôtô trong nước đã hầu như không còn
Giá xe Ford Ranger tại Maylaysia tương đương giá tại Việt Nam.
Giá xe Ford Ranger tại Maylaysia tương đương giá tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, sự trông chờ giảm giá bán xe của các hãng ôtô trong nước đã hầu như không còn.

Vậy, lý do nào đã khiến các nhà sản xuất ôtô trong nước nói chung nhất quyết không giảm giá?

Ngày 13/8, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, ông Gan Kok Seng đã gửi thư đến giới truyền thông bày tỏ quan điểm của Honda về câu chuyện giảm giá bán xe.

“Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc bắt đầu từ ngày 8/8/2007 nhằm kiềm chế lạm phát. Chúng tôi hiểu ý định này của Bộ Tài chính nhưng chúng tôi không có nhận xét gì về tác động của chính sách này.”, ông Gan Kok Seng nói.

Thế nhưng, ông Gan Kok Seng cũng đã cho biết thêm là “việc cắt giảm thuế đã trực tiếp tác động đến giá của xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe cũ nhập khẩu, nhưng sẽ không có tác động tới chi phí sản xuất xe trong nước nói chung.”

Đây cũng là quan điểm chung của đa số các thành viên thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Trao đổi với báo giới, vị tân Tổng giám đốc Công ty TNHH Ford Việt Nam, ông Michael Pease cũng cho rằng quyết định của Chính phủ giảm thuế nhập khẩu đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc không tác động trực tiếp tới Ford Việt Nam “vì chúng tôi đang sản xuất theo dạng CKD, không phải là một nhà nhập khẩu trực tiếp.” Do vậy, giảm giá bán xe không phải là phương án Ford Việt Nam tính đến.

Theo ông M. Pease, giá xe sản xuất trong nước chỉ có thể giảm khi 2 yếu tố cơ bản cấu thành giá là hệ thống thuế và quy mô thị trường thay đổi. Nghĩa là trong trường hợp này, giá xe của Ford Việt Nam (hay bất kỳ liên doanh nào khác) chỉ có thể giảm khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng giảm đồng thời quy mô thị trường tăng lên kéo theo giá thành sản phẩm giảm xuống.

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng khiến các hãng ôtô trong nước không giảm giá xe là mức giảm của các loại xe nhập khẩu chưa đủ để gây sức ép đối với xe “nội”.

Trên thực tế, mức giảm 1.000-3.000 USD/chiếc của xe nhập khẩu chẳng thấm tháp gì so với mức giá cao chót vót của chiếc xe đó. Thậm chí, theo quan điểm của một đại diện ngành ôtô trong nước, thì từ góc nhìn của khách hàng, đã có trên dưới 100.000 USD để mua xe thì điều họ quan tâm không phải tăng hay giảm vài ba nghìn USD mà là chất lượng và dịch vụ của xe như thế nào. Đó là chưa kể trong thời điểm hiện tại khi các hãng còn đang “nợ” xe khách hàng thì việc họ quan tâm hàng đầu là làm sao tăng đủ sản lượng để cung cấp.

Khi nhắc đến câu chuyện cạnh tranh với xe nhập khẩu, một số hãng ôtô trong nước cũng cho rằng mức lợi nhuận hiện nay các hãng được hưởng rất ít sau khi đã giảm khá nhiều trong năm 2006. Do đó việc tiếp tục giảm giá là không thể, bởi như thế các hãng sẽ bị lỗ.

Tuy nhiên, cuộc trao đổi với vị Tổng giám đốc Ford Việt Nam cũng đã hé mở câu hỏi liệu giá ôtô Việt Nam còn có thể giảm được không?

Theo thông tin từ ông M. Pease, tổng các khoản thuế các hãng ôtô tại Malaysia phải nộp cho Nhà nước chiếm tỷ lệ khoảng 60% giá xe. Trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ vào khoảng trên dưới 40%.

Ngoài ra, mặc dù thị trường ôtô Malaysia lớn hơn thị trường ôtô Việt Nam nhiều lần song quy mô sản xuất của Ford tại 2 nước thì ngang nhau. Như vậy, dựa trên cả 2 yếu tố cơ bản cấu thành giá, lẽ ra giá bán xe tại Việt Nam phải thấp hơn trong khi hiện vẫn ngang với giá bán xe tại Malaysia.

Tất nhiên, không thể chỉ dựa trên 2 yếu tố này để nói rằng giá xe tại Việt Nam chắc chắn phải rẻ hơn tại Malaysia, bởi mỗi quốc gia lại có những đặc điểm riêng dẫn đến những khoản chi phí sản xuất khác nhau.

Do vậy, đây chỉ là một so sánh gợi mở để các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và dư luận tìm hiểu.

Tin mới

EU và Đức đạt thỏa thuận khí thải cho xe hơi năm 2035

EU và Đức đạt thỏa thuận khí thải cho xe hơi năm 2035

Sau căng thẳng leo thang những ngày qua, cuối cùng Đức đã đạt được được thỏa thuận với Liên minh châu Âu về một quy định mang tính bước ngoặt yêu cầu ô tô mới phải trung hòa carbon vào năm 2035, giải quyết tranh chấp có nguy cơ làm suy yếu kế hoạch chi tiết đầy tham vọng của khối này nhằm giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
EU và Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về luật cấm xe động cơ đốt trong

EU và Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về luật cấm xe động cơ đốt trong

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU đã kết thúc vào thứ 6 (24/3) cuối tuần qua nhưng kết quả không như mong đợi bởi những bế tắc chưa tìm được cách giải quyết. Tranh cãi về kế hoạch cấm bán ô tô động cơ đốt trong mới của EU vào năm 2035 phụ thuộc vào việc liệu Ủy ban châu Âu và Đức có thể đồng ý về một thoả thuận có thể làm hài lòng cả hai bên hay không.
Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài “đau đầu” trong cuộc chiến xe điện tại Trung Quốc

Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài “đau đầu” trong cuộc chiến xe điện tại Trung Quốc

Sự cạnh tranh về giá trong ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc đã biến thành một cuộc chiến căng thẳng giữa các hãng xe. Điều đó tạo thêm một thách thức nữa cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vốn đã tụt hậu so với các đối thủ trong nước trong cuộc đua xe điện tại quốc gia tỷ dân này.
Singapore thúc đẩy phát triển xe điện nhưng gặp khó vì… dân giàu có

Singapore thúc đẩy phát triển xe điện nhưng gặp khó vì… dân giàu có

Nỗ lực khiến người dân ngừng mua ô tô động cơ đốt trong từ năm 2030 của Singapore đang vấp những khó khăn nhất định khi người dân giàu có đang khá đông trong khi tổng dân số chỉ khoảng gần 6 triệu người. Với mức thu nhập và tài sản hiện có, cư dân ở quốc gia này nhiều người có đủ thu nhập để sở hữu những chiếc siêu xe ở một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới. Vì vậy xe điện vẫn chưa đủ hấp dẫn.