Bài 3: Khủng hoảng khí đốt dồn ngành công nghiệp hoá chất Đức vào chân tường
Cuối tháng 7, hãng hoá chất lớn nhất thế giới BASF tuyên bố phải cắt giảm thêm sản lượng ammonia do giá khí đốt tăng quá mạnh. Tuyên bố này gây lo ngại cho nhiều đối tượng ở khắp nơi trên thế giới, từ các chủ nông trại cho tới các công ty sản xuất đồ uống...
Hoá chất là một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu trong cuộc chiến khí đốt giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU). Không chỉ đặt các nhà máy hoá chất ở khu vực này trước nguy cơ ngừng hoạt động, cuộc khủng hoảng này còn có ảnh hưởng lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Cuối tháng 7, công ty Đức BASF – hãng hoá chất lớn nhất thế giới – tuyên bố phải cắt giảm thêm sản lượng ammonia do giá khí đốt tăng quá mạnh. Tuyên bố này của BASF gây lo ngại cho nhiều đối tượng ở khắp nơi trên thế giới, từ các chủ nông trại cho tới các công ty sản xuất đồ uống.
KHỦNG HOẢNG KHÍ ĐỐT, KHỦNG HOẢNG AMMONIA
Nhà sản xuất ammonia lớn nhất của Đức SKW Piesteritz và hãng lớn thứ tư Ineos cũng nói rằng họ không thể loại trừ khả năng phải cắt giảm sản lượng, trong bối cảnh nước Đức vật lộn với nguồn cung khí đốt Nga ngày càng “teo” lại. Khí đốt có thể chiếm tới 85% giá thành sản xuất ammonia – theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, ammonia là nguyên vật liệu đầu vào chủ chốt cho việc sản xuất nhiều sản phẩm từ phân bón và nhựa cho tới dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel (DEF). Quy trình sản xuất ammonia tạo ra sản phẩm phụ là khí CO2 có độ tinh khiết cao - loại khí cần thiết cho các công ty chế biến thịt và sản xuất đồ uống có gas.
“Việc sản xuất ammonia đang ở trong một tình thế khó khăn. Năm tới, mức độ sẵn có của phân bón có thể suy giảm hơn nữa. Giá phân bón sẽ tăng vọt”.
CEO Martin Brudermuller của BASF
“Chúng tôi phải cắt giảm sản lượng tại các nhà máy tiêu thụ lượng lớn khí đốt, chẳng hạn các nhà máy ammonia”, CEO Martin Brudermuller của BASF cho biết. Ông nói thêm rằng BASF sẽ phải mua thêm ammonia từ các nhà cung cấp bên ngoài để bù đắp sự thiếu hụt, nhưng cảnh báo rằng nông dân sẽ đối mặt với giá phân bón tăng mạnh trong năm tới.
“Việc sản xuất ammonia đang ở trong một tình thế khó khăn. Năm tới, mức độ sẵn có của phân bón có thể suy giảm hơn nữa. Giá phân bón sẽ tăng vọt”, ông Brudermuller nói và nhấn mạnh rằng điều này có thể đồng nghĩa với sản lượng lương thực thấp hơn trong năm tới, đặt ra thách thức đặc biệt lớn cho các nước nghèo hơn nằm ở cuối chuỗi cung ứng lương thực-thực phẩm.
Các dây chuyển sản xuất khí tổng hợp (syngas) nguyên liệu thô - một loại hỗn hợp của carbon monoxide và hydrogen – và acetylene hoá dầu cơ bản cũng đang đứng trước khả năng phải giảm hoạt động để tiết kiệm khí đốt, vị CEO cho biết.
Không giống như nhiều nước châu Âu khác, Đức hiện chưa có cảng khí hoá lỏng (LNG) nào để thay thế Nga nhập khẩu qua đường ống. Điều này có nghĩa là các công ty Đức đang chịu áp lực chính trị và kinh tế rất lớn phải cắt giảm các hoạt động sử dụng nhiều khí đốt nếu nguồn cung tiếp tục giảm.
Từ tuần trước, lượng khí đốt mà Nga bơm cho Đức hàng ngày qua Nord Stream 1 - đường ống nối trực tiếp giữa hai nước – đã giảm về mức chỉ còn 20% công suất của đường ống. Cũng trong tuần trước, các nước trong EU đã phê chuẩn một kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt, trong đó tính đến khả năng chia khẩu phần khí đốt nếu nguồn cung giảm đến một mức thấp nhất định. Trong trường hợp đó, các nhà máy sẽ là một trong những đối tượng đầu tiên bị áp khẩu phần, và các công ty khí đốt sẽ được phép tăng giá bán khí đốt cho khách hàng để tránh thua lỗ nghiêm trọng.
BASF đã giảm sản lượng ammonia từ tháng 9 năm ngoái do giá khí đốt tăng mạnh, tại cả khu phức hợp khổng lồ nơi hãng đặt trụ sở ở Ludwigshafen, Đức, và tại một khu phức hợp lớn khác ở vùng Antwerf, Bỉ.
Công ty phân bón khổng lồ Yara, sở hữu cơ sở sản xuất ammonia lớn thứ ba ở Đức tại thị trấn Brunsbuettel thuộc miền Bắc nước này, cho biết sản lượng ammonia của công ty trên toàn châu Âu hiện đang thấp hơn 27% so với công suất, mà nguyên nhân là giá khí đốt tăng mạnh. Yara không đưa ra một con số cụ thể về sản lượng ammonia ở Brunsbuettel, chỉ nói rằng nhà máy tại đây hiện không cung cấp khí CO2 có độ tinh khiết cao.
Về phần mình, SKW cho biết đang trong quy trình nối lại toàn bộ hoạt động sản xuất sau một thời kỳ đóng cửa để bảo trì, nhưng công suất hoạt động sắp tới là một điều cực kỳ khó đoán.
MỌI GIẢI PHÁP ĐỀU KHÓ
Các công ty hoá chất là các nhà sử dụng khí đốt tự nhiên trong công nghiệp lớn nhất ở Đức, chiếm 15% tổng nhu cầu khí đốt ở nước này, còn ammonia là sản phẩm đòi hỏi nhiều khí đốt nhất trong ngành này.
Khu phức hợp của BASF ở Ludwigshafen là tổ hợp hoá chất lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của một công ty duy nhất. Cơ sở này chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu khí đốt của Đức. BASF sử dụng khoảng 60% khí đốt mà công ty tiêu thụ để phát điện, và 40% còn lại làm nguyên liệu thô để sản xuất các hoá chất cơ bản quan trọng.
BASF đã cảnh báo rằng nếu nguồn cung khí đốt giảm quá nửa trong một thời gian dài, công ty sẽ phải đóng cửa cơ sở Ludwigshafen. “Nếu nguồn cung khí đốt giảm nhiều và kéo dài xuống dưới 50%, chúng tôi sẽ phải đóng cửa cơ sở sản xuất này và chỉ duy trì các tiêu chuẩn an toàn cần thiết. Nhân tố quyết định ở đây là nguồn cung khí đốt Nga sẽ siết chặt trong bao lâu và Đức có thể đưa ra các giải pháp thay thế nhanh tới mức nào”, một phát ngôn viên của BASF nói.
Nhân tố quyết định ở đây là nguồn cung khí đốt Nga sẽ siết chặt trong bao lâu và Đức có thể đưa ra các giải pháp thay thế nhanh tới mức nào”.
BASF
Nếu giảm sản lượng ammonia, BASF và các công ty hoá chất khác ở châu Âu có thể mất thị phần vào tay các nhà sản xuất nước ngoài được tiếp cận với nguồn khí đốt giá rẻ. Trong phạm vi toàn ngành hoá chất ở châu Âu, chi phí sản xuất ammonia trong quý 1 năm nay đã tăng gấp 5 lần so với mức bình quân của năm 2019 và cao hơn nhiều so với ở các khu vực khác trên thế giới – theo dữ liệu của Boston Consultin Group.
Các công ty hoá chất Đức cũng có thể phải chấp nhận tiền bồi thường của Chính phủ nếu Berlin áp chương trình chia khẩu phần khí đốt để khuyến khích doanh nghiệp cắt giảm sản xuất một cách nhanh chóng nhằm cân bằng nguồn cung khí đốt eo hẹp.
Nhà quản lý quỹ Arne Rautenberg của Union Investment nói rằng sản xuất ammonia sẽ là một “ứng cử viên” số 1 cho việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt ở châu Âu trong những tháng tới đây. “Ở bán cầu Bắc, phân bón nitrogen được sử dụng chủ yếu trong mùa xuân. Loại phân bón này có thể được sản xuất ở Mỹ và vận chuyển tới châu Âu”, ông Rautenberg phát biểu, nói thêm rằng nguồn cung CO2 cho công nghiệp thực phẩm có thể sẽ là một vấn đề gai góc.
Từ trước chiến tranh ở Ukraine, sản lượng ammonia đã giảm trong năm ngoái do giá khí đốt ở Anh tăng vọt, dẫn tới sự khan hiếm khí CO2 tinh khiết dùng cho công nghiệp chế biến thịt và sản xuất đồ uống. Tình trạng đó buộc Chính phủ Anh hồi tháng 9 phê chuẩn hỗ tợ tài chính cho nhà sản xuất ammonia CF Industries để công ty này nối lại sản xuất.
Trong một cảnh báo đưa ra hồi trung tuần tháng 7, hiệp hội ngành hoá chất Đức VCI nói rằng doanh nghiệp trong hiệp hội đã làm tất cả những gì có thể để tiết kiệm khí đốt và những giải pháp còn lại chỉ là giảm sản lượng thật mạnh hoặc ngừng luôn sản xuất. “Các công ty chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể làm để tiết kiệm khí đốt tối đa có thể. Nhưng chúng tôi không thể tiết kiệm thêm nhiều khí đốt, vì trong những năm gần đây, chúng tôi đã làm hiệu quả việc này rồi”, CEO Wolfgang Grosse Entrup của VCI nói.
Theo dữ liệu từ Statista, trong năm 2019, công nghiệp hoá chất Đức sử dụng gần 390.000 lao động. BASF hiện có khoảng 39.000 lao động tại Đức.
BASF hiện đang tìm cách dùng dầu FO để thay thế khí đốt nhiều nhất có thể. Công ty nói rằng việc phát điện và hơi nước cho các nhà máy trong khu phức hợp Ludwigshafen có thể dịch chuyển một phần sang dầu FO, giúp thay thế khoảng 15% nhu cầu khí đốt.
Tuy nhiên, việc tiết kiệm khí đốt trong ngành công nghiệp hoá chất nói chung hiện đáng bị hạn chế bởi vấn đề công nghệ. Chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh hay nhiên liệu sinh học sẽ không đủ để thay thế năng lượng hoá thạch trên quy mô lớn – theo các nhà phân tích.
BASF cũng đang tính đến một giải pháp khác là tăng cường sản xuất ngoài châu Âu để bù đắp cho sự mất mát sản lượng trong nước. Hãng có các cơ sở lớn ở Louisiana và Texas, Mỹ, và ở Trung Quốc.
Trong quý 2 năm nay, hoá đơn khí đốt của BASF tăng thêm 800 triệu Euro, tương đương tăng khoảng 810 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái. BASF đã phải tăng giá bán sản phẩm và dự kiến tiếp tục tăng giá để bù đắp chi phí này.
Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, BASF nâng triển vọng cả năm, nhưng cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc do chiến tranh Nga-Ukraine và ảnh hưởng của cuộc chiến này đến giá năng lượng và nguyên vật liệu thô. “Trong nửa sau năm nay, BASF dự báo kinh tế toàn cầu dần giảm tốc, thể hiện rõ rệt hơn ở châu Âu”, CEO Brudermuller nói.
Mời quý độc giả đón đọc bài 4: "Châu Âu lao đao vì thiếu điện giữa khủng hoảng khí đốt", trong loạt bài cùng chủ đề: "Khủng hoảng năng lượng và ảnh hưởng đến kinh tế châu Âu"