Giám đốc Vận hành GoViet nói về chiến lược phát triển tại Việt Nam
GoViet được thành lập ở Việt Nam với mong muốn trở thành một siêu ứng dụng ở Việt Nam
"GoViet cũng không nằm ngoài những nguyên tắc và định hướng phát triển của tập đoàn. Trong năm sau và những năm tiếp theo, thị trường có thể đón nhận nhiều tin vui về những động thái mới của GoViet", ông Phùng Tuấn Đức, Giám đốc Vận hành GoViet chia sẻ.
Tại sao GoViet lại lựa chọn xe hai bánh để bắt đầu ở Việt Nam, và vẫn trung thành với xe hai bánh? Phải chăng GoViet đang gặp khó khăn với việc triển khai GoCar ở Việt Nam?
GoViet được thành lập ở Việt Nam với mong muốn trở thành một siêu ứng dụng ở Việt Nam, dựa trên hai sứ mệnh, thứ nhất là phục vụ các nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng, và thứ hai mang lại những tác động xã hội tích cực, đặc biệt với các doanh nhân vừa và nhỏ và siêu nhỏ.
Cụ thể, với dịch vụ GoFood, GoViet đang mang lại cơ hội tăng trưởng doanh thu cho hàng chục ngàn nhà hàng mà trước khi hợp tác với GoViet, họ không hề có cơ hội để tiếp cận nguồn doanh thu từ giao đồ ăn trực tuyến.
Đối với các đối tác tài xế, thông qua ba dịch vụ là GoFood, GoBike và GoSend, họ có thể đảm bảo số lượng đơn và nguồn thu nhập đều đặn trong ngày - trong giờ cao điểm sáng và chiều tối là GoBike, trưa và tối là GoFood, và GoSend trong những khung giờ còn lại. Trung bình mỗi tháng đối tác tài xế toàn thời gian của GoViet có thu nhập khoảng 12 triệu, là một nguồn thu đáng kể đối với tài xế xe hai bánh.
Đối với khách hàng, ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vốn hay gặp những vấn đề về kẹt xe hay ngõ ngách, giao thông bằng xe bốn bánh không được thuận tiện và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về giao đồ ăn và giao hàng trực tuyến ngày một cao.
Những điều này không có nghĩa, GoViet sẽ chỉ tập trung vào các dịch vụ trên xe 2 bánh. Công ty mẹ của GoViet là Gojek đã là công ty tiên phong và hiện vẫn đang dẫn đầu thị trường khu vực về xe hai bánh, nhưng bên cạnh đó Gojek cũng phát triển hơn 20 loại hình dịch vụ đa dạng khác để phục vụ nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.
Hiện nay Gojek đã trở thành một trong những decacorn (siêu kỳ lân, có vốn trên 10 tỷ USD) hiếm hoi của Đông Nam Á, thu hút vốn đầu tư từ các tên tuổi lớn như Google, Visa, Mitsubishi. Trong tương lai, GoViet cũng sẽ liên tục mở rộng các loại hình dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Điểm khác biệt giữa dịch vụ xe 2 bánh của GoViet và các hãng gọi xe công nghệ khác?
Đối với một ứng dụng thì điểm khác biệt đầu tiên là các tính năng. App của GoViet cho phép khách hàng có thể đặt được nhiều loại hình dịch vụ một lúc, và với một loại hình dịch vụ có thể đặt được cùng lúc nhiều đơn hàng - đây là một tính năng mà chưa hãng nào có, tạo điều kiện cho khách hàng có thể vừa gọi xe đi làm về vừa đặt đồ ăn mang về, đồng thời nhờ gửi đồ cho người thân, bạn bè.
Điểm khác biệt thứ hai là giá cả cạnh tranh. Thường xuyên trong các khung giờ trong ngày, giá cả của GoViet nói chung là mềm hơn so với các hãng khác. Ngoài ra, lực lượng đối tác tài xế của GoViet thuộc dạng đông đảo nhất hiện nay, với 150 nghìn đối tác tài xế, có thể tiếp cận đồng thời cả ba dịch vụ GoBike GoFood GoSend để có được thu nhập khá tốt.
Có lẽ vì vậy nên chúng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đối tác tài xế xe hai bánh, và điều đó cũng giúp cho khách hàng dễ đặt xe hơn, mang lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng.
Vậy thị phần của GoViet hiện nay là bao nhiêu? Báo cáo của ABI Research gần đây cho thấy GoViet còn cách rất xa đối thủ cạnh tranh?
Về thị phần, chúng tôi xin phép không được tiết lộ. Tôi không chắc về phương pháp thu thập dữ liệu, tính đồng nhất hay tính minh bạch của kết quả nghiên cứu nói trên, nhưng các bạn có thể quan sát được mật độ tài xế GoViet đông đảo trên đường, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn nữa, GoViet mới xuất hiện trên thị trường mới hơn một năm, có thể coi là còn rất non trẻ, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể trên thị trường, với 150 nghìn tài xế, 80 nghìn nhà hàng, tốc độ tăng trưởng liên tục hơn 30% mỗi tháng trong những tháng gần đây.
GoViet cũng vừa được Thời báo Kinh tế Việt Nam xếp trong "Top 100 sản phẩm & dịch vụ tin dùng Việt Nam 2019", và liên tục đạt được những thành tựu khác. Đứng cùng GoViet trong danh sách này là rất nhiều tên tuổi lớn, đã hoạt động ở Việt Nam được nhiều năm.
Sau một năm hoạt động, GoViet mới chỉ dừng lại ở ba sản phẩm là GoBike, GoSend, GoFood. Có tin đồn là GoViet đang gặp khó khăn, nhất là sau những biến động về việc thay hai CEO trong vòng một năm và một số lùm xùm về chất lượng tài xế?
Tháng 8/2019, GoViet cán mốc 100 triệu cuốc xe sau tròn một năm hoạt động. Chúng tôi cũng đã đạt các mục tiêu kinh doanh của cả năm 2019 mà tập đoàn đưa ra từ cách đây 4 tháng, nhưng vẫn không ngừng tăng thêm số lượng đối tác tài xế, nhà hàng và khách hàng. Chỉ trong vòng 2 tháng sau sinh nhật 1 tuổi, chúng tôi đã kịp tăng thêm 10 nghìn nhà hàng và 25 nghìn đối tác tài xế.
Đối với tài xế, một vài cá nhân chưa tốt đã thực sự làm ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh chung của một cộng đồng 150 nghìn tài xế vẫn đang làm việc miệt mài, tận tâm, hiếu khách và lịch sự. Chúng tôi vẫn không ngừng lắng nghe, và rất mong được lắng nghe, các ý kiến phản hồi và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Gần đây chúng tôi đã đưa ra Bộ tiêu chuẩn dịch vụ dành cho tài xế 5 sao, và thường xuyên đưa ra các chương trình siết chặt và sàng lọc những những đối tác có hành vi vi phạm. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng của các đối tác tài xế GoViet mà còn giúp tăng trưởng cơ hội thu nhập cho những đối tác tốt.
Gần đây Gojek có sự thay đổi về CEO - Hai CEO mới công bố sẽ đẩy mạnh thị trường quốc tế, với Việt Nam là một thị trường trọng tâm - xin ông chia sẻ kỹ hơn về kế hoạch này?
Nhà đồng sáng lập và là Cựu CEO của Gojek Nadiem gần đây tham gia nội các Indonesia. Đây là một tin rất mừng của công ty, thể hiện tầm nhìn cũng như năng lực lãnh đạo của Gojek đã được chính phủ Indonesia ghi nhận, và muốn thông qua Nadiem để lan toả sứ mệnh và tác động xã hội sâu rộng.
Về mặt kinh doanh, Gojek được ví là "hệ điều hành cho cuộc sống hàng ngày" của Indonesia. Tờ Financial Times của Mỹ đã viết rằng ngay cả Uber cũng đang mong ước được trở thành "Gojek của phương Tây". Gojek được đưa ra làm ví dụ cho một siêu ứng dụng thành công, là mong muốn phát triển của nhiều công ty khác.
Trên nền tảng thành công tại sân nhà, hai CEO mới của Gojek là Kevin Aluwi và Andre Soelistyo đã quyết định sẽ đẩy mạnh sự phát triển tại các thị trường quốc tế. Thị trường Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với thị trường Indonesia, và hiện đang chiếm 60% tổng số người dùng quốc tế của Gojek. Do vậy, Việt Nam sẽ là một thị trường phát triển nóng trong những năm sắp tới.
Kế hoạch phát triển của Gojek được xây dựng trên nền tảng ba dịch vụ chính là vận tải, hanh toán và giao nhận thực phẩm, cũng như xây dựng một hệ sinh thái để có thể mở ra được nhiều loại hình dịch vụ khác. Với những nguyên tắc tập trung vào sự phát triển bền vững, thay vì phát triển dựa trên khuyến mãi, chúng tôi sẽ tập trung vào tăng trưởng dựa trên các sản phẩm, xây dựng một hệ thống quản trị bao gồm con người, cơ chế, quy trình mang đẳng cấp quốc tế.
GoViet cũng không nằm ngoài những nguyên tắc và định hướng phát triển của tập đoàn. Trong năm sau và những năm tiếp theo, thị trường có thể đón nhận nhiều tin vui về những động thái mới của GoViet.