08:00 13/07/2021

Tạo sinh kế: Giảm khoảng cách giàu nghèo

Dũng Hiếu

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có đề xuất nguồn lực đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025 là hơn 90.000 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.

HẠN CHẾ TÁI NGHÈO VÀ PHÁT SINH NGHÈO 

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập, đời sống người giàu-người nghèo còn lớn. Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Chính vì thế, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025 sẽ hướng tới giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Chương trình sẽ có 4 dự án lớn và 11 tiểu dự án, tập trung vào các nội dung. Cụ thể là hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo để nâng cao thu nhập cho người nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người nghèo; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội…

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình sẽ góp phần quyết định thực hiện mục tiêu bình quân cả nước giảm 1-1,5%/năm, trong đó các huyện giảm từ 4-5%/năm, xã đặc biệt khó khăn giảm từ 2-3%/năm, tạo môi trường cho người nghèo, người yếu thế, người dân ở khu vực khó khăn nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và việc làm.

Chương trình sẽ giúp tăng số lượng, chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, giúp người nghèo, trẻ em, các đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thuận lợi hơn, với chất lượng ngày càng cao hơn. Giảm phân biết đối xử, bạo lực về giới cũng đã góp phần tiết kiệm hao phí sức lao động xã hội, giảm khoảng cách giới, giảm bất bình đẳng trong phân công lao động, giảm gánh nặng cho xã hội.

Địa bàn đầu tư của Chương trình là địa bàn trọng yếu của quốc gia về an ninh, quốc phòng, do vậy, việc thực hiện chương trình hiệu quả là một trong những giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.

XÁC ĐỊNH RÕ ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN 

Tán thành sự cần thiết ban hành chương trình, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc tiếp tục chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cơ bản cần đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công. Nội dung cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Nhiều ý kiến đánh giá, Chính phủ đã quan tâm, bảo đảm Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 không có sự trùng lặp với nội dung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nội dung chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy một số dự án, tiểu dự án có nội dung gần tương đồng nhau trong ba chương trình.

Các ý kiến chỉ rõ sự trùng lặp này là do chưa làm rõ, thống kê chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa được nội dung hỗ trợ đầu tư đến từng đối tượng cụ thể và trách nhiệm của từng chương trình. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát vấn đề này sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, để tránh trùng lặp, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự kiến không đầu tư tại 70 huyện nghèo và 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

 

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2016-2020

Dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là 90.260 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 50.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 20.000 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 11.410 tỷ đồng), huy động hợp pháp khác khoảng 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 7.500 tỷ đồng).

Chương trình đặt mục tiêu: đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5- 4%/ năm; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

 

"Chúng tôi đánh giá cao kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Trước những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước, việc xây dựng Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội
Đại biểu Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững; người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng.

 

"Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 mang tính bao trùm, đa chiều và bền vững. Tuy nhiên cần lưu ý, trong ba chương trình lớn là giảm nghèo, nông thôn mới và giảm nghèo vùng dân tộc miền núi có sự giao thoa nên rất dễ bị trùng lắp, chồng chéo. Chương trình lần này Chính phủ đã tiếp cận bền vững.

Đại biểu Nguyễn Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh
Đại biểu Nguyễn Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Ngoài giảm nghèo trực tiếp, vấn đề cũng phải lưu ý việc phân định giữa ba chương trình này, có những việc mà chương trình giảm nghèo không thể thực hiện được, lấn sang phần của nông thôn mới nhưng cũng có phần của nông thông mới tác động đến giảm nghèo. Nếu chuyển chương trình này về nông thôn mới cũng không thể hiện được. Đó là việc mà chúng tôi cho rằng xác định này phải rất cụ thể".