“Gạn đục, khơi trong", “tiền phòng, hậu kiểm” vì sự phát triển bền vững của thị trường tài chính
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, bên cạnh việc xử lý dứt điểm, nhanh gọn các hành vi sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Bộ sẽ áp dụng các biện pháp “tiền phòng, hậu kiểm” đảm bảo thị trường phát triển ổn định, bền vững...
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn biến động mạnh và điều chỉnh giảm sâu kể từ cuối tháng 3 đến nay. Dòng tiền tham gia nhỏ giọt, nhà đầu tư dường như đua nhau bán tháo khiến VN-Index lao dốc với mức giảm kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí, nhiều thời điểm xuyên thủng mốc 1.300 điểm.
Lý giải đà giảm kỷ lục của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, thị trường chứng khoán còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
VÌ SAO VN-INDEX LAO DỐC?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tiếp nối năm 2021, quý đầu năm 2022, thị trường chứng khoán cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng tốt và ổn định.
Sau khi lập đỉnh mới, tính đến cuối quý 1/2022, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Thị trường mới chịu áp lực điều chỉnh giảm và biến động mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay. Chỉ số VN-Index đóng cửa ngày 25/4 tại 1.310,92 điểm, như vậy, điều chỉnh giảm khoảng hơn 200 điểm so với cuối tháng 3.
Đây là đợt điều chỉnh tương đối mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam dưới sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trên thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất điều hành sau 3 năm.
Cùng với đó, tình hình xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh,…
Điều đó tác động tới nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý 1 và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 sau quá trình dài liên tục tăng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm điểm mạnh cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới, chẳng hạn như trong phiên giảm mạnh (hơn 68 điểm) ngày 25/4 thì các thị trường lớn trên thế giới cũng giảm điểm rất sâu.
Bên cạnh đó, "áp lực điều chỉnh sau quá trình tăng dài và tâm lý thận trọng trên thị trường trước các vụ việc đơn lẻ khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm", Bộ trưởng nhìn nhận.
THANH LỌC SẼ TÍCH CỰC TRONG TRUNG, DÀI HẠN
Nhằm thanh lọc và xử lý nghiệm các sai phạm trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hàng loạt lệnh xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp như cựu Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, các sự việc vừa qua chỉ là các sự vụ đơn lẻ, tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Theo đó, mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững.
"Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nhằm thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Dù khó tránh khỏi những tác động tâm lý trong ngắn hạn, nhưng việc “loại bỏ những hạt sạn” sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn", Bộ trưởng khẳng định.
Vì vậy, "thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi", tư lệnh ngành Tài chính khẳng định.
Việc kiên quyết xử lý các sai phạm có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, nhưng là nỗ lực để thị trường tăng trưởng minh bạch, bền vững hơn.
Trong mọi quá trình phát triển, luôn cần những thay đổi, những bước chuyển để hoàn thiện hơn và với thị trường chứng khoán cũng vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sau những chặng đường phát triển cũng cần những hành động để “gạn đục, khơi trong”.
"Chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên đó các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư", Bộ trưởng khẳng định.
DÙ ĐAU NHƯNG KIÊN QUYẾT CẮT BỎ UNG NHỌT
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: tại hội nghị thát triển thị trường vốn hôm 22/4, không dưới 2 lần Thủ tướng Chính phủ khẳng định và nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân".
Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "một cái ung nhọt dù đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm", Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, nếu chúng ta không làm quyết liệt, "con sâu làm rầu nồi canh" sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính quyết tâm cao để thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, lợi ích chính đáng của các thành viên thị trường, của doanh nghiệp và cao nhất là vấn đề huy động vốn qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Chiều ngày 25/4, Bộ Tài chính cũng tiếp tục có thêm buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng hai Bộ. Tinh thần không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế một lần nữa được thống nhất cao.
Về phía Bộ Tài chính sẽ ủng hộ hết mức các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và các nhà đầu tư chân chính, nhưng đồng thời sẽ xử lý nghiêm, dứt điểm, nhanh gọn các hành vi sai phạm trên thị trường chứng khoán.
Chúng ta tôn trọng quy luật và tính thị trường của thị trường chứng khoán, là thị trường thì có lúc tăng, lúc giảm bởi phải tuân theo cung cầu của người mua, người bán.
Mục tiêu là xây dựng thị trường chứng khoán thành một sân chơi minh bạch, công bằng, bình đẳng cho mọi người chơi trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nhà nước tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, nhưng luôn có sự giám sát, quản lý, điều tiết hợp lý dựa trên các quy định của pháp luật.
Cái tốt, các yếu tố mang tính giá trị cơ bản, tích cực sẽ luôn được ủng hộ, thậm chí Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo mọi điều kiện để các tổ chức sai phạm vừa qua sớm ổn định, nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, đảm bảo một cách tốt nhất quyền lợi cho cổ đông và người lao động.
SIẾT CHẶT CÁC ĐIỀU KIỆN, PHÒNG NGỪA TAI NẠN
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, so với lịch sử của các nhiều thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là còn non trẻ.
Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam có sự phát triển rất nhanh, mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển, với mục tiêu trở thành kênh thu hút vốn trung và dài hạn chủ yếu, quan trọng cho nền tài chính quốc gia và nền kinh tế của đất nước.
Để hiện thực được mục tiêu đó, bên cạnh nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường, Bộ Tài chính sẽ có các giải pháp để ngăn ngừa, tức là “tiền phòng, hậu kiểm”, để bảo vệ cho lợi ích của nhà đầu tư, cũng như các công ty hoạt động trên thị trường một cách bình đẳng, minh bạch và đúng đắn nhất.
"Theo đó, về khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng cường, siết chặt các điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh, giống như việc “xây dựng những con đường nhưng có thêm các quy định để hạn chế xảy ra tai nạn”, Bộ trưởng ví von.
Theo đó, Bộ Tài chính có đề xuất trình Chính phủ sẽ sửa đổi Luật Chứng khoán.
Đồng thời cũng kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp và các quy định khác liên quan để tạo điều kiện phát triển tốt hơn, sát thực tiễn và nhu cầu của thị trường chứng khoán.
Sớm hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện chúng tôi hoàn thành việc chỉnh sửa các quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Về công tác điều hành, quản lý, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và các đơn vị chức năng khác triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng vừa hỗ trợ tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, vừa tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm để tăng kỷ cương, kỷ luật thị trường.
Riêng với hoạt động của thị trường chứng khoán, Bộ cũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý.
Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới, sản phẩm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý, Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm tra và chấn chỉnh các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là trong vấn đề sai phạm, lách quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tiến hành áp dụng cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp.
Theo đó, sẽ trực tiếp kiểm tra báo cáo tài chính kiểm toán tại các đơn vị phát hành, đồng thời cũng kiểm tra lại những công ty kiểm toán mà kiểm toán các doanh nghiệp đó. Nếu phát hiện sai phạm xử lý nghiêm các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác đào tạo để trang bị kiến thức tài chính cho nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền để nhà đầu tư và doanh nghiệp nắm được các quy định pháp luật, các cơ hội, rủi ro để đầu tư hiệu quả trên cả thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.