17:57 16/06/2010

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức tại tổ chức tín dụng

Nguyên Bình

Chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Đa số đại biểu tán thành thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh:
Đa số đại biểu tán thành thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh:
Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% (quy định hiện hành là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng là quy định tại dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (16/6).

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giới hạn tỷ lệ 15% là ở mức độ vừa phải, phù hợp với thực tế vốn của các cổ đông và việc nâng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Luật cũng quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp được quy định cụ thể tại luật.

Cũng theo quy định của luật, cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày được cấp giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

Những quy định này được xem là khá chặt chẽ đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nhằm ngăn chặn sự lũng đoạn, thao túng của nhóm cá nhân, tổ chức gây rủi ro cho an toàn hệ thống ngân hàng.

Về lãi suất, theo luật, tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hoạt động của ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Việc cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng lãi suất thỏa thuận, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không có nghĩa là lãi suất được tự do thả nổi trên thị trường. Thỏa thuận về lãi suất trong hoạt động của các tổ chức tín dụng phải nằm trong giới hạn theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến điều kiện đối với tổng giám đốc tổ chức tín dụng tại điều 50 của Luật, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không có điều kiện bắt buộc về quốc tịch, do vậy có thể là người nước ngoài.

Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997 và Luật số 20/2004/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực.

Gồm 163 điều, 10 chương, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, và kể từ ngày này Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997 và Luật số 20/2004/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực.