13:54 01/08/2022

Bài 2: Ngành thép châu Âu có sụp đổ nếu thiếu khí đốt Nga?

Ngọc Trang

Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, trong khi ngành công nghiệp sản xuất thép của khu vực này phụ thuộc lớn vào khí đốt giá rẻ từ Nga...

Ngành sản xuất thép của châu Âu sẽ không thể vận hành nếu không có khí đốt Nga - Ảnh: File Photo
Ngành sản xuất thép của châu Âu sẽ không thể vận hành nếu không có khí đốt Nga - Ảnh: File Photo

Cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu ngày càng trở nên trầm trọng khi nguồn cung từ Nga liên tục bị siết lại. Trong động thái mới nhất, Nga đã giảm lượng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 cho Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – xuống chỉ còn 20% công suất.

Theo các nhà phân tích, nếu Nga dừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho châu Âu, một loạt ngành công nghiệp quan trọng của khu vực này, bao gồm thép, hóa dầu… có thể rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.

Trong đó, thép là một ngành công nghiệp quan trọng với nền kinh tế khu vực này. Liên minh châu Âu (EU) là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 

CƠN ĐỊA CHẤN VỚI NGÀNH THÉP CHÂU ÂU

Mỗi năm, EU sản xuất bình quân 170 triệu tấn thép thô. Ngành thép EU có doanh thu hàng năm là 166 tỷ Euro (tương đương gần 170 tỷ USD), chiếm 1,3% GDP của khối, mang lại hơn 300.000 việc làm trực tiếp và hàng trăm nghìn việc làm gián tiếp.

Theo Financial Times, từ lâu, một nền tảng quan trọng cho sự vận hành của ngành thép châu Âu là khí đốt giá rẻ từ Nga. Tuy nhiên, giá khí đốt cao đã khiến giá thép và chi phí sản xuất mặt hàng tại khu vực này tăng vọt. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải nhân sự để ứng phó với khủng hoảng.

Kể từ sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 dẫn tới một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga, nhiều nhà sản xuất thép ở châu Âu đã bày tỏ quan ngại về sự gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Sỹ UBS, việc mất nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga có thể gây ra một cuộc suy thoái trầm trọng ở châu Âu và và khiến GDP của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) giảm ít nhất 6% trong năm 2022.

Khí đốt là nguyên liệu đầu vào quan trọng với các nhà sản xuất thép ở châu Âu. Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) cảnh báo rằng việc nguồn cung khí đốt bị gián đoạn có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp thép của EU nếu như không có nguồn cung ứng thay thế.

“Ngành sản xuất thép của châu Âu sẽ không thể vận hành nếu không có khí đốt Nga”, ông Hans Jürgen Kerkhoff, Chủ tịch Hiệp hội Thép Đức, cho biết vào cuối tháng 3. “Việc mất nguồn cung khí đốt Nga sẽ không chỉ gây ra gián đoạn sản xuất của ngành thép mà còn gây ra địa chấn với các hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung ở Đức và EU. Những hậu quả đối với Đức – một trung tâm công nghiệp của châu Âu – có tạo ra những gánh nặng trong dài hạn”.

Hiện Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Pháp, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan. Nước này gần đây giảm cung cấp khí đốt cho Đức và Italy với lý do kỹ thuật và các biện pháp trừng phạt.

NGUY CƠ GÂY HIỆU ỨNG DÂY CHUYỀN

Nền kinh tế Đức phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga và nước này cũng là một trung tâm trung chuyển khí đốt sang Áo, Cộng hòa Séc và Ukraine. Ngành công nghiệp của Đức cũng sản xuất vật liệu thô và phụ kiện, từ thép, kính cho tới hóa chất – những vật liệu quan trọng với các nhà sản xuất trên khắp châu Âu.

Đức sản xuất khoảng 40 triệu tấn thép thô mỗi năm và là nhà sản xuất thép lớn nhất EU, lớn thứ 8 trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, việc mất đi nguồn khí đốt từ Nga sẽ là một thảm họa với các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt của Đức, trong đó có ngành thép. Nhiều công ty sẽ phải ngừng sản xuất và hàng trăm nghìn người sẽ mất việc, gây ra hiệu ứng dây chuyền tới các ngành công nghiệp khác.

 

Với những doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng chỉ dùng được khí đốt, hoặc những doanh nghiệp dùng khí đốt như nguyên liệu thô, không có lựa chọn thay thế.

Sau một loạt động thái giảm cung cấp khí đốt của Nga gần đây, Đức đã nâng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt khí đốt lên mức 2 trên thang cảnh báo 3 bậc, tiến gần hơn tới quyết định phân phối khí đốt theo định mức. Berlin lo ngại rằng cuộc khủng hoảng khí đốt trong mùa đông tới có thể làm tê liệt ngành công nghiệp mùa đông và khiến hàng triệu người dân nước này rét cóng trong nhà.

Nếu Chính phủ Đức buộc phải phân phối khí đốt theo định mức, các hộ gia đình và những tổ chức thiết yếu như bệnh viện sẽ được ưu tiên cung ứng khí đốt. Điều này có thể khiến ngành công nghiệp thép nói riêng và các ngành sản xuất ở Đức đối mặt nguy cơ thiếu hụt khí đốt trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, một số công ty đang tìm cách thay thế khí đốt bằng nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng chỉ dùng được khí đốt, hoặc những doanh nghiệp dùng khí đốt như nguyên liệu thô, không có lựa chọn thay thế.

Nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức, ThyssenKrupp, cho biết không thể chuyển đổi quy trình sản xuất từ khí đốt tự nhiên sang dầu thô hoặc than đá. Hãng này gần đây cảnh báo rằng việc thiếu khí đốt có thể khiến công ty phải dừng hoạt động các lò luyện sắt và chịu thiệt hại lớn về kỹ thuật. 

Nguy cơ mất đi nguồn cung khí đốt không phải là mối lo duy nhất của các doanh nghiệp tại châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng gấp 8 lần trong 18 tháng qua, từ khoảng 20 Euro/megawatt giờ lên trên 160 Euro/ megawatt giờ. Chỉ trong một tháng qua, giá đã tăng gấp đôi, khiếu nhiều doanh nghiệp sản xuất tại khu vực này cảnh báo rằng nhiều khả năng họ sẽ không thể tiếp tục hoạt động với mức giá đó.

 “Một mối nguy giờ đây là chúng ta không thể sản xuất mặt hàng nào đó ở Đức nữa không chỉ vì không có khí đốt mà còn vì chi phí năng lượng quá cao khiến cho mặt hàng đó mất đi tính cạnh tranh”, ông Jörg Rothermel của Hiệp hội Hóa chất Đức (VCI) cho biết.

Trước áp lực giá khí đốt, nhiều nhà sản xuất thép ở châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất. Hồi tháng 3, hãng thép Tây Ban Nha Acerinox phải dừng hoạt động tại một số nhà máy và triển khai chương trình cắt giảm nhân sự đối với 1.800 nhân viên.

Theo Wall Street Journal, một số nhà sản xuất thép ở châu Âu có nguy cơ phải dừng hoạt động vì khó cạnh tranh với các nhà sản xuất ở Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác – nơi có giá năng lượng thấp hơn nhiều so với châu Âu. Tình càng thêm bi đát khi châu Âu đang chứng kiến lạm phát cao kỷ lục nhiều năm, làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Mời quý độc giả đón đọc bài 3: “Khủng hoảng khí đốt dồn ngành công nghiệp hoá chất Đức vào chân tường”, trong loạt bài cùng chủ đề: "Khủng hoảng năng lượng và ảnh hưởng đến kinh tế châu Âu"