Kinh nghiệm điều khiển xe qua bùn lầy

Khánh Huyền
Nên tận dụng tối đa các các ứng dụng công nghệ an toàn và hỗ trợ trơn trượt trang bị sẵn có trên chiếc xe
Luôn bình tĩnh và giữ vững vô-lăng khi băng qua bùn lầy - Ảnh: Bobi.
Luôn bình tĩnh và giữ vững vô-lăng khi băng qua bùn lầy - Ảnh: Bobi.
Xã hội phát triển kéo theo quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở mọi miền trên tổ quốc. Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi, các cung đường lần lượt được đầu tư và nhựa hóa đã góp phần cải thiện cuộc sống đồng thời giảm bớt nỗi vất vả của người dân khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, ở một nơi nào đó, vẫn còn đó những đoạn đường mà chỉ cần nhìn thấy cũng đã ớn lạnh sống lưng vì mặt đường không chỉ “quá” xấu mà còn được bao phủ một lớp bùn lầy trơn trượt. Vậy làm cách nào để điều khiển xế hộp vượt qua “thử thách” có thể gặp phải trên hành trình khám phá mà trước đây chưa bao giờ gặp phải?

Kinh nghiệm cho thấy, khi gặp địa hình phức tạp nhất là nơi mặt đường đất có bùn bao phủ, đừng ngại xuống xe để kiểm tra trước khi quyết định có nên điều khiển xe qua trở ngại này hay quay trở lại để tìm đường khác.

Chỉ một thao tác nhỏ như vậy có thể giúp tiết kiệm được thời gian và kha khá tiền bạc mà bạn hoàn toàn có thể phải mất để sửa chữa hoặc chờ đợi gọi cứu hộ “giải cứu” chiếc xe của mình. Lý giải cho điều này là trong lớp bùn nhầy thường hay có các chướng ngại vật như đá hộc, khúc gỗ, hố sâu hoặc bùn quá nhão làm mất khả năng bám đường của lốp xe.

Bằng trực quan, hoàn toàn có thể đánh giá tương đối mức độ lầy lội và khoảng sáng gầm xe an toàn, độ dốc của mặt đường và chiều rộng sống trâu so với trục ngang giữa hai bánh xe. Nếu chiếc xe bạn đang điều khiển là loại dẫn động cầu trước trong khi gặp chướng ngại vật có thể làm bánh trước bị nhấc khỏi mặt đất hoặc lốp quá mòn thì cách tốt nhất là nên tìm một con đường khác để đến đích kể cả khi quãng đường có dài hơn nhiều.

Sau khi hội tụ các yếu tố trên mà theo chủ quan người điều khiển đã đủ an toàn để vượt qua bùn lầy thì việc cần làm ngay là yêu cầu toàn bộ người đồng hành rời khỏi xe để tải trọng của chiếc xe đạt ở mức thấp nhất.
 
Trước khi cho xe lăn bánh vào khu vực bùn lầy, nên tận dụng tối đa các các ứng dụng công nghệ an toàn và hỗ trợ trơn trượt được trang bị sẵn. Nên cài cầu sau và khóa hệ thống vi sai trung tâm cùng bộ cài cầu trước trong trường hợp xe có hệ thống này. Đối với các xe có khóa vi sai cho cầu trước và sau, nên nhớ khóa vi sai cầu sau và mở vi sai cầu trước để quá trình điều khiển chính xác hơn.

Đừng quên chuyển cần số về vị trí số 1 nhằm mục đích để xe luôn hoạt động ở chế độ mạnh mẽ nhất. Giữ vững vô-lăng cho xe chạy thẳng và với tốc độ thật chậm để đủ thời gian cảm nhận mức độ trơn trượt và xử lý tình huống theo cách hợp lý nhất.

Khi bánh xe bị trượt, không nên bỏ hẳn chân ga mà giảm một cách từ từ nhằm giữ đà cho xe trong khi độ trượt được giảm xuống. Đừng mất bình tĩnh và nhấn phanh, vì thao tác này chỉ gây thêm rắc rối và rất có thể làm chiếc xe bị quay ngoài khả năng kiểm soát.

Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được chiếc xe đang bị dịch chuyển sang ngang đặc biệt ở phần sau của chiếc xe. Khi đó, tránh tất cả các thao tác điều khiển một cách đột ngột trong khi vô-lăng vẫn phải giữ thật thẳng và hạn chế tối đa việc đánh lái không cần thiết.

Khi xe bị quay ngang, bạn phải nhả chân ga và đánh vô-lăng để lấy lại hướng trước khi tiếp tục rà chân ga nhẹ nhàng. Riêng với bùn cứng, bạn có thể đánh tay lái nhẹ sang hai bên khi di chuyển để thành lốp bám vào bùn làm tăng thêm độ ma sát.

Với những đoạn đường có sống trâu lớn, thì cách an toàn nhất là cho xe di chuyển với 1 hàng bánh xe đi trên sống trâu và lúc đó vô-lăng luôn phải giữ chặt nhưng có xu hướng hơi đánh về phía hàng bánh xe đối diện.

Trong trường hợp có dốc hoặc chướng ngại vật cao, bạn nên lưu ý việc tích lũy đà cho xe ở đoạn đường bằng và nhấn ga dứt khoát để xe vượt qua một cách nhanh chóng.

Nếu bánh xe bị trượt và xe có xu hướng giảm dần tốc độ thì coi như bạn đã bị kẹt lại vũng bùn. Tuy nhiên đừng mất bình tĩnh và tăng ga, điều nên làm lúc này là thả hẳn chân ga để xe tự dừng lại. Như vậy, bánh xe sẽ không bị lún sâu vào bùn và việc giải cứu xe sẽ dễ dàng hơn.

Khi lái xe xuống dốc có bùn trơn trượt, vẫn giữ ở số 1, không tác động vào bất kỳ bàn đạp nào và cho xe tự di chuyển với tốc độ chậm. Nếu cần phanh xe, thao tác trong trường hợp này phải dứt khoát và không được kéo dài để tránh xe bị khóa bánh dẫn đến mất lái.

Mỗi tình huống và mỗi địa hình thường có những cách xử lý để vượt qua một cách hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc điều khiển xe ở mọi trường hợp bùn đều có những điểm chung nhất định. Trên đây là một số kinh nghiệm mà người viết đã trải qua trên những hành trình khám phá đất nước.

Để có những chuyến đi an toàn và nhiều cảm xúc, ngoài những kinh nghiệm và kỹ năng điều khiển xe thuần thục, bạn nên kiểm tra kỹ càng độ an toàn và tìm hiểu trước cung đường sẽ đi để chắc chắn chiếc xe luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.