“Mặc áo giáp” cho doanh nghiệp trước các rào cản thương mại
Xuất khẩu càng nhiều thì hàng hoá đối mặt ngày càng lớn với các vụ phòng vệ thương mại. Với các ưu đãi cắt giảm thuế quan khi tham gia FTA, chúng ta có lợi thế, năng lực xuất khẩu tăng nhanh… đó cũng là lý do để các nước nhập khẩu tăng cường điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam...
Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, đến nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 02 FTA nữa.
GIA TĂNG CÁC VỤ VIỆC PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
Trong số 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) là 03 FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Điều này một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Tại hội nghị “Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí” ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, hội nhập kinh tế đã thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 30 tỷ USD nhưng đến năm 2011 con số này đã tăng lên 200 tỷ USD và đến năm 2019 đạt 517 tỷ USD.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng vọt, từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đứng vị trí 22 trên thế giới về quy mô xuất khẩu.
Song tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã làm tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhanh chóng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì đến giai đoạn 2011-2015, số vụ việc tăng lên 52. Giai đoạn 2016 đến tháng 9/2021 là 109 (gồm 58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).
Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,... Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU… gần đây là các nước ASEAN.
Đáng chú ý, số lượt vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên, do các nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm, tôn...
NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
Đứng trước các rào cản phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, sau những sau va vấp ban đầu nhiều doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng đã thành thạo trong ứng phó với các vụ việc.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra đối với doanh nghiệp trong tham gia, tiếp nhận các vụ việc về phòng vệ thương mại. “Do đó, doanh nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ truyền thông, thông tin về các biện pháp ứng phó từ Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan", bà Trang nói.
Để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về phòng vệ thương mại để ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đảm bảo hàng hóa sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng.
Ban chỉ đạo 35 cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh các FTA đã và sẽ bước vào giai đoạn thực thi sâu rộng, hầu hết các dòng thuế nhập khẩu đều đã bị xóa bỏ dẫn đến dòng chảy thương mại gia tăng nhanh chóng, nên Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều Đề án, Chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng phó và sử dụng công cụ này.
Như Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, hiện Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động để triển khai Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới", đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia các hiệp định FTA.