Toyota đối mặt án phạt kỷ lục tại Mỹ

Kiều Oanh
Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) đang tìm cách buộc nhà sản xuất ôtô Toyota phải nộp phạt 16,4 triệu USD
Toyota đang phải đương đầu với vụ thu hồi hơn 8 triệu xe trên toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Toyota đang phải đương đầu với vụ thu hồi hơn 8 triệu xe trên toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) đang tìm cách buộc nhà sản xuất ôtô Toyota phải nộp phạt 16,4 triệu USD. Lý do khiến hãng xe lớn nhất thế giới đối mặt án phạt này, theo NHTSA, là đã cố tình che giấu các nhà chức trách về lỗi chân ga trong vòng ít nhất 4 tháng.

Theo NHTSA, các tài liệu thu thập được từ Toyota cho thấy, hãng xe Nhật đã biết rõ những rắc rối ở chân ga của xe ít nhất từ tháng 9/2009, nhưng đã giấu nhẹm. Lỗi chân ga là một trong những lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng thu hồi hơn 8 triệu xe trên toàn cầu mà Toyota đang phải đương đầu.

CNN cho hay, luật liên bang Mỹ quy định, các hãng sản xuất ôtô phải có trách nhiệm thông báo lên NHTSA về bất kỳ sự cố nào liên quan tới tình trạng an toàn của sản phẩm trong vòng 5 ngày kể từ khi vấn đề đó được xác định.

“Chúng tôi đã có bằng chứng cho thấy Toyota không tuân thủ các nghĩa vụ luật pháp. Tệ hơn, họ đã che đậy có chủ ý một lỗi nguy hiểm suốt mấy tháng mà không có hành động gì để bảo vệ hàng triệu người sử dụng xe và gia đình của họ. Vì những lý do này, chúng tôi sẽ buộc Toyota phải chịu mức án phạt cao nhất theo pháp luật hiện hành”, CNN dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Mỹ Ray LaHood.

NHTSA cho hay, họ vẫn đang trong quá trình điều tra để xác định xem liệu Toyota còn có những vi phạm nào khác để gia tăng án phạt. Theo luật liên bang Mỹ hiện nay, khoản tiền phạt 16,4 triệu USD là mức tối đa mà một hãng sản xuất ôtô có thể phải chịu cho một hành vi vi phạm bất kỳ.

Về phần mình, Toyota cho biết họ vẫn chưa nhận được một thông báo nào từ các nhà chức trách về án phạt trên. Tuy nhiên, với thái độ “hối lỗi”, Toyota tuyên bố họ đã bắt đầu giải quyết những lo ngại của NHTSA.

“Chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để tăng cường trao đổi thông tin với các nhà chức trách và người tiêu dùng về các vấn đề liên quan tới an toàn. Đây là một phần trong cam kết chung đã được tăng cường của chúng tôi đối với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm”, bản tuyên bố của Toyota có đoạn viết.

Trong tuyên bố này, Toyota cho biết đã bổ nhiệm một giám đốc phụ trách chất lượng mới cho thị trường Bắc Mỹ và tăng cường vai trò cho chi nhánh của hãng tại khu vực này trong việc đưa ra các quyết định về an toàn xe.

Trong trường hợp Toyota bị lãnh án phạt nói trên, thì đây sẽ là mức phạt lớn chưa từng có trong lĩnh vực ôtô tại Mỹ. Án phạt lớn nhất tới thời điểm này mới là mức 1 triệu USD mà hãng General Motors (GM) phải nộp phạt vì không kịp thời giải quyết lỗi cần gạt nước hồi năm 2004. Trước đó, NHTSA muốn GM phải nộp phạt 3 triệu USD vì lỗi này.

CNN dẫn ý kiến của một số chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp ôtô cho rằng, Toyota có thể phản đối mức phạt mà NHTSA đưa ra và chất vấn vì sao NHTSA có thể đưa ra mức phạt kỷ lục như thế, nhất là trong tương quan so sánh với án phạt trước đây dành cho GM.

Tuy nhiên, cũng có thể Toyota sẽ “ngoan ngoãn” chấp nhận mức án này để tránh những rắc rối về sau, vì xét cho cùng, khoản tiền hơn 16 triệu USD là quá nhỏ đối với hãng xe số 1 thế giới.

Giới phân tích còn nhận định, Toyota có thể sẽ phải lãnh những mức phạt tối đa nữa đối với các vi phạm khác, chẳng hạn như trong vụ thu hồi xe vì lỗi ở thảm sàn xe. Theo các nhà chuyên môn, NHTSA đang chịu áp lực chính trị lớn buộc họ phải tỏ ra nghiêm khắc với Toyota.

Trong tài liệu nộp lên NHTSA, Toyota cho biết, ban đầu họ không hề biết chân ga bị kẹt là một vấn đề an toàn thực sự. Theo hãng xe này, ở thời điểm đó, họ cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, chân ga chỉ mắc kẹt khoảng 1 inch và người lái vẫn có thể dễ dàng kiểm soát được tình hình bằng cách dùng tới phanh.

Theo CNN, giới phân tích nhận định, với thông tin này, Toyota có thể kháng án. Luật Mỹ quy định nhà sản xuất ôtô có thời gian 5 ngày để xác định lỗi an toàn đang tồn tại và thông báo lỗi đó. Trong trường hợp Toyota không xem vấn đề ở chân ga là lỗi an toàn, thì hãng xe này có thể không bị xem là phạm luật nếu không báo tin lên nhà chức trách.

Tin mới

Nữ chủ nhân Nissan Almera: “Cách cảm về xe của chúng tôi khác hẳn nam giới”

Nữ chủ nhân Nissan Almera: “Cách cảm về xe của chúng tôi khác hẳn nam giới”

Phụ nữ Việt hiện đại đang ngày càng thể hiện cá tính, sự độc lập của bản thân nhiều hơn và không ngừng tìm kiếm những giá trị tốt nhất. Vì vậy, một chiếc xe hơi, để có thể “chinh phục” được một nữ khách hàng cũng sẽ phải mang lại những giá trị cốt lõi một cách nhẹ nhàng, tinh tế.
Giá lithium lao dốc, thị trường xe điện thế giới sụt giảm

Giá lithium lao dốc, thị trường xe điện thế giới sụt giảm

Giá lithium đang giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua do nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với vật liệu này, thành phần chính trong pin xe điện. Sự biến động của giá lithium đã có những tác động không nhỏ tới thị trường xe điện toàn cầu.
Nhật Bản siết lệnh cấm bán ô tô cũ sang Nga, cắt thị trường tỷ USD mỗi năm

Nhật Bản siết lệnh cấm bán ô tô cũ sang Nga, cắt thị trường tỷ USD mỗi năm

Nhu cầu của Nga đối với ô tô cũ từ Nhật Bản tăng mạnh sau khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu rút lui sau cuộc tấn công Ukraine của Moscow. Vấn đề đáng chú ý là các lệnh trừng phạt mới của Nhật Bản đã cắt đứt kênh sinh lợi cho mạng lưới các nhà môi giới và các cảng nhỏ hơn chuyên kinh doanh xe Toyota, Honda và Nissan đã qua sử dụng.
Cuộc đình công lịch sử và cú sốc của ngành ô tô Mỹ

Cuộc đình công lịch sử và cú sốc của ngành ô tô Mỹ

Lần đầu tiên trong lịch sử gần 90 năm của Nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW), công đoàn ngành ô tô đã đình công chống lại cả ba nhà sản xuất ô tô lớn ở Detroit cùng lúc là General Motors, Ford Motor và Stellantis, công ty mẹ của Chrysler.