06:00 15/03/2024

Gần 400.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, dự án nào được ưu tiên?

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết để thực hiện các quy hoạch ngành, việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tới 391.200 tỷ đồng, tập trung các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa...

Cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm để kết nối phát triển các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc.
Cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm để kết nối phát triển các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 2573/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trả lời kiến nghị cử tri gửi về đầu tư, triển khai các dự án giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và đạt được những kết quả nhất định.

Theo đó, về đường bộ cao tốc, hiện vùng đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào khai thác 120 km và đang triển khai thi công và phấn đấu cơ bản hoàn thành đến năm 2025 thêm 428 km.

Về đường sắt, đang triển khai nghiên cứu xây dựng đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Về đường thủy nội địa, hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo; đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 kênh Chợ Gạo, cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy phía Nam.

Về cảng biển, hoàn thành đầu tư xây dựng và khai thác khu bến Cái Cui, Hoàng Diệu (Cần Thơ), cảng Vinaline (Hậu Giang), cảng Duyên Hải (Trà Vinh); luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2.

Về cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp 4 cảng hàng không trong khu vực bao gồm: Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau và Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hoá/năm phục vụ nhu cầu vận tải, kết nối trực tiếp với các tỉnh thành trong nước và quốc tế. Hiện đang nghiên cứu đầu tư nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không Cần Thơ.

Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

Bộ Giao thông vận tải trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông vùng được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải.

Trong đó, cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm với định hướng kết nối phát triển các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc kết nối với cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I, cảng hàng không quốc tế; hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển, cảng hàng không.

Cùng với đó, hình thành các bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và phát triển các tuyến luồng thủy nội địa kết nối để gom và giải tỏa hàng cho cảng biển…

 

"Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 391.200 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa".

Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải cũng tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.

Về thực hiện các quy hoạch đã ban hành, Bộ Giao thông vận tải cho biết  về đường bộ sẽ hình thành mạng đường bộ cao tốc gồm 03 trục dọc và 03 trục ngang cùng với 33 tuyến quốc lộ dài khoảng 3.611 km sẽ đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với các tuyến cao tốc xương sống chính của vùng.

Về đường sắt, hình thành tuyến đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ.

Về đường thủy nội địa, đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ các cảng sông, xây dựng các bến tàu khách quốc tế phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch của vùng.

Về hàng hải, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư các cảng biển trong khu vực để phát huy tiềm năng lợi thế, quy hoạch hoạch định xây dựng cảng biển nước sâu có thể trở thành cảng đầu mối để xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đi các tuyến biển xa.

"Về hàng không, đầu tư nâng cấp các cảng hàng không trong vùng, nâng công suất từ 7,45 triệu hành khách/năm hiện nay lên 18,5 triệu hành khách/năm, đầu tư kho hàng hóa, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giá trị cao, thời gian ngắn", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Trong thời gian tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện.