Sếp lớn của Porsche từ chức vì nợ nần và đấu đá quyền lực

Kiều Oanh
Nhà sản xuất xe hơi hạng sang Porsche của Đức vừa cho biết, CEO của hãng này đã từ chức sau 16 năm cầm quyền
Ông Wendelin Wiedeking.
Ông Wendelin Wiedeking.
Nhà sản xuất xe hơi hạng sang Porsche của Đức vừa cho biết, giám đốc điều hành (CEO) của hãng này là Wendelin Wiedeking đã từ chức sau 16 năm cầm quyền.

Quyết định từ chức có hiệu lực ngay lập tức này được giới quan sát xem là có tác dụng mở đường cho sự sáp nhập giữa Porsche với hãng xe lớn nhất châu Âu Volskwagen.

Cùng từ chức với ông Weideking còn có giám đốc tài chính của Porsche là Holger Haerter.

Tuyên bố về vụ từ chức của hai quan chức hàng đầu của Porsche được hãng xe này công bố giữa lúc Porsche và Volkswagen gặp gỡ để bàn về kế hoạch sáp nhập giữa hai hãng và việc tìm kiếm những nhà đầu tư mới.

Trong thời gian cầm quyền tại Porsche, CEO Wiedeking đã phản đối việc bán lại bộ phận sản xuất ôtô của hãng cho Volkswagen - hãng xe có sản lượng trong một tuần nhiều hơn sản lượng của Porsche trong cả một năm. Thay vào đó, từ năm 2005 tới nay, ông ra sức tích lũy cổ phiếu của Volkswagen, nâng cổ phần của Porsche tại hãng này lên hơn 50% và có quyền chọn để mua thêm cổ phần 20% nữa.

Với những nỗ lực mua lại này, số tiền vay nợ của Porsche đã phình lên mức 10 tỷ Euro, tương đương 14,2 tỷ USD, buộc Wiedeking phải trả hãng xe về cho những người chủ của hãng xe là hai gia đình Piech và Porsche.

Vụ từ chức của CEO Wiedeking cũng chính thức đặt dấu chấm hết cho trận chiến quyền lực giữa ông và Chủ tịch Ferdinand Piech của Volkswagen. “Wiedeking đã chia rẽ hai gia đình sở hữu hãng Porsche và gây ra những trở ngại lớn trong việc hợp nhất hãng xe này với Volkswagen”, ông Stefan Bratzel, người đứng đầu Viện Nghiên cứu ôtô ở Bergisch Gladbach, Đức, nhận xét.

Porsche cho hay, hợp đồng lao động của Wiedeking với hãng quy định, lương của vị CEO này chiếm 0,9% lợi nhuận trước thuế của hãng. Dựa trên mức lợi nhuận trước thuế 8,57 tỷ Euro của Porsche trong thời kỳ 1 năm tính tới tháng 7 này, Wiedeking đã nhận được mức lương khoảng 77 triệu Euro trong 1 năm qua, cao hơn lương của bất kỳ giám đốc công ty này thuộc chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức.

Cũng theo Porsche, gói bồi thường thôi việc cho Wiedeking là 50 triệu Euro, còn cho giám đốc tài chính Haertner sẽ là 12,5 triệu Euro.

Người thay thế cho Wiedeking ở vị trí CEO của Porsche sẽ là ông Michael Macht, một thành viên chịu trách nhiệm về vấn đề sản xuất trong hội đồng quản trị của hãng.

Năm nay 56 tuổi, Wiedeking gia nhập Porsche vào năm 1983. Ông đã từng rời hãng xe này vào năm 1988, nhưng sau đó trở lại vào năm 1991 và trở thành CEO tại đây vào năm 1993, khi hãng xe này ngấp nghé bờ vực phá sản.

Sau đó, Wiedeking đã giúp đưa Porsche trở thành một trong những hãng xe có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Porsche cho hay, nhu cầu đối với xe do hãng sản xuất đang chịu tác động tiêu cực từ suy thoái toàn cầu. Trong thời kỳ từ tháng 8/2008-4/2009, doanh số toàn cầu của Porsche chỉ còn 53.635 xe, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Hai gia đình sở hữu hãng Porsche hiện đang tìm cách huy động vốn mới và kêu gọi các nhà đầu tư đến từ Qatar rót vốn nhằm cải thiện bảng cân đối kế toán. Porsche cho hay, họ sẽ tăng vốn thêm ít nhất 5 tỷ Euro, tương đương trên 7 tỷ USD, đồng thời sẽ tổ chức đàm phán với phía Qatar về việc bán lại cổ phần.

(Theo BBC, Bloomberg)

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.