Kinh doanh đa cấp trái phép sẽ bị xử lý hình sự
Chiều 20/6 Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018
Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.
Quá trình hoàn thiện dự thảo luật, có bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp hay không là vấn đề còn gây tranh cãi.
Rõ ràng, minh bạch
Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung điều 217a (Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp) vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho những người tham gia nên cần phải xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Nhưng cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép tại điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho hàng chục nghìn người, gây bức xúc trong xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại hành vi này về mặt hình sự, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nếu thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại hành vi này về mặt hình sự, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nếu thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Về ý kiến đề nghị không bổ sung tội danh này vì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, tội kinh doanh trái phép của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được cụ thể hóa bằng các điều luật cụ thể như điều 227, 232, 234.... Do đó, xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này của dự thảo luật.
Một số ý kiến cho rằng, quy định này dẫn đến khả năng dễ bị lạm dụng để xử lý các trường hợp lợi dụng kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hình phạt của tội danh này thấp hơn rất nhiều so với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015) và đề nghị bỏ quy định gây thiệt hại về tài sản. Ý kiến khác đề nghị tăng mức hình phạt cho tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Báo cáo giải trình nêu rõ, điều 217a chỉ xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép và đã quy định loại trừ điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).
Theo đó, trường hợp người nào lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174), nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Quy định này là rõ ràng, minh bạch.
Đồng thời, do tội danh này chỉ điều chỉnh đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nên hình phạt đến 5 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt cao nhất là 2 năm tù).
Có ý kiến đề nghị quy định trường hợp sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử là tình tiết tăng nặng định khung của tội này - Chủ nhiệm Nga cho biết.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc kinh doanh theo phương thức đa cấp hiện nay nhiều trường hợp dựa vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử. Nếu coi trường hợp này là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì hầu hết các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép sẽ bị xử lý hình sự về khoản 2 điều 217a là chưa phù hợp.
Thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em
Với các nội dung đáng chú ý khác, như VnEcnomy đã thông tin, lần sửa đổi này đã thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.
Theo đó, người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
Thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi so với Bộ luật Hình sự 2015 cũng là nội dung được giải trình rất kỹ.
Báo cáo cho biết, một số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình là “không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với các tội: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134), tội hiếp dâm (điều 141), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169)”.
Một số ý kiến đề nghị giữ khoản 2 điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 vì cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta được thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và năm 1999 là chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Do yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ở độ tuổi này cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan; Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể liệt kê tại khoản 2 điều 12 để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Sau nhiều phiên thảo luận, tại kỳ họp thứ 3, ý kiến của các vị đại biểu vẫn còn khác nhau. Theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu về nội dung này.
Kết quả cho thấy, có 276/435 ý kiến tán thành với việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 điều 12. Do đó, tiếp thu đa số ý kiến, xin Quốc hội cho sửa đổi khoản 2 điều 12; đồng thời sửa đổi các điều 91, 93, 94, 95 và 100 cho phù hợp với quy định tại Điều 12.