Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022

Hoàng Lâm
Năm 2022 sắp qua đi với nhiều dấu ấn quan trọng của ngành ô tô Việt Nam. Nhiều chính sách mới, sự thay đổi xu hướng và sự kiện lớn của ngành đã diễn ra.

Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 1

Sau gần 20 năm, quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu chính thức được bãi bỏ từ ngày 1/10/2022 bởi các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.

Trước đây nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Mục đích của quy định này chính là để phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô (tính điểm theo mức độ rời rạc).

Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý; không gây phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và khoa học và công nghệ; bảo đảm được các điều ước và hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.

Đồng thời, việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.

Hiện nay, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại, để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Hơn nữa, việc ký kết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia như ATIGA, CPTPP, EVFTA… là cơ hội để các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn. Vì vậy, tại các nghị định, thông tư đã ban hành, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ rời rạc, đảm bảo phù hợp với thực tế.

Quốc hội thông qua thí điểm đấu giá biển số ô tô

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 2

Chiều 15/11/2022, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Thời gian thí điểm trong 3 năm, thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Theo Nghị quyết được thông qua, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen.

Biển số đưa ra đấu giá không bao gồm biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công an tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm công khai biển số xe ô tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.

Tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số xe ô tô của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đăng ký tham gia đấu giá. Biển số xe ô tô không được lựa chọn để đấu giá, biển số xe ô tô đấu giá không thành được chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định.

Vẫn theo Nghị quyết, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, áp dụng thống nhất trong cả nước; tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá; bước giá là 5 triệu đồng. Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến, với phương thức trả giá lên.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô và quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô.

Vấn nạn bán xe kiểu “bia kèm lạc” sắp tới sẽ bị cấm

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 3

Trong Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được trình ra Quốc hội chiều 25/10/202, theo điểm o, khoản 1, Điều 17, nêu rõ hành vi bị nghiêm cấm với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: “Yêu cầu người tiêu dùng phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như là điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng”. Điều này đồng nghĩa với việc nạn bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” gây nhức nhối thời gian qua sẽ chính thức bị nghiêm cấm.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với các tổ chức kinh doanh như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; Quấy rối thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Ép buộc mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn; Yêu cầu thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; Ngăn cản người tiêu dùng được kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Yêu cầu phải mua sản phẩm, hàng hóa…

Với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào năm 2023.

“Bia kèm lạc” là vấn nạn gây bức xúc lâu nay với người tiêu dùng Việt. Đây là hình thức bán xe ô tô mà người mua phải trả thêm một khoản tiền để sở hữu xe. Số tiền này có thể được chi cho các món phụ kiện đi kèm hoặc các chương trình gia hạn bảo hành… nhằm mục đích cuối cùng là nhận xe sớm, thay vì phải chờ đợi như số đông khách hàng khác.

Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 4

Đề xuất này được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính.

Thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Tuy nhiên, theo VCCI, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lại không chứng minh được là mang lại nhiều lợi ích xã hội.

Khác với bảo hiểm tự nguyện, loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không. Nhưng sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác như tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

Theo VCCI, so với biện pháp đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính cho người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường. Nhưng với số tiền 45 tỷ đồng, rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.

Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội như trên đã trình bày mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội. Quy định này cũng không trái với các luật, nghị định hiện hành.

Hiện Bộ Tài chính quy định giá niêm yết cho một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng mức giá 66.000 đồng một năm cho máy trên 50cc và 55.000 đồng cho xe dưới 50 cc. Tuy nhiên, việc số vụ bồi thường theo dạng này không nhiều cùng với phản ánh khó được chi trả của người dân đã khiến quy định này nhận nhiều phản ứng. Thậm chí, để đẩy mạnh việc bán bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp đã chi hoa hồng cho đại lý vượt ngưỡng cho phép.

VinFast mang “giấc mơ xe Việt” ra biển lớn

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 5

Sáng ngày 25/11/2022, tại Cảng MCP Port, thành phố Hải Phòng, VinFast đã tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên gồm 999 chiếc VF8 ra thị trường quốc tế. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam, lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất chính thức tiến ra thị trường thế giới.

Lô xe VinFast VF 8 xuất cảng với số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port – Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, thành phố Hải Phòng, lô xe sẽ cập cảng California, Mỹ và được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.

VinFast đã nhận được 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VF9 từ khắp nơi trên thế giới. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023. Đối với dòng xe VF9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý 1/2023.

Sự kiện xuất khẩu lô xe điện đầu tiên do Việt Nam làm chủ và sản xuất đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, không chỉ khẳng định đẳng cấp và trí tuệ Việt mà còn hiện thực hóa được khát vọng làm chủ công nghiệp ô tô của nhiều thế hệ cha anh, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Từ đây, Việt Nam chính thức cạnh tranh ngang bằng với các quốc gia phát triển trong ngành công nghiệp ô tô thế giới và khẳng định người Việt đã làm chủ được công nghiệp ô tô, không những thế còn là ô tô điện thông minh, đạt đẳng cấp xuất khẩu toàn cầu.

Vietnam Motor Show 2022 quay trở lại sau đại dịch Covid-19

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 6

Sau 2 năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự kiện thường niên của ngành ô tô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2022 chính thức trở lại.

Triển lãm ô tô Việt Nam 2022 tiếp tục diễn ra tại TP.HCM với sự góp mặt của 14 thương hiệu ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam, gồm: Audi, Brabus, Honda, Jeep, Lexus, Mercedes-Benz, Mitsubishi Motors, Morgan, MG, RAM, Subaru, Toyota, Volkswagen, Volvo.

Trong 5 ngày mở cửa chính thức cho khách tham quan, Vietnam Motor Show 2022 đã đón nhận gần 236.939 lượt khách hàng từ TP.HCM và các tỉnh, thành khác đến tham quan.

Theo thống kê trong 5 ngày diễn ra Triển lãm, đã có gần 2.000 xe được bán và hàng nghìn đơn đặt hàng cho các mẫu xe sắp được chào bán đang được giới thiệu tại Triển lãm. Đây là một minh chứng cho thấy nhu cầu, sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như toàn cảnh thị trường Việt Nam vẫn còn khá nhiều tiềm năng.

Bên cạnh các hãng ô tô, Vietnam Motor Show 2022 còn có sự tham gia trưng bày của gần 200 gian hàng công nghiệp hỗ trợ và các phương tiện vận chuyển khác như xe mô tô phân khối lớn, xe tải, xe điện du thuyền, phương tiện bay cá nhân cùng các khu trải nghiệm, biểu diễn ngoài trời, nâng tổng diện tích triển lãm lên đến 40.000m2.

Hyundai mở thêm nhà máy, sắp sản xuất xe điện tại Việt Nam

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 7

Khánh thành ngày 15/11, nhà máy thứ 2 của Hyundai Thành Công có diện tích nhà xưởng 87.000 m2 trên tổng diện tích đất 50 ha, với đường thử xe dài 1,5 km. Tổng công suất mỗi năm theo thiết kế là 100.000 xe. Đây là sự kiện quan trọng, là bước tiến mới trong việc nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng các dòng xe Hyundai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển chung của hai tập đoàn, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo kế hoạch của tập đoàn Hyundai Thành Công, nhà máy thứ hai sẽ chủ yếu xuất xưởng các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Đó sẽ là những sản phẩm điện hóa như xe hybrid và xe điện. Theo kế hoạch, sớm nhất là năm 2023, nhà máy sẽ sản xuất mẫu xe thuần điện Hyundai Ioniq 5.

Tại nhà máy thứ hai, hệ thống nhà xưởng được xây dựng với việc áp dụng công nghệ giúp giảm tiếng ồn, dây chuyền sản xuất trang bị công nghệ hiện đại, tự động hóa bằng robot của chính hãng Hyundai. Các quy trình sản xuất và lắp ráp cũng theo yêu cầu dựa trên nền tảng số hóa, công nghệ thông minh.

Toàn bộ hệ thống dữ liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng được quản lí bằng thời gian thực, kết nối với hệ thống kiểm soát chất lượng của Hyundai toàn cầu, nhằm đảm bảo chất lượng những chiếc xe được sản xuất tại HTMV2 tương đương như bất cứ nhà máy sản xuất ôtô Hyundai nào khác trên thế giới.

Tại Việt Nam hiện nay, Hyundai là hãng bán nhiều ôtô lắp ráp nhất. Cụ thể, trong năm 2021, doanh số xe lắp ráp của Hyundai là 60.401 chiếc. Hãng đang bán các sản phẩm như i10, Accent, Elantra, Creta, Tucson, Santa Fe, Kona. - BMW quay trở lại lắp ráp tại Việt Nam

Cùng với nhà máy số 1, nhà máy thứ 2 sẽ đưa tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng đạt mức 180.000 xe/năm, phục vụ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.

Các hãng đua nhau giới thiệu xe điện tại Việt Nam năm 2022

Những dấu ấn đáng nhớ của ngành ô tô Việt năm 2022 - Ảnh 8

Nhiều hãng xe đã giới thiệu và trưng bày các sản phẩm mới tại Vietnam Motor Show 2022 với số lượng áp đảo so với lần tổ chức mới nhất vào năm 2019.

Trong đó, có thể kể đến những cái tên như MG với bộ đôi Marvel R và MG4, Toyota với mẫu bZ4X mới nhất, Lexus cùng concept LF-Z Electrified. Đáng chú ý nhất là 2 sản phẩm được giới thiệu và chính thức thức bán ra của Audi và Mercedes-Benz gồm: e-tron SUV và EQS. Hiện các mẫu xe trên hầu hết chỉ mang tính trưng bày và thăm dò sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam, trong khi 2 mẫu xe Audi e-tron SUV và Mercedes-Benz EQS đã được giới thiệu và công bố chính thức bán ra tại thị trường trong nước.

Cuối tháng 4/2022, TC Group cùng đối tác Hyundai Motor cũng đã giới thiệu mẫu xe điện IONIQ 5 tại Việt Nam. Đây là mẫu xe thuần điện BEV với hệ thống pin sạc có dung lượng 72,6 KWh, khả năng di chuyển tối đa 450 km cho 1 lần sạc đầy. Đáng chú ý, pin của xe có thể sạc nhanh 10%-80% chỉ trong 18 phút với bộ sạc DC 350 KW và 56 phút với trạm sạc 50 KW để sạc từ 20%-80%. Nếu sử dụng bộ sạc tiêu chuẩn AC 10,9 KW sẽ mất 6,6 giờ sạc đầy 100% pin. Thông tin từ nhà phân phối cho biết sau khi chào bán mẫu xe điện IONIQ 5, hãng sẽ mở bán tiếp mẫu xe điện IONIQ 6 và IONIQ 7 trong thời gian tới.

Trước đó, Thaco cũng đã giới thiệu mẫu xe thuần điện Kia EV6 tại Việt Nam.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.