Biểu tình lớn ở Iran, ít nhất 12 người chết
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thừa nhận rằng người biểu tình đang nổi giận vì nền kinh tế èo uột của nước này
Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra ở Iran, hãng thông tấn AP dẫn nguồn truyền hình quốc gia nước này cho hay. Những người biểu tình có vũ trang thậm chí đã tìm cách chiếm các đồn cảnh sát và căn cứ quân sự.
Biểu tình lớn nổ ra ở thành phố Mashhad của Iran vào hôm thứ Năm tuần trước do các vấn đề kinh tế, và tiếp đó lan rộng ra nhiều thành phố ở nước này. Hàng trăm người biểu tình đã bị nhà chức trách bắt giữ.
Truyền hình quốc gia Iran nói đã có 10 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ ác liệt diễn ra vào đêm ngày Chủ nhật, nhưng không cho biết chi tiết. Trước đó, 2 người biểu tình đã thiệt mạng khi tham gia biểu tình thuộc một địa phương ở miền Tây của Iran vào ngày thứ Bảy.
"Một số người biểu tình có vũ trang đã tìm cách chiếm một vài đồn cảnh sát và căn cứ quân sự, nhưng vấp phải sự chống trả mạnh mẽ của lực lượng an ninh", bản tin trên truyền hình cho hay.
Vào sáng ngày thứ Hai, hang thông tấn ILNA của Iran dẫn lời ông Hedayatollah Khademi, một quan chức thị trấn Izeh, cho biết đã có hai người biểu tình thị mạng ở thị trấn này vào tối ngày Chủ nhật. Nhiều người ở Izeh - nơi cách thủ đô Tehran khoảng 455 km về phía Tây Nam, sở hữu súng trường đi săn.
Vào ngày Chủ nhật, Iran đã chặn mạng xã hội Instagram và ứng dụng nhắn tin Telegram, hai công cụ mà các nhà hoạt động sử dụng để tổ chức biểu tình.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thừa nhận rằng người biểu tình đang nổi giận vì nền kinh tế èo uột của nước này. Tuy nhiên, ông Rouhani tuyên bố Chính phủ Iran sẽ không nương tay đối với những người phá vỡ các quy định pháp luật.
Iran là một nước sản xuất dầu lớn thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Nước này cũng có sự dính líu sâu vào cuộc nội chiến ở Syria và Iraq nhằm tranh giành ảnh hưởng trong khu vực với Saudi Arabia.
Nhiều người Iran phản đối việc nước này có sự can thiệp ra bên ngoài như vậy, và thay vào đó muốn Chính phủ Iran tập trung vào việc tạo công ăn việc làm trong nước. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Iran đã lên tới 28,8%.
Hiện cuộc biểu tình ở Iran đã bước sang ngày thứ Năm liên tiếp và được coi là làn sóng bất ổn nghiêm trọng nhất ở nước này kể từ năm 2009 - khi người Iran biểu tình phản đối Tổng thống của nước này khi đó là Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh cuộc biểu tình ở Iran, viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Những người dân tuyệt vời của Iran đã bị chèn ép trong nhiều năm… Đã đến lúc phải thay đổi".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ca ngợi "những người Iran dũng cảm" đứng lên biểu tình phản đối một chính thể "đã lãng phí hàng chục tỷ USD để gieo rắc thù hận". "Tôi chúc nhân dân Iran thành công trong công cuộc tìm kiếm tự do của họ", ông Netanyahu nói trong một đoạn băng video đăng trên trang Facebook cá nhân.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigma Gabriel kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế, tránh có những hành động bạo lực".