09:32 28/06/2010

Mô hình tăng trưởng: Đổi mới bắt đầu từ đâu?

Đoàn Trần

Mô hình tăng trưởng thế nào là phù hợp cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, và muốn đổi mới thì phải bắt đầu từ đâu?

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4%/năm trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2009 - Ảnh: VNN.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4%/năm trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2009 - Ảnh: VNN.
Mô hình tăng trưởng thế nào là phù hợp cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, và muốn đổi mới thì phải bắt đầu từ đâu?

Đó là mối quan tâm của nhiều học giả, chuyên gia, không chỉ thời gian gần đây mà đã được xới xáo từ nhiều năm qua. Rất nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhưng trả lời được câu hỏi này vẫn là quá khó, vì “kế sách” nào cũng dường như là không mới.

Với hy vọng tìm ra cái mới trong những cái cũ để có được phần nào đáp án cho câu hỏi này, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến ghi nhận tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011-2020”, diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Tái cấu trúc phải thể hiện trong mỗi tế bào xã hội

(Ông Trần Văn, Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)

“Ngày nay, cả thế giới đều thấy rõ mô hình phát triển bền vững là con đường duy nhất để nhân loại đi đến tương lai. Nước ta cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã luôn cố gắng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Ngay cả trong những giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy giảm kinh tế, khủng hoảng nợ công trên thế giới, các mục tiêu tổng quát trên vẫn được giữ vững.

Ngoài tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, Nhà nước ta vẫn luôn chú ý tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với học thuyết tam giác phát triển bền vững với ba đỉnh là kinh tế, xã hội và môi trường, mà tâm điểm chính là chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nói thì xa, chứ thực ra mô hình phát triển bền vững được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Đó là các vấn đề cân đối hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, giữa phát triển kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu, giữa tăng trưởng dựa trên nguồn vốn hay tăng trưởng dựa trên chất lượng nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó là cơ cấu kinh tế, các cân đối vĩ mô, quan hệ giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế, cơ sở hạ tầng, phân bổ các nguồn lực quốc gia, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,...

Ở trong kinh doanh, phát triển bền vững thể hiện trong văn hóa kinh doanh, trong thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chỉ số xếp hạng uy tín nhất trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh bền vững là chỉ số phát triển bền vững Dow Jones (DJSI), thể hiện trong quản lý an toàn sản phẩm, xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Một doanh nghiệp hoạt động khoáng sản không thể được coi là kinh doanh bền vững khi làm ô nhiễm môi trường sinh thái, làm hư hỏng các công trình hạ tầng nơi khai thác, làm phát sinh các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Trong tiêu dùng, phát triển bền vững chính là xu hướng tiêu dùng thân thiện môi trường. Xu hướng này ngày càng được người tiêu dùng quan tâm khi mua một sản phẩm hay sử dụng một dịch vụ nào đó. Ví dụ như việc người tiêu dùng tẩy chay sử dụng túi, bao ni-lông khó phân hủy...

Mô hình phát triển bền vững, ngoài việc được thể hiện rõ nét trong các nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, rất cần được thể hiện trong mỗi tế bào của xã hội, đó là trong từng con người chúng ta, từ tư duy đến hành động. Chỉ khi đó, mô hình phát triển bền vững của đất nước mới sớm trở thành hiện thực”.

10 “bệnh” lớn nhất của nền kinh tế

(Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ)

10 “bệnh” lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là: mất cân đối giữa tốc độ phát triển và hiệu quả phát triển; phát triển và bền vững; cơ cấu kinh tế lạc hậu; mất cân đối vĩ mô trầm trọng và kéo dài biểu hiện qua các mặt như thu chi ngân sách, nhập siêu...; mất cân đối giữa thị trường trong nước và ngoài nước; yếu kém hạ tầng cơ sở; bất cập về chất lượng nguồn nhân lực; mất cân đối về phân bổ nguồn lực; thể chế không đi theo kịp sự phát triển, thậm chí cản trở sự phát triển; mối quan hệ chưa rõ ràng giữa tập trung hay phân quyền.

Trong tình hình như vậy, tái cơ cấu kinh tế là nhu cầu cấp thiết. Nền kinh tế thế giới đang tái cấu trúc và Việt Nam không thể đứng ngoài vòng xoáy này. Hiện nay kinh tế Việt Nam đang đứng trước 3 nhiệm vụ gắn kết với nhau.

Ở tầm ngắn hạn là tiếp tục đối phó với các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu.

Ở tầm trung hạn là vận dụng những cơ hội mới, ứng phó với những thách thức mới của thời kỳ “hậu khủng hoảng”.

Ở tầm dài hạn hơn là chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Việc tái cơ cấu của Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư công vào hạ tầng cơ sở; tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng.

Thời gian còn lại của năm 2010, Việt Nam tiếp tục phải chọn lựa giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng; đối mặt với mâu thuẫn muốn ổn định vĩ mô phải thắt chặt tiền tệ; cân bằng giữa thị trường ngoài nước và trong nước, giữa can thiệp của Nhà nước và điều tiết thị trường; đặc biệt là chọn lựa mô hình phát triển phù hợp cho những năm tiếp theo.

Năm nay có tầm quan trọng đặc biệt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là năm cuối cùng nước ta thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; là thời cơ để thực hiện chương trình tổng thể tái cấu trúc hoạt động sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục những tồn tại yếu kém, tạo bước khởi đầu cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo (2011 - 2015).

Năm nay còn được coi là ngưỡng cửa bước vào giai đoạn nước rút đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và để Việt Nam bước ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp.

Những lợi thế như: GDP trụ được ở mốc tăng trưởng trên 5%/năm; vị thế trên trường quốc tế đang được khẳng định với tín nhiệm cao; qua những kết quả kinh tế - xã hội đạt được của thời gian đầu năm... sẽ giúp Việt Nam vững vàng, tự tin đi tiếp các bước quan trọng trong năm 2010, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra”.

5 “cần” cho mô hình tăng trưởng mới

(Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại)

“Để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần xác định những tiền đề của tái cấu trúc. Những tiền đề đó gồm: Hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, gắn với cải cách hành chính, phát triển mạnh thị trường công nghệ; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xóa bỏ độc quyền, kiểm soát độc quyền tự nhiên; phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, coi đây là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yêu cầu bất biến trong một thế giới toàn cầu hóa và biến đổi không ngừng.

Ngoài ra, có một yêu cầu tuy không xếp vào những tiền đề nhưng rất quan trọng hỗ trợ quá trình tái cấu trúc, đó là: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị.

Cần xác định nội dung của tái cấu trúc. Chủ yếu là tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế. Hướng chính là chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cao, có lợi nhuận lớn trong chuỗi giá trị. Cùng đó là tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, sắp xếp lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cần tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Một trong những hướng chính trong phát triển công nghiệp là phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ theo cụm nhóm sản phẩm, có tính liên kết cao, lấy công nghiệp chế tạo làm trung tâm.

Cần điều chỉnh chiến lược phát triển thị trường. Theo đó, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, chú ý khai thác các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do mà Việt Nam là thành viên (ASEAN, ASEAN+), hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời quan tâm hơn đến khai thác thị trường nội địa, một thị trường gần 87 triệu người, doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ năm 2009 xấp xỉ 65 tỉ USD, và đang tăng với mức trên 10%, cao hơn mức tăng GDP.

Để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc, còn thêm một cái “cần” nữa là cần điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần ưu tiên các dự án đầu tư vào công nghiệp chế tác, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đi đôi với thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài”.

Đổi mới phải được thực hiện “đồng khởi”

(Ông Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam)

“Trong 25 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, từ mức GDP chỉ khoảng 100 USD/người khi bắt đầu đổi mới, từ năm 2008 đã vượt gấp 10 lần ngưỡng này. Tuy vậy, mức thu nhập của Việt Nam cũng vẫn chỉ bằng 10% bình quân thế giới, cùng với đó là mức tiêu dùng/năng lượng điện và gây ô nhiễm đều chiếm trên 20% mức bình quân thế giới.

Điều đó chứng tỏ hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Nói rộng ra, mô hình tăng trưởng hiện đã bộc lộ nhiều điểm thiếu hiệu quả, không đảm bảo sức cạnh tranh.

Theo quan điểm biện chứng, một mô hình rất tốt trong 20 năm đổi mới nhưng nay trong bối cảnh khác trước rất nhiều nên dù mô hình còn tốt ít nhiều nhưng mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đi cùng với nó dường như ngày nay không còn phù hợp, thậm chí đang trong quá trình tận khai.

Ba khâu tắc nghẽn của mô hình tăng trưởng hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ chưa tác động mạnh vào tăng trưởng; kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội còn kém. Tắc nghẽn lớn nhất là hệ thống thể chế, tuy đã được đổi mới từng bước nhưng chưa có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy thì đổi mới mô hình tăng trưởng bắt đầu từ đâu? Chúng ta không thể tiếp tục “mô thức” tăng trưởng mang nặng “quảng canh” như trước. Đổi mới mô hình tăng trường cần phát huy các ưu điểm đã đạt, hướng tới chất lượng tăng trưởng và tiến hành tăng trưởng theo cách thức mới, thích hợp với thời đại toàn cầu hoá và chủ động hội nhập.

Theo đó, trước hết là đổi mới tư duy phát triển, từ bỏ cách làm “ham tăng trưởng” bằng mọi giá, chủ yếu dùng biện pháp quảng canh, sang cách tăng trưởng dựa vào thâm canh... Đổi mới cũng phải được thực hiện “đồng khởi”.

Phải đổi mới một cách hệ thống, từ tư duy, chiến lược, quy hoạch đến kế hoạch hành động. Phải có phân kỳ trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó chú ý giai đoạn chuyển tiếp 2011-2013 để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Phải đổi mới từ các tế bào của nền kinh tế cho đến giá trị gia tăng trong cạnh tranh toàn cầu của các ngành, các vùng và toàn bộ nền kinh tế”.

6 nguyên tắc và 11 kiến nghị

(Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương)

“Để đổi mới mô hình tăng trưởng cần 6 nguyên tắc. (1) Phải đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế. (2) Cách thức tăng trưởng cân đối hơn giữa chiều rộng và chiều sâu. (3) Thực hiện chính sách thúc đẩy tất cả các vùng trong cả nước cùng phát triển. (4) Các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và không phân biệt đối xử. (5) Chuyển dịch cơ cấu theo hướng hội nhập và định hướng xuất khẩu. (6) Kết hợp hài hoà vai trò của Nhà nước và thị trường trong phân bổ nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đối với nguyên tắc thứ 6, Nhà nước thực hiện vai trò dẫn dắt, thúc đẩy tăng tốc và đột phá phát triển trên một số ngành ưu tiên, một số vùng lãnh thổ động lực tăng trưởng, tạo dựng và tăng cường thêm lợi thế cạnh tranh, động lực tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế.

Để thực hiện vai trò này, hệ thống đòn bẩy thực hiện các ưu tiên phát triển phải cùng được vận hành theo nguyên tắc thị trường; có mục tiêu và thời hạn rõ ràng, có tiêu chí cụ thể về đối tượng được khuyến khích, có điều kiện ràng buộc trách nhiệm đối với người được hưởng lợi, có chỉ đạo tập trung thống nhất, có giám sát và đánh giá thường xuyên, có trừng phạt và điều chỉnh kịp thời, khi cần thiết.

Trên cơ sở 6 nguyên tắc như vậy thì chúng tôi có kiến nghị 11 giải pháp đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đó là: ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và dịch vụ; nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp và chất lượng sống ở khu vực nông thôn; xây dựng vùng lãnh thổ động lực tăng trưởng, khuyến khích tất cả các vùng cùng phát triển; nâng cao hiệu quả, chất lượng sử dụng các nguồn lực và hiệu lực quản lý nhà nước với đầu tư; từng bước hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn; đào tạo nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới quản trị, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích phát triển, tăng quy mô và nâng cao chất lượng các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao chất lượng, năng lực hoạch định, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật...".

Tăng trưởng trong tương lai = kỹ năng + công nghệ

(Ông Kenichi Ohno, Diễn đàn Phát triển Việt Nam - VDF)

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4%/năm trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2009. Năm 1990, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người là 98 USD. Đến năm 2009, mức GDP bình quân đầu người là 1.109 USD.

Tuy nhiên, những thành quả mà Việt Nam có được ngày nay chủ yếu do tác động của sự tự do và các yếu tố bên ngoài đi kèm với hội nhập quốc tế chứ không phải do sức mạnh nội tại.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực cải cách trong một thập kỷ rưỡi vừa qua rất đáng ghi nhận, song các doanh nghiệp trong nước vẫn còn thiếu sức cạnh tranh, các chính sách và các thể chế vẫn còn rất yếu kém so với chuẩn mực của các nước Đông Á.

Từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất nhanh nhờ tác động của các cơ chế khuyến khích và ảnh hưởng tái phân bổ của việc tự do hoá các nguồn lực kinh tế nội địa.

Kết quả là từ giữa những năm 1990 đến nay, tăng trưởng đã được củng cố bởi nhiều cơ hội thương mại mới cũng như dòng vốn lớn đổ từ bên ngoài vào. Các hoạt động công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến hàng hoá xuất khẩu, chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, trong khi giá trị mà người lao động và các công ty trong nước tạo ra là rất hạn chế.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến gần đến giai đoạn cuối của chuyển đổi hệ thống và hội nhập toàn cầu nên cần có bước đột phá về năng suất tiến xa hơn nữa. Tăng trưởng trong tương lai phải được hậu thuẫn bởi kỹ năng và công nghệ chứ không phải chỉ dựa vào sức mua.

Trong bối cảnh một Đông Á năng động, Việt Nam cần tiến hành thành công 3 chính sách quan trọng nhằm duy trì tăng trưởng. Đó là: xây dựng giá trị nội tại; giải quyết tốt các vấn đề xã hội mới đặt ra do tăng trưởng nhanh và quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả trong bối cảnh hội nhập về tài chính.

Nếu như chính sách đầu tiên có vai trò thúc đẩy tăng trưởng thì hai chính sách sau có vai trò chuẩn bị cho sự ổn định về chính trị và sự ủng hộ xã hội mà nếu không có sự ổn định và hậu thuẫn này thì công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá không thể thực hiện được”.