Nhiều vướng mắc trong thực hiện cam kết WTO về đầu tư
Việc thực hiện các cam kết WTO liên quan đến đầu tư thời gian qua vẫn còn khá nhiều vướng mắc mới phát sinh
Việc thực hiện các cam kết WTO liên quan đến đầu tư thời gian qua vẫn còn khá nhiều vướng mắc mới phát sinh.
Hàng loạt các quan ngại về một số thực tiễn triển khai theo các cam kết WTO liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được thẳng thắn đề cập tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho Nghị định quy định chi tiết thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO phối hợp tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
Từ lỗi của cơ quan quản lý...
Có một nhận định chung được khẳng định, đó là việc thực hiện theo biểu cam kết có nhiều vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp cũng như các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư phản ánh ngôn ngữ trong biểu cam kết khó hiểu. Đơn cử như việc hiểu ngôn ngữ “không cam kết”, “không hạn chế” như thế nào vẫn có những ý kiến khác nhau và thậm chí không thống nhất cách hiểu ngay trong thành viên đoàn đàm phán.
Thứ hai, trong biểu cam kết về dịch vụ, rất nhiều ngành của chúng ta đưa ra các điều kiện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn so với luật pháp hiện hành của Việt Nam. Trên thực tế, trong một số ngành trước khi gia nhập WTO, chúng ta đã mở cửa với mức độ rất cao, không hạn chế phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo quy định của biểu cam kết này thì chúng ta hạn chế lại. Ví dụ như trong ngành dịch vụ giáo dục, y tế thì đến ngày 1/1/2009, nhà đầu tư nước ngoài mới được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, từ chục năm nay, chúng ta đã cho phép hình thức này. Thậm chí đối với dịch vụ giáo dục, Việt Nam còn đặc biệt khuyến khích đầu tư và dành nhiều ưu đãi.
Cái khó đặt ra ở đây là chúng ta sẽ áp dụng cam kết như thế nào? Theo thực trạng pháp luật hiện hành hay áp dụng theo cam kết. Hiện nay, các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư ở các địa phương không có phương án xử lý cụ thể vấn đề này. Do đó, nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp “an toàn” là từ chối cấp phép.
Một điểm khác nữa cũng gặp khó khăn là theo quy định một nước thành viên chỉ có nghĩa vụ mở các ngành dịch vụ được quy định tại biểu cam kết dịch vụ. Đối với các ngành dịch vụ khác thì chúng ta không có nghĩa vụ mở cửa. Riêng quy định này đã dẫn đến sự hiểu rất khác nhau giữa các cơ quan cấp phép đầu tư. Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch Đầu tư đôi khi không thống nhất với nhau.
Căn cứ theo kỹ thuật đàm phán thì Việt Nam chỉ cam kết mở cửa những ngành chúng ta đưa vào biểu cam kết, khi nhà đầu tư nước ngoài xin phép đầu tư lĩnh vực ngoài biểu cam kết thì Bộ Thương mại trả lời không mở cửa. Đây là hiện tượng khiến rất nhiều sở kế hoạch đầu tư các tỉnh không biết xử lý thế nào và trên thực tế tồn đọng rất nhiều dự án.
Đó là trường hợp cấp mới, còn đối với các dự án đang hoạt động muốn điều chỉnh chứng nhận đầu tư để mở rộng sang một hoạt động khác thuộc biểu cam kết dịch vụ thì có bị hạn chế hay không cũng đang gặp vướng mắc. Thực tế hiện nay, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng chưa có phương án xử lý trong quá trình cấp phép.
Và một lần nữa, các địa phương sẵn sàng từ chối cấp phép để giữ an toàn thay vì đi nghiên cứu các cam kết. Những hiện tượng đó dẫn đến sự xáo trộn rất lớn đến môi trường đầu tư.
Mức độ cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các hiệp định song phương không giống nhau cũng đang đặt ra không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Các cam kết song phương nhiều khi thông thoáng hơn, ít hạn chế hơn so với cam kết trong WTO.
Ví dụ như theo cam kết trong WTO liên quan đến dịch vụ giáo dục, từ 1/1/2009, Việt Nam mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng theo hiệp định song phương về đầu tư với Nhật, chúng ta không có hạn chế. Trong trường hợp như vậy sẽ áp dụng cam kết nào? Đây cũng là một trong những vướng mắc phổ biến.
Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách, đó là cần có văn bản hướng dẫn thực hiện cam kết gia nhập WTO. Thực tế Bộ Kế hoạch Đầu tư đã soạn thảo xong Nghị định hướng dẫn thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO từ tháng 4/2007 và đang lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đến khúc mắc của doanh nghiệp
Một trong những băn khoăn lớn nhất được cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu ra tại Hội nghị liên quan đến quyền kinh doanh, quyền hoạt động xuất nhập khẩu. Quyền tham gia vào hệ thống phân phối trong nước được hiểu như thế nào? Doanh nghiệp sau khi nhập khẩu hàng hoá vào trong nước có quyền bán lại cho doanh nghiệp có quyền phân phối tại Việt Nam sẽ phải thoả mãn những điều kiện như thế nào?
Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó phòng WTO, Vụ Chính sách đa biên (Bộ Thương mại) cho biết: theo định nghĩa của Luật Thương mại, hoạt động phân phối bao gồm 4 hoạt động: bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại.
Quy định về nhập khẩu ở đây là nhà nhập khẩu được nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam và bán cho những đối tượng có quyền phân phối ở Việt Nam. Nhà nhập khẩu không được tổ chức mạng lưới phân phối có nghĩa là nhà nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam không được làm đại lý, không được thực hiện các hoạt động phân phối theo như quy định của pháp luật Việt Nam mà phải bán cho các đối tượng có quyền phân phối.
Phân tích kỹ hơn, ông Trần Hào Hùng, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn Điều 2 khoản 15 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO có quy định rất rõ khái niệm thế nào là quyền kinh doanh bao gồm quyền hoạt động xuất nhập khẩu của thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả quyền bán sản phẩm nhập khẩu cho các doanh nghiệp hay cá nhân có quyền phân phối các sản phẩm đó ở Việt Nam.
Điều đó có thể hiểu rằng quyền xuất nhập khẩu đó bao gồm cả quyền khi doanh nghiệp xuất hay nhập được bán sản phẩm đó cho những người có quyền phân phối tại Việt Nam. Quyền này tách bạch hẳn với quyền phân phối trực tiếp sản phẩm tại Việt Nam.
Ông Hùng cho biết: trong quá trình đàm phán, Việt Nam nhận được rất nhiều chất vấn rằng Việt Nam cho doanh nghiệp quyền xuất nhập khẩu nhưng không cho quyền phân phối thì doanh nghiệp nhập khẩu vào để làm gì? Thừa nhận việc tách bạch quyền xuất nhập khẩu và quyền phân phối là vô lí nhưng ông Hùng cho rằng vẫn phải thực hiện theo vì đó là vấn đề lịch sử để lại.
Bà Nga cũng cho biết thêm, quyền phân phối và xuất nhập khẩu tách biệt nhau hoàn toàn. Khi nhà nhập khẩu nhập khẩu hàng hoá thì được bán cho cá nhân hay doanh nghiệp có quyền phân phối tại Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là ai sẽ có quyền phân phối ở Việt Nam? Câu trả lời được bà Nga đưa ra là theo cam kết về quyền phân phối tại thời điểm gia nhập các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ được phân phối dưới hình thức liên doanh với mức sở hữu vốn tối đa 49% và đến năm 2008 mở ra trên 49% và đến 2009 được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài làm dịch vụ phân phối.
Đại diện Công ty Panasonic cũng bày tỏ lo lắng về những thay đổi đối với những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất sau khi Việt Nam gia nhập WTO và trong trường hợp thay đổi như vậy, liệu doanh nghiệp có được đền bù hay không.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hùng khẳng định Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì và đảm bảo ổn định hoạt động cũng như lợi ích của doanh nghiệp, không vì thực hiện các cam kết mà làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp.
Theo cam kết, các doanh nghiệp trước đây được hưởng ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất hay được hưởng ưu đãi theo tỉ lệ xuất khẩu thì vẫn được quyền duy trì trong vòng 5 năm nữa. Ông Hùng cho biết sau thời hạn 5 năm, Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc phương án điều chỉnh lại chứng nhận đầu tư để doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định mới của Nghị định 108. Theo đó các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn được hưởng ưu đãi theo địa bàn ưu đãi đầu tư.
Theo giải thích của ông Hùng thì Việt Nam xoá bỏ ưu đãi đầu tư tức là xoá bỏ điều kiện áp dụng ưu đãi căn cứ vào thành tích xuất khẩu hay nội địa hoá chứ không xoá bỏ ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa rằng sau 5 năm nữa, Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng ưu đãi cho doanh nghiệp trên cơ sở địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định 108 chứ không phải theo điều kiện xuất khẩu, hay điều kiện hoạt động trong khu chế xuất vì phải bãi bỏ theo cam kết của Việt Nam trong WTO.
Đó là một trong những phương án nhưng trên thực tế các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu nhiều cách khác nhau để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp về hạ tầng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hay cách tính chi phí của doanh nghiệp bao gồm chi phí vận tải để bù đắp cho doanh nghiệp những khoản bị mất trong quá trình thực hiện cam kết WTO.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh thêm: các doanh nghiệp nên xem xét, nếu thấy bất kỳ biện pháp nào mà doanh nghiệp thấy hợp lý, duy trì được lợi ích của doanh nghiệp thì hãy cho cơ quan Nhà nước biết. Bởi vì bản thân cơ quan Nhà nước cũng không thể nghĩ ra hết được mà chỉ đảm bảo được nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp.
Hàng loạt các quan ngại về một số thực tiễn triển khai theo các cam kết WTO liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được thẳng thắn đề cập tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho Nghị định quy định chi tiết thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO phối hợp tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
Từ lỗi của cơ quan quản lý...
Có một nhận định chung được khẳng định, đó là việc thực hiện theo biểu cam kết có nhiều vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp cũng như các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư phản ánh ngôn ngữ trong biểu cam kết khó hiểu. Đơn cử như việc hiểu ngôn ngữ “không cam kết”, “không hạn chế” như thế nào vẫn có những ý kiến khác nhau và thậm chí không thống nhất cách hiểu ngay trong thành viên đoàn đàm phán.
Thứ hai, trong biểu cam kết về dịch vụ, rất nhiều ngành của chúng ta đưa ra các điều kiện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn so với luật pháp hiện hành của Việt Nam. Trên thực tế, trong một số ngành trước khi gia nhập WTO, chúng ta đã mở cửa với mức độ rất cao, không hạn chế phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo quy định của biểu cam kết này thì chúng ta hạn chế lại. Ví dụ như trong ngành dịch vụ giáo dục, y tế thì đến ngày 1/1/2009, nhà đầu tư nước ngoài mới được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, từ chục năm nay, chúng ta đã cho phép hình thức này. Thậm chí đối với dịch vụ giáo dục, Việt Nam còn đặc biệt khuyến khích đầu tư và dành nhiều ưu đãi.
Cái khó đặt ra ở đây là chúng ta sẽ áp dụng cam kết như thế nào? Theo thực trạng pháp luật hiện hành hay áp dụng theo cam kết. Hiện nay, các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư ở các địa phương không có phương án xử lý cụ thể vấn đề này. Do đó, nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp “an toàn” là từ chối cấp phép.
Một điểm khác nữa cũng gặp khó khăn là theo quy định một nước thành viên chỉ có nghĩa vụ mở các ngành dịch vụ được quy định tại biểu cam kết dịch vụ. Đối với các ngành dịch vụ khác thì chúng ta không có nghĩa vụ mở cửa. Riêng quy định này đã dẫn đến sự hiểu rất khác nhau giữa các cơ quan cấp phép đầu tư. Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch Đầu tư đôi khi không thống nhất với nhau.
Căn cứ theo kỹ thuật đàm phán thì Việt Nam chỉ cam kết mở cửa những ngành chúng ta đưa vào biểu cam kết, khi nhà đầu tư nước ngoài xin phép đầu tư lĩnh vực ngoài biểu cam kết thì Bộ Thương mại trả lời không mở cửa. Đây là hiện tượng khiến rất nhiều sở kế hoạch đầu tư các tỉnh không biết xử lý thế nào và trên thực tế tồn đọng rất nhiều dự án.
Đó là trường hợp cấp mới, còn đối với các dự án đang hoạt động muốn điều chỉnh chứng nhận đầu tư để mở rộng sang một hoạt động khác thuộc biểu cam kết dịch vụ thì có bị hạn chế hay không cũng đang gặp vướng mắc. Thực tế hiện nay, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng chưa có phương án xử lý trong quá trình cấp phép.
Và một lần nữa, các địa phương sẵn sàng từ chối cấp phép để giữ an toàn thay vì đi nghiên cứu các cam kết. Những hiện tượng đó dẫn đến sự xáo trộn rất lớn đến môi trường đầu tư.
Mức độ cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các hiệp định song phương không giống nhau cũng đang đặt ra không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Các cam kết song phương nhiều khi thông thoáng hơn, ít hạn chế hơn so với cam kết trong WTO.
Ví dụ như theo cam kết trong WTO liên quan đến dịch vụ giáo dục, từ 1/1/2009, Việt Nam mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng theo hiệp định song phương về đầu tư với Nhật, chúng ta không có hạn chế. Trong trường hợp như vậy sẽ áp dụng cam kết nào? Đây cũng là một trong những vướng mắc phổ biến.
Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách, đó là cần có văn bản hướng dẫn thực hiện cam kết gia nhập WTO. Thực tế Bộ Kế hoạch Đầu tư đã soạn thảo xong Nghị định hướng dẫn thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO từ tháng 4/2007 và đang lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đến khúc mắc của doanh nghiệp
Một trong những băn khoăn lớn nhất được cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu ra tại Hội nghị liên quan đến quyền kinh doanh, quyền hoạt động xuất nhập khẩu. Quyền tham gia vào hệ thống phân phối trong nước được hiểu như thế nào? Doanh nghiệp sau khi nhập khẩu hàng hoá vào trong nước có quyền bán lại cho doanh nghiệp có quyền phân phối tại Việt Nam sẽ phải thoả mãn những điều kiện như thế nào?
Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó phòng WTO, Vụ Chính sách đa biên (Bộ Thương mại) cho biết: theo định nghĩa của Luật Thương mại, hoạt động phân phối bao gồm 4 hoạt động: bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại.
Quy định về nhập khẩu ở đây là nhà nhập khẩu được nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam và bán cho những đối tượng có quyền phân phối ở Việt Nam. Nhà nhập khẩu không được tổ chức mạng lưới phân phối có nghĩa là nhà nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam không được làm đại lý, không được thực hiện các hoạt động phân phối theo như quy định của pháp luật Việt Nam mà phải bán cho các đối tượng có quyền phân phối.
Phân tích kỹ hơn, ông Trần Hào Hùng, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn Điều 2 khoản 15 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO có quy định rất rõ khái niệm thế nào là quyền kinh doanh bao gồm quyền hoạt động xuất nhập khẩu của thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả quyền bán sản phẩm nhập khẩu cho các doanh nghiệp hay cá nhân có quyền phân phối các sản phẩm đó ở Việt Nam.
Điều đó có thể hiểu rằng quyền xuất nhập khẩu đó bao gồm cả quyền khi doanh nghiệp xuất hay nhập được bán sản phẩm đó cho những người có quyền phân phối tại Việt Nam. Quyền này tách bạch hẳn với quyền phân phối trực tiếp sản phẩm tại Việt Nam.
Ông Hùng cho biết: trong quá trình đàm phán, Việt Nam nhận được rất nhiều chất vấn rằng Việt Nam cho doanh nghiệp quyền xuất nhập khẩu nhưng không cho quyền phân phối thì doanh nghiệp nhập khẩu vào để làm gì? Thừa nhận việc tách bạch quyền xuất nhập khẩu và quyền phân phối là vô lí nhưng ông Hùng cho rằng vẫn phải thực hiện theo vì đó là vấn đề lịch sử để lại.
Bà Nga cũng cho biết thêm, quyền phân phối và xuất nhập khẩu tách biệt nhau hoàn toàn. Khi nhà nhập khẩu nhập khẩu hàng hoá thì được bán cho cá nhân hay doanh nghiệp có quyền phân phối tại Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là ai sẽ có quyền phân phối ở Việt Nam? Câu trả lời được bà Nga đưa ra là theo cam kết về quyền phân phối tại thời điểm gia nhập các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ được phân phối dưới hình thức liên doanh với mức sở hữu vốn tối đa 49% và đến năm 2008 mở ra trên 49% và đến 2009 được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài làm dịch vụ phân phối.
Đại diện Công ty Panasonic cũng bày tỏ lo lắng về những thay đổi đối với những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất sau khi Việt Nam gia nhập WTO và trong trường hợp thay đổi như vậy, liệu doanh nghiệp có được đền bù hay không.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hùng khẳng định Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì và đảm bảo ổn định hoạt động cũng như lợi ích của doanh nghiệp, không vì thực hiện các cam kết mà làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp.
Theo cam kết, các doanh nghiệp trước đây được hưởng ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất hay được hưởng ưu đãi theo tỉ lệ xuất khẩu thì vẫn được quyền duy trì trong vòng 5 năm nữa. Ông Hùng cho biết sau thời hạn 5 năm, Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc phương án điều chỉnh lại chứng nhận đầu tư để doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định mới của Nghị định 108. Theo đó các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn được hưởng ưu đãi theo địa bàn ưu đãi đầu tư.
Theo giải thích của ông Hùng thì Việt Nam xoá bỏ ưu đãi đầu tư tức là xoá bỏ điều kiện áp dụng ưu đãi căn cứ vào thành tích xuất khẩu hay nội địa hoá chứ không xoá bỏ ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa rằng sau 5 năm nữa, Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng ưu đãi cho doanh nghiệp trên cơ sở địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định 108 chứ không phải theo điều kiện xuất khẩu, hay điều kiện hoạt động trong khu chế xuất vì phải bãi bỏ theo cam kết của Việt Nam trong WTO.
Đó là một trong những phương án nhưng trên thực tế các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu nhiều cách khác nhau để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp về hạ tầng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hay cách tính chi phí của doanh nghiệp bao gồm chi phí vận tải để bù đắp cho doanh nghiệp những khoản bị mất trong quá trình thực hiện cam kết WTO.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh thêm: các doanh nghiệp nên xem xét, nếu thấy bất kỳ biện pháp nào mà doanh nghiệp thấy hợp lý, duy trì được lợi ích của doanh nghiệp thì hãy cho cơ quan Nhà nước biết. Bởi vì bản thân cơ quan Nhà nước cũng không thể nghĩ ra hết được mà chỉ đảm bảo được nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp.