Tuyên bố dừng bơm khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, Nga bắt đầu dùng năng lượng làm “vũ khí”?
Động thái này của Moscow đẩy căng thẳng giữa Nga với phương Tây lên một nấc cao mới. Việc Nga đòi thanh toán bằng Rúp không chỉ đe doạ nguồn cung năng lượng của EU mà còn giúp củng cố sức mạnh cho đồng Rúp trong bối cảnh chiến tranh...
Nga sẽ cắt cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4, sau khi hai nước này từ chối dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga. Động thái này của Moscow đẩy căng thẳng giữa Nga với phương Tây lên một nấc cao mới.
Theo trang CNN Business, công ty khí đốt quốc doanh Ba Lan PGNiG cho biết sẽ “dừng hoàn toàn” cung cấp khí đốt thông qua đường ống Yamal bắt đầu từ buổi sáng ngày 27/4 theo giờ địa phương.
“Vào ngày 26/4, Gazprom thông báo cho PGNiG về ý định cắt toàn bộ việc cung cấp khí đốt theo hợp đồng Yamal bắt đầu từ ngày 27/4”, tuyên bố của PGNiG cho biết. Thông tin này ngay lập tức đẩy giá khí đốt ở Mỹ tăng khoảng 3% trong phiên ngày 26/4.
Điện Kremlin đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng đến một thời điểm nào đó Nga sẽ giảm mạnh dòng chảy khí đốt nhằm đáp trả việc phương Tây áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Gazprom, tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ của Nga, chưa xác nhận việc cung cấp khí đốt cho Ba Lan đã dừng hay chưa – theo hãng thông tấn Nga Tass. Một người phát ngôn của Gazprom nhấn mạnh rằng Ba Lan phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp. Tuy nhiên, giống như các quốc gia phương Tây khác, Ba Lan đã từ chối yêu cầu này của Nga.
Gazprom cũng đã thông báo với công ty khí đốt quốc doanh của Bulgaria là Bulgargaz rằng phía Nga sẽ dừng bơm khí đốt cho nước này từ ngày 27/4 - một tuyên bố của Bộ Năng lượng Bulgaria cho hay. Cơ quan này nói rằng việc dùng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt Nga là “không thể chấp nhận” và đặt ra “những rủi ro lớn” đối với Bulgaria. Tuyên bố nói phía Bulgaria đã “hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ và thực hiện đúng lúc tất cả các khoản thanh toán quy định trên hợp đồng, một cách kỹ lưỡng và tuân thủ đầy đủ mọi điều khoản”.
Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga trong trường hợp bị Nga cắt cung cấp khí đốt. “Hiện tại, không có biện pháp hạn chế nào được áp dụng đối với tiêu thụ khí đốt ở Bulgaria”, Bộ Năng lượng nước này cho hay.
Tháng trước, Nga đưa ra “tối hậu thư” rằng các nước “không thân thiện” với Nga sẽ phải trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp bắt đầu từ ngày 1/4, nếu không sẽ bị Moscow cắt khí đốt. Sau đó, dòng chảy khí đốt Nga vẫn duy trì.
Điện Kremlin nói rằng các nước khách hàng đã thanh toán cho khí đốt được bơm đến cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, nên Nga chưa cắt ngay dòng chảy khí đốt sang châu Âu.
Yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đã gây ra một cú sốc lớn ở châu Âu. Nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ gặp một thách thức chưa từng có tiền lệ nếu không có khí đốt Nga. Điện Kremlin đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng đến một thời điểm nào đó Nga sẽ giảm mạnh dòng chảy khí đốt nhằm đáp trả việc phương Tây áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
PGNiG cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để đó nguồn cung khí đốt từ các nguồn khác, bao gồm thông qua các kết nối khí đốt ở khu vực biên giới phía Tây và phía Nam, cũng như nguồn khí hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại cảng ở phía Tây Bắc. Công ty này cũng nói dự trữ khí đốt của Bulgaria hiện đang đầy 80%. Trước mắt, công ty vẫn sẽ cung cấp khí đốt cho khách hàng theo nhu cầu, đồng thời sẽ theo dõi tình hình và chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa ngày 26/4 xác nhận rằng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt ở Ba Lan cho dù Nga dừng cung cấp khí đốt cho nước này.
“Ba Lan có dự trữ khí đốt và nguồn cung cấp cần thiết để bảo vệ an ninh năng lượng của mình. Chúng tôi thực ra đã có thể độc lập với nguồn cung từ Nga trong nhiều năm rồi”, bà Moskwa viết trên Twitter. “Các gia đình ở Ba Lan không hề thiếu khí đốt”.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu đã vạch ra một lộ trình nhằm “cai” năng lượng Nga. Khối này đã cấm nhập than Nga và đang bàn thảo việc cấm vận dầu thô Nga. Tuy nhiên, việc dừng nhập khí đốt từ Nga sẽ đòi hỏi một lộ trình dài hơn, bởi Nga là nguồn cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt của EU.
Cho đến hiện tại, nhập khí đốt Nga vào châu Âu được thanh toán 60% bằng đồng Euro và số còn lại bằng đồng USD. Việc Nga đòi thanh toán bằng Rúp không chỉ đe doạ nguồn cung năng lượng của EU mà còn giúp củng cố sức mạnh cho đồng Rúp trong bối cảnh chiến tranh.