07:44 02/06/2023

Hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc được kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác

Vũ Khuê

Hơn 100 doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) đã có mặt tại Hà Nội để khảo sát tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam...

Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc.
Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt khi sức mua tại thị trường Mỹ và châu Âu đang gặp khó. Đây cũng là thị trường lớn khi mỗi địa phương, vùng đều có những nhu cầu và yêu cầu khác biệt.

Tỉnh Sơn Đông, với 101,62 triệu dân (năm 2022), địa phương đông dân thứ 2 của Trung Quốc đang là một thị trường hết sức tiềm năng với nông sản Việt Nam.

KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI CÒN KHIÊM TỐN

Tại “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)” ngày 1/6, hơn 200 doanh nghiệp của hai nước đã được kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Riêng với Sơn Đông, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 14 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.

3 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu Sơn Đông – Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 2 tỷ USD, tăng 7,9%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 672,65 triệu USD, giảm 13,35%.

Doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, kết nối.
Doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, kết nối.

"Sơn Đông là một thị trường giàu tiềm năng có quy mô lớn, đồng thời một tỉnh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn, quan trọng và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc. Vì vậy, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Sơn Đông còn rất lớn", ông Chiến nhận định.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi Tô Ngọc Sơn, cho rằng Sơn Đông là một tỉnh tươi đẹp, giàu mạnh, hiếu khách, có nhiều thế mạnh vượt trội.

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng, tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế và nhu cầu hợp tác thực tế của doanh nghiệp hai bên.

CẦN TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP HAI NƯỚC

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông đi phát triển ổn định, bền vững, ông Chiến kiến nghị, hai bên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi bên.

Như Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (VietNam Expo), Triển lãm Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế Việt Nam (VietNam Foodexpo) được tổ chức tại Việt Nam và các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín và quy mô được tổ chức tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.

Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương đề nghị phía Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào mà phía Trung Quốc vừa chính thức mở cửa cho các sản phẩm này trong năm 2022.

Về phía Việt Nam, ông Chiến khẳng định, Cục xúc tiến Thương mại sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp của mỗi nước.

Ông Sơn cũng thừa nhận, những năm qua, nền kinh tế và doanh nghiệp hai nước đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp hai bên không có cơ hội giao thương tiếp xúc trực tiếp để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, ông Sơn đề nghị hai bên cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô.

Đồng thời tích cực tham dự các Hội chợ, triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, Sơn Đông nói riêng hỗ trợ các doanh nghiệp nông, thủy sản của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chuỗi cung ứng lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.