16:01 16/05/2023

Bức tranh lao động, việc làm quý 1/2023 và dự báo thị trường lao động những tháng tiếp theo

Nhật Dương

Lực lượng lao động, số người có việc làm trong quý 1/2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm so với cùng kỳ của năm 2022....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện tình hình lao động, việc làm tiếp tục duy trì đà phục hồi. Trong quý 1/2023, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

NĂM NHÓM NGÀNH CÓ SỐ LAO ĐỘNG HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP LỚN NHẤT 

Sự phục hồi này kéo theo tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cũng giảm. Theo thống kê, trong quý 1, có 205.128 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 8.233 người so với quý 4/2022 và giảm 2.500 người so với cùng kỳ của năm 2022.

Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 169.846 người, số người được hỗ trợ học nghề 5.318 người, 432.978 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, 67% không có bằng cấp chứng chỉ, 14,6% có trình độ đại học trở lên, cao đẳng 6%, trung cấp 5,9% và sơ cấp 6,5%.

 

Dự báo thị trường lao động những tháng tiếp theo của năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức; các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày…, dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

5 nhóm ngành có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 45,9%; hoạt động dịch vụ khác 28,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 4,5%; xây dựng 3,5%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 3,2%.

5 nhóm nghề có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là thợ may, thêu và các thợ có liên quan với 26,4%; thợ lắp ráp 7,8%; nhân viên bán hàng và kỹ thuật viên điện tử cùng chiếm 2,9%, kế toán 2,6%.

Mặc dù thị trường lao động hiện nay cơ bản ổn định, song theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, một số ngành (may mặc, giày da, chế biến gỗ....) vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.

Tính riêng trong quý 1/2023, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước là gần 294 nghìn người, tập trung đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu ở một số ngành như da giày, dệt may ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang, Vĩnh Long...

Số lao động mất việc làm trong quý 1 là 149 nghìn lao động, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%).

TĂNG KẾT NỐI CUNG – CẦU, HỖ TRỢ KỊP THỜI VIỆC HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

Từ thực tế tại các địa phương có đông lao động bị ảnh hưởng việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, một số doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực gia công lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo thống kê, đã có hơn 27.500 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, trong đó mất việc làm là 18.230 người.

Tại Thái Nguyên, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, có 3.786 lao động ở ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... bị ảnh hưởng tới việc làm. 

Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ lao động tìm kiếm công việc mới. 
Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ lao động tìm kiếm công việc mới. 

Còn ở khu vực phía Nam, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn có hơn 180 số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước tình hình lao động bị giảm giờ làm và mất việc do doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải xây dựng lại phương án sử dụng lao động nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, hiện hơn 100 doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn như giảm giờ làm việc cho khoảng 35.000 người lao động; tạm hoãn hợp đồng lao đồng cho gần 1.500 lao động; trả lương ngừng việc cho 500 người lao động...

Tại các địa phương có doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với những trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện kế hoạch chi trả trợ cấp mất việc làm, cam kết sẽ tuyển dụng những lao động này khi tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm và ký kết đơn hàng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động những tháng tiếp theo của năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng; sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt…, làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn sụt giảm.

Điều này dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày…, từ đó dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Vì vậy, để ổn định thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại...).

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm cũng sẽ được thực hiện kịp thời, nhằm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới...