13:27 09/11/2023

Giá thịt lợn lao dốc, áp lực giảm phát lại đè nặng lên Trung Quốc

Bình Minh

Những số liệu mới nhất này một lần nữa phủ bóng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc lại rơi vào trạng thái giảm và giá nhà sản xuất giữ xu hướng giảm trong tháng 10 vừa qua, khi nhu cầu tại nước này tiếp tục trong tình trạng yếu. Những số liệu mới nhất này một lần nữa phủ bóng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu do Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 0,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

CPI toàn phần bị kéo tụt bởi giá thịt lợn giảm sâu. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 10 giảm 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 22% ghi nhận trong tháng 9, do nguồn cung lợn tăng cao và nhu cầu yếu.

Tuy nhiên, ngay cả CPI lõi - chỉ số không bao gồm giá thực phẩm và xăng dầu - chỉ tăng 0,6% trong tháng 10, thấp hơn mức tăng 0,8% của tháng 9. Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục đương đầu với áp lực giảm phát và có khả năng không đạt được mục tiêu lạm phát cả năm khoảng 3% mà Chính phủ nước này đề ra.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã rơi vào giảm phát trong tháng 7, trước khi tăng trở lại trong tháng 8 và đi ngang trong tháng 9. Giá nhà sản xuất đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp tính đến tháng 10.

Cùng với các chỉ số kinh tế khác, dữ liệu lạm phát tháng 10 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này chưa có được sự phục hồi rõ ràng.

“Chống giảm phát trong bối cảnh nhu cầu yếu vẫn là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của công ty Jones Lang LaSalle nhận định với hãng tin Reuters. “Trung Quốc cần có một công thức chính sách phù hợp và thêm các biện pháp hỗ trợ để ngăn nền kinh tế rơi vào một vòng xoáy đi xuống của kỳ vọng lạm phát - điều có thể đe doạ niềm tin kinh doanh và chi tiêu của các hộ gia đình”.

So với tháng trước, CPI toàn phần tháng 10 giảm 0,1%, sau khi tăng 0,2% trong tháng 9.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2,5% trong tháng 9. Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo mức giảm PPI tháng 10 là 2,7%.

Trong các phát biểu công khai, giới chức Trung Quốc không cho rằng rủi ro giảm phát ở nước này là nghiêm trọng. “Hiện tại không có giảm phát ở Trung Quốc và trong tương lai cũng không có”, một quan chức NBS phát nói hồi tháng 8.

Trung Quốc thời gian qua đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 137 tỷ USD, trái phiếu chính phủ và cho phép các chính quyền địa phương sử dụng trước một phần hạn mức phát hành trái phiếu của năm 2024. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản, rủi ro nợ của các địa phương, và sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc với phương Tây đang khiến cho tiến trình phục hồi của nền kinh tế gặp nhiều trở ngại.

Các chỉ số kinh tế Trung Quốc gần đây cho thấy xu hướng thiếu rõ ràng. Nhập khẩu bất ngờ tăng trong tháng 10 nhưng xuất khẩu giảm mạnh hơn tháng trước. Trong khi đó, chỉ số giá quản trị mua hàng (PMI) chính thức cho thấy hoạt động của các nhà máy bất ngờ giảm và ngành dịch vụ tăng trưởng chậm lại trong tháng 10. Trung Quốc cũng có quý đầu tiên từ trước đến nay chứng kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm - một dấu hiệu của dòng vốn chảy khỏi nước này trong bối cảnh các nước phương Tây kêu gọi doanh nghiệp “giảm rủi ro”.

“Chúng tôi dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm 2023, bằng mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra, tiếp đó sẽ tưang 4% trong năm 2024 và 2025”, một báo cáo ngày 9/11 của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rủi ro suy giảm đối với xu hướng tăng trưởng của Trung Quốc do các yếu tố mang tính cơ cấu”.