14:13 10/08/2009

“Trang web phiền toái nhất thế giới” sắp bị kiện

Kiều Oanh

Tổng chưởng lý bang New York, Mỹ, ông Andrew Cuomo, dự kiến sẽ kiện mạng xã hội ảo Tagged

Giao diện của Tagged.
Giao diện của Tagged.
Tổng chưởng lý bang New York, Mỹ, ông Andrew Cuomo, dự kiến sẽ kiện mạng xã hội ảo Tagged với lý do trang web này đã đưa quảng cáo giả mạo, có hoạt động lừa đảo và đánh cắp thông tin người sử dụng.

Vô số công dân mạng đã lên tiếng than phiền vì khốn khổ với Tagged, đến nỗi trang web này bị xem là “trang web phiền toái nhất thế giới”.

Tuy mới thành lập cách đây chưa lâu, nhưng Tagged đã trở thành mạng xã hội ảo lớn thứ ba thế giới, với 80 triệu người đăng ký sử dụng. Tagged được xếp vào hàng những mạng xã hội “ăn theo” MySpace. Những trang web kiểu này không bao giờ thu hút được đối tượng người sử dụng đa dạng, nhưng mỗi trang lại có một “thị trường ngách” riêng. Đối với Tagged, đối tượng người sử dụng đông vượt trội là người Mỹ gốc Phi và gốc Mỹ Latin, phần lớn ở độ tuổi 30.

Giống như nhiều trang web xã hội khác, Tagged có những hoạt động như “dội bom” email, “đào mỏ” dữ liệu của người sử dụng… Tuy nhiên, theo Tổng chưởng lý Cuomo, điểm khác biệt của Tagged so với các trang web khác là áp dụng những hoạt động trên một cách quá đà.

Trong một thông cáo báo chí công bố mới đây, ông Cuomo buộc tội: “Người sử dụng mạng khi vào Tagged đã bị trang web này lừa cho phép truy cập vào hòm địa chỉ email trong hộp thư điện tử. Sau đó, Tagged dùng những địa chỉ này để gửi tới hàng triệu email quảng cáo. Hành động “bom thư” quá đáng này trên mạng tương đương với hành vi đột nhập vào nhà của người khác ngoài thực tế, đánh cắp sổ địa chỉ và gửi thư giải tới tất cả các địa chỉ trong đó”.

Những lời buộc tội trên của ông Cuomo được đưa ra sau khi các cư dân mạng đua nhau lên tiếng phàn nàn về Tagged, rằng trang web này dường như được tạo ra để tự gây ấn tượng cho bản thân, thay vì đem đến những tiện ích cho người sử dụng. Tạp chí Time cách đây không lâu đã gọi Tagged là “trang web phiền toái nhất thế giới”.

Tương tự như các mạng xã hội có tiếng khác như MySpace hay FaceBook, khi vào Tagged, người sử dụng tạo một hồ sơ cá nhân (profile), sau đó có thể đưa ảnh lên trang và gửi tin nhắn tới những người khác. Điểm khác biệt của Tagged là trang này tập trung vào “tổ chức” các cuộc gặp gỡ giữa những người lạ mặt, thay vì nhằm mục đích giúp duy trì liên lạc với bạn bè.

Mục MeetMe của Tagged cho phép người sử dụng “lọc” các đối tượng khác cũng có mặt trong mạng này theo các tiêu chí về giới tính, độ tuổi, địa chỉ… Người sử dụng sau đó được tiếp cận với kết quả “lọc” từng người một và quyết định xem có đưa người đó vào danh sách quan tâm hay không. Nếu hai người sử dụng nào đó cùng chọn nhau thì họ sẽ trở thành bạn trên Tagged.

Mỗi lần được ai đó đưa vào danh sách “quan tâm”, hòm thư của người sử dụng đó lại nhận được một email từ Tagged. Kết quả là, mỗi ngày, một người dùng Tagged có thể nhận được vài chục, thậm chí là cả trăm email như vậy.

Do một số “kỹ thuật”, người sử dụng khi đã đăng nhập vào Tagged đều vô tình “giao nộp” toàn bộ sổ địa chỉ email trong hòm thư điện tử của mình cho Tagged. Sau đó, Tagged ồ ạt gửi email mời gia nhập tới những người có tên trong hòm thư đó, với danh nghĩa “bạn A gửi cho bạn một bức ảnh, bạn phải đăng ký vào Tagged để xem”, khiến người nhận được email tưởng là thư bạn mình gửi thật.

Theo luật của bang New York, việc tiết lộ thông tin nửa chừng kiểu này là một hình thức “quảng cáo giả mạo”.

Trên thực tế, những “bức ảnh” mà Tagged gửi đi chỉ là những bức hình kiểu bưu thiếp có sẵn trong kho ảnh có tên Tags của trang này. Tệ nhất là trong trường hợp người nhận được email mời đăng ký vào Tagged để xem “ảnh” từ chối đăng ký, trên màn hình sẽ xuất hiện một biểu tượng khuôn mặt cau có với ý rằng, người bạn gửi email (thực ra là Tagged gửi) sẽ nổi giận.

Nhiều người đặt câu hỏi, vậy Tagged ở đâu mà ra? Tác giả của Tagged là Greg Tseng và Johann Schleier-Smith, hai cựu sinh viên Đại học Havard. Vào tháng 12/2005, khi đang theo học tiến sỹ tại Đại học Stanford, Tseng và Schleier-Smith được quỹ đầu tư Mayfeild Fund rót cho 7 triệu USD tiền vốn. Hai nhân vật này ngay lập tức xin nghỉ học giữa chừng để thành lập Tagged.

Trước những lời buộc tội của Tổng chưởng lý Cuomo, người đồng sáng lập Tseng của Tagged viết trên blog rằng: “Chúng tôi rất bất ngờ về việc văn phòng của ông Cuomo, một nơi vẫn tỏ ra là hiểu biết nhiều về Internet, lại phát đi những lời buộc tội thiếu chính xác và mang tính kích động như vậy”.

Tseng cũng phủ nhận chuyện Tagged tìm cách lừa đảo ai và cho rằng, tình trạng “bom thư” là do quy trình đăng ký đang có lỗi.

Các chuyên gia thì cho rằng, vụ kiện tụng này nhiều khả năng sẽ được giải quyết mà không cần tới tòa án. Mặc dù vậy, đây vẫn sẽ được xem là một chiến thắng cho Tổng chưởng lý Cuomo, vì với việc tiến hành vụ kiện, ông sẽ gặt hái được những lợi ích chính trị.

Theo quan điểm của giới chuyên môn, bài học lớn nhất rút ra từ vụ này là, trong thế giới mạng ngày nay, chính tiếng nói của người tiêu dùng, thay vì luật pháp, là cơ sở để quyết định xem đâu là những trang web và nội dung an toàn, đâu là những thứ độc hại, hay thậm chí là ngớ ngẩn.

(Theo Fortune)