Mercedes đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan vì phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc
Khoảng ba phút một lần, một chiếc xe Mercedes mới toanh, bóng loáng lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất tại nhà máy Rastatt của nhà sản xuất ô tô ở tây nam nước Đức. Tổng cộng 185.000 chiếc xe hạng sang A-Class, B-Class và EQA chạy hoàn toàn bằng điện đã được lắp ráp tại đây vào năm ngoái tại nhà máy, gần biên giới Pháp. Sau đó, chúng được đưa bằng đường bộ, đường sắt và tàu thủy đến tay những người chủ mới của chúng.
Tập đoàn Mercedes-Benz (MBG) sản xuất hàng trăm nghìn chiếc xe như vậy mỗi năm từ tám nhà máy của Đức. Rastatt là một trong ba nhà máy ở bang Baden-Württemberg, gần trụ sở công ty ở Stuttgart.
Nhưng Mercedes và nền kinh tế rộng lớn hơn của nước Đức hiện đang đứng trước ngã ba đường. Xung đột với Ukraine đã thúc đẩy một cuộc chạy đua tìm nguồn cung cấp năng lượng mới trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và việc Nga thắt chặt các đường ống dẫn khí đốt - một cuộc khủng hoảng đã buộc Đức phải kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại.
Thất bại trong chính sách ngoại giao đối với Moscow cũng khiến Đức phải “tự vấn bản thân” trong việc lựa chọn đối tác kinh doanh, với những câu hỏi hiện đang được đặt ra về sự khôn ngoan khi phụ thuộc vào Trung Quốc.
Khi mùa đông đến gần và nhu cầu về năng lượng tăng lên, Mercedes và các đối thủ của công ty này phải thích nghi để đảm bảo họ có thể duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất như Rastatt.
Một cách ngẫu nhiên, Mercedes cho biết quyết định của họ vào năm ngoái về việc sản xuất không có carbon từ năm nay đã khiến hãng có đủ khả năng để đáp ứng.
Jörg Burzer, thành viên hội đồng quản trị MBG chịu trách nhiệm về chuỗi sản xuất và cung ứng cho biết: “Chúng tôi đã có một lợi thế lớn vì chúng tôi đã hoàn tất một hợp đồng năng lượng xanh lớn cho tất cả các nhà máy của mình vào năm ngoái. Đây là một hợp đồng tập trung vào năng lượng gió, mặt trời và thủy điện”.
Các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức đã quen với nguồn khí đốt và dầu mỏ dồi dào của Nga trong nhiều năm. Nga chiếm hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nước Đức vào năm 2020.
Mercedes ít phụ thuộc vào những nguồn cung cấp này hơn so với một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức, đặc biệt là các nhà sản xuất thép, công ty dược phẩm và nhà sản xuất hóa chất như BASF, công ty cho biết vào tháng 10 rằng họ sẽ “thu hẹp quy mô” vĩnh viễn các hoạt động ở châu Âu. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này vẫn phụ thuộc vào khí đốt cho một số quy trình sản xuất nhất định, đặc biệt là trong các xưởng đúc của mình.
Burzer cho biết MBG đã có thể giảm một nửa lượng khí đốt sử dụng một cách hiệu quả bằng cách tắt các nhà máy điện khí đốt tại các địa điểm của mình và bằng cách tăng cường năng lượng tái tạo.
Trong một chuyến viếng thăm địa điểm rộng lớn của công ty tại Sindelfingen, cách Rastatt khoảng gần 70km về phía đông, Burzer chỉ ra khỏi cửa sổ phòng họp tại nhà máy rộng lớn nơi có khoảng 35.000 người đang làm việc nói: “Bạn không thể nhìn thấy nó từ đây, nhưng đằng sau ống khói là bãi đỗ xe nhiều tầng, bãi đỗ xe đầu tiên ở đây có mái che hoàn toàn bằng các tấm pin mặt trời”.
Đây là một phần trong chương trình “nghìn mái nhà” của công ty, được triển khai trong năm nay, chương trình sẽ sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà của các nhà máy trên khắp nước Đức và hơn thế nữa. Gần đây, công ty đã công bố kế hoạch xây dựng một trang trại gió 100 megawatt trên đường thử nghiệm tại Papenburg, miền bắc nước Đức, sẽ đáp ứng hơn 15% nhu cầu điện hàng năm của công ty ở Đức. Burzer cho biết thêm, thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn sẽ sớm được công bố.
Thực tế, cú sốc năng lượng đối với cường quốc công nghiệp của châu Âu không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu mặc dù các công ty nhỏ hơn của Đức phải gánh chịu chi phí tăng vọt, các cơ sở lưu trữ khí đốt đã được lấp đầy thành công trước khi mùa đông bắt đầu.
Xung đột ở Ụkraine đã khiến thủ tướng Olaf Scholz, phá vỡ một cách hiệu quả cách tiếp cận kéo dài hàng thập kỷ về niềm tin rằng sự thay đổi chính trị và xã hội ở các quốc gia khác có thể được tạo ra nhờ thương mại.
Người tiền nhiệm của ông, Angela Merkel, đã bị chỉ trích vì những thất bại ngoại giao của Đức, nhưng từ chối chỉ trích quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung cấp khí đốt lớn hơn của Nga thông qua đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi Nord Stream 2, do Scholz tạm dừng ngay trước khi quân đội của Điện Kremlin tràn vào Ukraine.
Cũng đã có sự phản đối kịch liệt về vai trò của cựu thủ tướng đảng Dân chủ Xã hội (SDP) Gerhard Schröder, người đã lãnh đạo đất nước từ năm 1998 đến 2005 trước khi kiếm tiền từ tình bạn của mình với Putin thông qua các vai trò béo bở trong hội đồng quản trị của Nord Stream 2 và công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft.
Giờ đây, một trong những trụ cột khác của nền kinh tế của Đức đang được đánh giá lại đó là mối quan hệ với Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, Đức đang ở giữa “sự thay đổi cấu trúc” sau những cú sốc của chiến tranh, khủng hoảng năng lượng và sự gián đoạn của đại dịch đối với thương mại toàn cầu, ngay cả khi cộng đồng doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu thích nghi một cách muộn màng.
Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại bộ phận nghiên cứu của ngân hàng ING, tin rằng các công ty Đức đã chậm thích nghi bằng cách tái cơ cấu chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất. Ông nói: “Có hai sự thay đổi lớn, một là năng lượng. Sau đó, có những cơn gió ngược toàn cầu”.
Các nhà sản xuất lớn nhất của Đức, bao gồm cả Mercedes và các nhà sản xuất ô tô khác, đã có doanh số bán hàng bùng nổ ở Trung Quốc, trong khi Mittelstand của các công ty kỹ thuật vừa và nhỏ của nước này đã hỗ trợ sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc cho đến nay là thị trường lớn nhất của Mercedes. Hãng đã bán được gần 223.000 xe tại đây trong quý 3 năm nay, chiếm 42% tổng doanh số bán hàng trong giai đoạn này. Giờ đây, Đức đang tìm cách điều chỉnh lại quan hệ với Bắc Kinh.
Thỏa thuận ba bên giữa các thành viên của liên minh cầm quyền của đất nước – SPD của Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do – đã coi mối quan hệ với Trung Quốc là “sự cạnh tranh có hệ thống”.
Tháng trước, cùng với một phái đoàn kinh tế cấp cao, Scholz là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên được cấp phép thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc kể từ khi dịch Covid bùng phát và các động thái củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình.
Ở quê nhà, ông Scholz đã hứng chịu nhiều chỉ trích – kể cả từ các đối tác trong liên minh – vì đã thúc đẩy thỏa thuận cho phép công ty vận tải biển thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Cosco mua gần 25% cổ phần trong ba bến cảng tại cảng lớn nhất của Đức, Hamburg, thành phố nơi ông đã từng là thị trưởng.
“Đức cần phải tái tạo lại chính mình”, Noah Barkin, một chuyên gia về quan hệ châu Âu-Trung Quốc tại các nhà phân tích Mỹ Rhodium Group, nói. “Có một nhận thức rằng Đức quá phụ thuộc vào Trung Quốc, rằng các công ty lớn nhất của nước này quá phụ thuộc vào thị trường tỷ dân. Nếu bạn quay lại 10 năm trước, đó được coi là một thế mạnh, và bây giờ nó ngày càng được coi là một lỗ hổng”.
Đối với Mercedes, Burzer cho biết công ty này hoàn toàn tin tưởng vào các quyết định chiến lược gần đây của mình. “Chúng tôi có mối liên hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc về mặt sản phẩm và thị trường, và tất nhiên chúng tôi là người thúc đẩy thương mại toàn cầu. Những quyết định này bao gồm việc thúc đẩy nhiều xe điện hơn và chuẩn bị sản phẩm cho tương lai và theo điều kiện thị trường ở Trung Quốc và Mỹ”, Burzer nói. “Đây là những quyết định chính xác, cũng sẽ giúp chúng tôi thành công trong tương lai”.