12:54 22/09/2022

Hậu Giang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức thấp nhất 

Nhật Dương

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, công tác giảm nghèo tại tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Vì vậy, mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới là giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh ở mức thấp nhất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG NGƯỜI NGHÈO ĐƯỢC CẢI THIỆN

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Hậu Giang còn hơn 6.300 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 24% (năm 2004) xuống còn 3,46% (năm 2020).

Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, làm thay đổi diện mạo địa bàn nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn. Chất lượng cuộc sống của người nghèo không ngừng được cải thiện. 

Tỉnh cũng tập trung thực hiện các chính sách đối với người nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác vận động xã hội hóa thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên hỗ trợ tạo sinh kế phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cùng với đó, Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Các chỉ tiêu xã hội được đảm bảo, cụ thể 100% đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện trợ cấp xã hội hàng tháng, có nhu cầu trợ cấp đều được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên và các chính sách hỗ trợ kèm theo. 

Tỉnh đã quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em. Có 96,7% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc (1.384 trẻ em được trợ giúp/1.431 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt); chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội từng bước được hoàn thiện. Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các chương trình, đề án trợ giúp đối tượng yếu thế được thực hiện đồng bộ.

Công tác xã hội hóa thực hiện an sinh xã hội được các cấp, ngành, địa phương tham gia tích cực. Riêng trong giai đoạn 2016 – 2020, đã vận động được khoảng 232 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở, sinh kế cho các đối tượng người có công, người nghèo, bảo trợ xã hội. 

Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 840/KH-UBND ngày về việc triển khai thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI NGHÈO TIẾP CẬN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Mặc dù, công tác xóa đối giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh có những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 1,83% và tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 2,75%).

Công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp đã được chú trọng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa đào tạo được những ngành nghề trọng điểm, trình độ kỹ thuật cao đáp ứng cho doanh nghiệp; công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh.

Hiện còn khoảng 160 hộ có thành viên là người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc hộ nghèo và cận nghèo; nhu cầu được hỗ trợ kinh phí về nhà ở vẫn còn bức thiết. Mức sống của đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo vẫn còn thấp so với mức sống bình quân của người dân; cơ sở trợ giúp xã hội chưa đáp ứng nhu cầu. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm, quản lý, giải quyết hiệu quả chính sách những trường hợp thụ hưởng bảo trợ xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh ở mức thấp nhất nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Đồng thời, tạo điều kiện để người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, đối tượng xã hội tiếp cận tốt hơn chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng; tập trung cho giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhân lực tay nghề cao, nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm ổn định, thu nhập tốt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đối với người dân, trước hết, bản thân phải biết vươn lên thoát nghèo bằng việc nâng cao trình độ dân trí, nhận thức, tránh dựa dẫm, trông chờ ỷ lại vào người khác mà không có ý chí phấn đấu vượt lên chính mình.

 

So với các địa phương khác trong tỉnh Hậu Giang, đời sống đồng bào Khmer của huyện Long Mỹ còn nhiều khó khăn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ đã tổ chức ra mắt mô hình “Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nghèo, cận nghèo”. Theo đó, mô hình hỗ trợ vốn cho 10 thanh niên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; mỗi thanh niên được hỗ trợ 10 triệu đồng, với lãi suất 0%. Nguồn vốn này được trích từ quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Trong thời hạn 24 tháng, thanh niên có trách nhiệm hoàn trả lại vốn vay.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ đã ra mắt thực hiện một số mô hình, cách làm thiết thực nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân. Chẳng hạn như mô hình “Giảm nghèo 2 trong 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số” với việc hỗ trợ tổng số vốn 66 triệu đồng cho 9 hộ nghèo là người dân tộc Khmer ở xã Lương Nghĩa, lãi suất 0%; vận động hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho 9 hộ gặp khó khăn về nhà ở, kinh phí 290 triệu đồng.