16:33 03/11/2017

Đặc khu cần chấp nhận "cách chơi" mới

Nguyên Vũ

Khung khổ pháp lý, chất lượng pháp chế, thể chế là điểm mấu chốt để có một đặc khu siêu hạng

Một góc sân bay Quảng Ninh - nằm trong khu quy hoạch đặc khu Vân Đồn - đang được xây dựng.
Một góc sân bay Quảng Ninh - nằm trong khu quy hoạch đặc khu Vân Đồn - đang được xây dựng.

Chúng ta không thể né được các cơ chế mở, nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được, TS. Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo sáng 3/11.

Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với chủ đề chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt.

Đã rất chậm

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nói chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã được bàn từ hơn 20 năm qua, đến lúc này đã là "chậm lắm rồi". Nếu tính từ thời thử nghiệm làm đặc khu Hòn Gai, Vũng Tàu - Côn Đảo trước đây thì tới nay cũng đã 30 năm. "Không thể chậm hơn được nữa" là quan điểm được ông Trung nhấn mạnh khi so với thế giới, nhiều nước đã làm đặc khu tới thế hệ thứ 2, thứ 3 rồi.

Trở về chủ đề của hội thảo, ông Trung cho biết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội là một trong bốn nhóm vấn đề lớn tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bên cạnh phạm vi điều chỉnh, mô hình chính quyền và các vấn đề về tư pháp.

Về nguyên tắc thì luật này phải nói rõ được sự đặc biệt của bốn vấn đề trên, ông Trung nhấn mạnh. Yêu cầu thì thể chế phải vượt trội, có khả năng cạnh tranh và tính đột phá, dễ thống nhất về nguyên tắc như vậy nhưng khi đi vào cụ thể thì không đơn giản, Thứ trưởng Trung nói.

Cũng liên quan đến sự vượt trội cho đặc khu, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Duy Đông cho biết, dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định kéo dài thời hạn sử dụng đất trong một số lĩnh vực đầu tư kinh doanh (dài tối đa 99 năm), cho phép người nước ngoài được tự do mua bán, sở hữu nhà tại đây. Sau nữa, chính sách ưu đãi về thuế sẽ tập trung áp dụng như những dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên của đặc khu kinh tế, với các ngành nghề khác thì chính sách áp dụng như tại các khu kinh tế bình thường khác.

Song, ông Đông cũng cho rằng, dự luật mới chỉ là tập hợp lại những chính sách ưu đãi đầu tư từ nhiều luật khác vào, cộng thêm một số ưu đãi khác nhưng so với những đặc khu xung quanh, cơ chế cần phải hấp dẫn hơn để đảm bảo sức thu hút, cạnh tranh.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho thấy sự không đơn giản từ yêu cầu đến luật hoá, mà ông Trung đề cập.

Góp ý về cơ chế, GS - TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Nhà nước thu hồi đất của dân thì cần theo đấu giá, cơ chế thị trường. Ông Võ cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, tác động đối với quá trình xây dựng cơ sở vật chất, chính sách huy động vốn nước ngoài và sử dụng đúng các nguồn lực trong nước.

"Có hai điểm mà tôi kiến nghị chính sách về đặc khu Việt Nam cần vượt lên đó là cơ chế thế chấp và quy định đấu giá đất thu hồi", ông Võ phát biểu.

Cụ thể, theo ông Võ, chúng ta cho phép người Việt Nam có đất được thế chấp đất đó để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta chưa nêu và cho phép người nước ngoài có sở hữu đất đai, người có quyền sử dụng đất được quyền thế chấp, vay vốn tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Như thế là chính sách chưa bình bẳng, đồng đều.

Ông Võ nhấn mạnh: Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu.

Về chính sách thuế, Việt Nam đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng theo ông Võ thì không phải tất cả giảm thì đã là tốt.

"Quan điểm tôi là sử dụng đất phải trả tiền, nếu sử dụng đất không mất tiền thì mất khả năng cạnh tranh, sử dụng đất không hiệu quả. Chúng ta có thể giảm thuế, cho thuê đất nhưng không phải tất cả giảm là tốt", ông Võ góp ý.

Vẫn ôm đồm

TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, mô hình đặc khu kinh tế hiện nay không còn mới trên thế giới, có thể nó mới đối với Việt Nam nhưng các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

"Chúng ta đang vẫn còn ôm đồm, chưa xác định được đây là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế nên ảnh hưởng đến chính sách xây dựng và quy hoạch khi xây dựng Đặc khu", ông Thành nhận xét. Vị chuyên gia này nêu ví dụ: tại sao Trung Quốc xây dựng Đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công. Hiện nay nước này còn có thêm nhiều đặc khu con trong các đặc khu nữa, đây là nơi thể hiện thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới".

Theo ông Thành, các nước đã phát triển mô hình này trong nhiều năm vẫn đang thí điểm nhiều cơ chế mới nên Việt Nam cũng không thể né được các cơ chế mở. "Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được", ông Thành góp ý.

Bên cạnh các chuyên gia trong nước, hội thảo còn nhận được góp ý từ chuyên gia ngoại. Đại diện của tập đoàn PWC Malaysia cho rằng, khung khổ pháp lý, chất lượng pháp chế, thể chế là điểm mấu chốt để có một đặc khu siêu hạng.

"Đây cũng là một cuộc đua marathon lâu dài mà các bạn cần xác định. Cứ phải nỗ lực thôi chứ không thể ngừng nghỉ được đâu. Triển vọng của các đặc khu ở Việt Nam khá tốt, có thể cạnh tranh ngang ngửa với Malaysia vào năm 2030" – đại diện PWC Malaysia nói.