06:00 04/07/2024

Thị trường Việt Nam thu hút các nhãn hàng xa xỉ

Băng Sơn

Với hơn 17 triệu dân trung lưu, đặc biệt là tầng lớp trẻ cận giàu với thu nhập từ 22,5 – 60 triệu/tháng rất chú trọng vào hưởng thụ, Việt Nam đang trong tầm ngắm của các nhãn hàng xa xỉ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2024 của Knight Frank, số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 là 752 người, tăng 2,4% so với năm trước đó. Thực tế, đầu năm 2022 số người siêu giàu Việt Nam đạt 1.059 người, nhưng do nhiều biến động, đến cuối 2022 chỉ còn 734 người. Tuy nhiên, do người giàu Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi ra nước ngoài cộng thêm tâm lý “mua sắm trả thù” hậu đại dịch, ngành xa xỉ phẩm đã có một năm rực rỡ.

Theo số liệu từ Vietdata, các doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam có tổng doanh thu gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.825 tỷ đồng năm 2022. Hai con số này lần lượt tăng 67% và 2,7 lần so với năm 2021.

Các con số trên được thống kê từ 12 doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh khoảng 34 thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Rolex, Calvin Klein... Trong số này, Louis Vuitton là đơn vị có doanh thu cao nhất, đạt hơn 2.360 tỷ đồng, còn quán quân về lợi nhuận là Dior với hơn 558 tỷ đồng.

NGƯỜI VIỆT THÍCH MUA GÌ?

Trong năm 2023 và nửa năm 2024, do nền kinh tế nói chung vẫn đang ảm đạm, sức mua ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam có chút giảm sút, nhưng vẫn khá tích cực nếu so với các thị trường khác. Theo Savills, trong năm 2023, các thương hiệu thời trang xa xỉ mở rộng có chọn lọc.

Theo cáo cáo quý 4/2023, giá trị thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức dương đến năm 2028, mặc cho những khó khăn về kinh tế. Trong đó, thời trang là phân khúc lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến đạt 298,6 triệu USD vào cuối năm 2024.

Tháng 6 này, cửa hàng đầu tiên của Loewe tại Việt Nam đã ra mắt tại TTTM Union Square, số 171, Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM.
Tháng 6 này, cửa hàng đầu tiên của Loewe tại Việt Nam đã ra mắt tại TTTM Union Square, số 171, Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM.

Nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã nhanh chóng gia nhập thị trường Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, tiêu biểu như Fendi, Cartier, Loewe… "Điều này khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm hiện hữu đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu." báo cáo của Savills nhấn mạnh.

Ông Kevin Coppel, Giám đốc điều hành Knight Frank châu Á - Thái Bình Dương cho biết giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới các khoản đầu tư xa xỉ. Trên khắp châu lục, các đại gia đang không ngừng ưu tiên mua sắm xa xỉ phẩm nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, cũng như khai thác tiềm năng lợi nhuận to lớn mà những hạng mục tài sản này mang lại.

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận doanh thu chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024. Đơn vị này đánh giá: thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở phân khúc xa xỉ phẩm, dự kiến 3,10% (CAGR 2024-2028). Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu về hàng xa xỉ tăng vọt.

Doanh thu xa xỉ tại Việt Nam chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang...
Doanh thu xa xỉ tại Việt Nam chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang...

Xét về gia tăng giá trị, những món hàng mỹ thuật đang dẫn đầu về hiệu quả đầu tư trong năm 2023, với mức tăng giá lên tới 11%. Kế tiếp trong top 5 tăng giá là đồ trang sức (8%), đồng hồ (5%), tiền cổ (4%) và kim cương màu (2%). Ngược lại, đứng chót bảng là rượu whisky hiếm với mức giá giảm 9%, xếp kế là mặt hàng xe cổ (giảm 6%) và rượu vang (tăng chỉ 1%). Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về nhập khẩu giai đoạn 2018 – 2022 đối với đồ trang sức là 8%, xe hơi là 26%, rượu vang khoảng 6% và đồng hồ đạt 8%.

Statista cũng cho biết thêm: thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024. Con số này minh chứng rằng: càng ngày các nhãn hàng xa xỉ càng quan tâm đến tệp khách hàng trẻ trung lưu tại Việt Nam.

TIỀM NĂNG SONG CŨNG ĐẦY THÁCH THỨC

Knight Frank cũng cho rằng Việt Nam sẽ có hơn 112.200 người giàu vào 2027, tương đương mức tăng trưởng 173% trong 10 năm. Đáng kể, dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978 người, tăng khoảng 30% so với năm 2023.

Với dự đoán trên, tốc độ gia tăng số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ thuộc hàng nhanh top đầu thế giới và đứng thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ xếp sau Ấn Độ (50,1%), Trung Quốc (47%), Thổ Nhĩ Kỳ (42,9%), Malaysia (34,6%), dẫn trước cả Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore. Để được xếp vào nhóm người siêu giàu, cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD (khoảng 740 tỷ đồng) trở lên.

Tuy nhiên, để mở rộng thị trường nhanh chóng, nếu các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam chỉ nhìn vào con số hơn 70.000 người giàu và siêu giàu, là không đủ. Bởi lẽ trên thực tế, tầng lớp trung lưu trẻ - đặc biệt là lớp cận giàu với thu nhập từ 22,5 triệu – 60 triệu/tháng, không nhiều tiền bằng tầng lớp thượng lưu, nhưng họ đông hơn và chịu chi hơn. Theo báo cáo của Statista, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người.

"Ngày càng có nhiều người Việt trẻ trưởng thành sở hữu tài sản trên 250.000 USD (6,3 tỷ đồng). Đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, tầng lớp trung lưu gia tăng không ngừng", ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC chia sẻ.

Dù vậy, chắc chắn tệp khách này sẽ ngày càng trở nên cá tính và khó tính hơn. Trong thời điểm ngành công nghiệp xa xỉ đang phải đối mặt với nhiều thay đổi, các thương hiệu thời trang cần đổi mới chiến lược marketing nhằm chiếm được tình cảm và sự gắn kết của các khách hàng bản địa. Nếu như trước đây hầu hết các thương hiệu vẫn đi theo mô hình 4P truyền thống: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Địa điểm) và Promotion (Quảng cáo), thì nay đã không còn phù hợp với ngành xa xỉ, vốn tập trung nhiều hơn vào sự trải nghiệm, kết nối và tương tác.

Mô hình marketing 4E bao gồm: Emotion (Cảm xúc), Experience (Trải nghiệm), Engagement (Sự gắn kết) và Exclusivity (Tính độc quyền) đang trở thành xu hướng.
Mô hình marketing 4E bao gồm: Emotion (Cảm xúc), Experience (Trải nghiệm), Engagement (Sự gắn kết) và Exclusivity (Tính độc quyền) đang trở thành xu hướng.

Người tiêu dùng xa xỉ ngày nay, đặc biệt là Gen Z, đòi hỏi những trải nghiệm độc đáo, kết nối cảm xúc và sự tương tác có ý nghĩa, mà mô hình 4P tập trung vào sản phẩm vật lý đã không còn khả năng đáp ứng. Thay vào đó, mô hình 4E bao gồm Emotion (Cảm xúc), Experience (Trải nghiệm), Engagement (Sự gắn kết) và Exclusivity (Tính độc quyền) đang trở thành xu hướng. Người Việt thích những câu chuyện và các thương hiệu xa xỉ cũng rất biết cách nêu bật được câu chuyện và giá trị cảm xúc ẩn sau các vật dụng tinh xảo.

Điều này được thực hiện qua các chiến dịch quảng cáo thường chứa đựng những hình ảnh và thông điệp mang tính biểu tượng khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc. Dịch vụ khách hàng cũng được nâng cấp, cá nhân hóa và chu đáo, từ việc tư vấn, chăm sóc sau khi bán hàng đến các dịch vụ đặc biệt như sửa chữa và bảo dưỡng sản phẩm… Từ đó tạo nên sự gắn kết giữa thương hiệu và khách hàng - yếu tố quan trọng giúp xây dựng lòng trung thành và các mối quan hệ dài hạn.