09:55 24/04/2008

“PMU nên chuyển thành công ty tư vấn”

Xuân Vũ

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng lý giải vì sao nhiều ban quản lý dự án (PMU) không muốn kết thúc công trình

"Cần phải hiểu rằng về dự án ai là chủ đầu tư thì người ấy là chủ của dự án."
"Cần phải hiểu rằng về dự án ai là chủ đầu tư thì người ấy là chủ của dự án."
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng lý giải vì sao nhiều ban quản lý dự án (PMU) không muốn kết thúc công trình.

“Ba xôi nhồi một chõ”

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hiện các PMU vẫn hoạt động kiểu “tranh tối tranh sáng”, ôm tất cả mọi việc từ của chủ đầu tư, ban quản lý tới đơn vị tư vấn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta phải nói thẳng ra rằng hiện nay các PMU đang làm việc theo kiểu “ba xôi nhồi một chõ”, vừa là đại diện chủ đầu tư, vừa là cơ quan quản lý tư vấn dự án...

Trong một dự án, “chạy” hàng trăm thứ việc nên tính chuyên nghiệp không cao và trách nhiệm cũng không rõ ràng.

Cần phải hiểu rằng về dự án ai là chủ đầu tư thì người ấy là chủ của dự án. Hiện nay, chủ dự án ở nước ta có hai kiểu: tự quản lý và thuê quản lý. Nếu tự quản lý thì có rất nhiều nhược điểm, sẽ sinh ra một bộ máy công chức rất cồng kềnh, và đó là lí do “đẻ” ra một tình trạng các PMU không muốn kết thúc công trình.

Vì nếu hết công trình sớm thì hết việc nên dù xây xong, bàn giao, quyết toán hàng mấy năm nhưng vẫn cứ dây dưa để được hưởng lương công chức. Do đó không có đơn vị nào có động lực để hoàn thành sớm.

Còn nếu bây giờ thuê quản lý thì động lực của nó sẽ khác. Làm quản lý tốt thì sau còn nhiều người đến thuê, còn chỉ như đơn vị hành chính hiện tại của các PMU thì hết dự án là hết việc.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành sáp nhập một số PMU, theo ông, việc sáp nhập này có làm ảnh hưởng đến bộ máy, nhiệm vụ của PMU hiện tại không?


Về cơ bản, tôi cũng đồng ý với quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải nhưng chỉ ở góc độ là kế thừa những kinh nghiệm, con người trong bộ máy đó.

PMU vốn là những đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm và rất giỏi. Tuy nhiên, trong một thời gian dài đã không được đặt đúng vị trí nên không thể phát huy hết năng lực, nếu không muốn nói là làm việc không hiệu quả.

Sáp nhập các PMU làm cho bộ máy tổ chức tinh gọn hơn, trên nguyên tắc kế thừa và không làm xáo trộn là hướng đi đúng.

Phải làm rõ chủ sở hữu đầu tư là ai

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thí điểm chuyển hai đơn vị PMU Mỹ Thuận và PMU1 thành công ty TNHH một thành viên quản lý dự án và đầu tư phát triển giao thông. Ông đánh giá như thế nào về phương án chuyển đổi này?

Bây giờ Công ty TNHH Mỹ Thuận có phải chủ sở hữu không? Nếu nó trở thành công ty TNHH một thành viên thì là chủ sở hữu. Nhưng nếu cầu Mỹ Thuận lại chuyển cho ban quản lí khác hoặc chuyển sang Cục Đường bộ thì không đúng.

Nhưng tôi nghĩ rằng việc chuyển đổi thành công ty tư vấn rất tốt, điều quan trọng phải làm rõ chủ sở hữu đầu tư của nó là ai để sau này còn phân cấp rõ trách nhiệm và như thế họ mới làm hết năng lực của mình được.

Nói đến chủ sở hữu, ông nhận định thế nào về việc Bộ Giao thông Vận tải chuyển toàn bộ các PMU cho Cục Đường bộ quản lý?


Tôi cho rằng Bộ Giao thông Vận tải chuyển về cho Cục Đường bộ là chủ sở hữu nhưng Cục không phải một doanh nghiệp cho nên Cục không quản lý được. Muốn quản lý thì dưới Cục Đường bộ phải có các công ty sở hữu đích thực của dự án. Dù đó là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp công ích chứ không thể như một UBND, một cục, một cụ hay một ủy ban hành chính.

Ví dụ, chúng ta không thể có nhà máy nước trực thuộc ủy ban thành phố được mà nó phải trực thuộc một công ty nước nào đó thuộc ủy ban thành phố.

Khi Cục Đường bộ đã được giao làm việc đó thì Cục phải có một công ty phát triển đường bộ trên cả nước, bên dưới là các chi nhánh. Có thể có một công ty phát triển đường bộ nói chung, công ty phát triển đường cao tốc, công ty phát triển cầu (cầu lớn, phức tạp, hệ trọng) còn cầu nhỏ cho ngành đường bộ quản lý.

Tại sao lại có nguyên lý này, vì khi tiếp nhận quản lý là tiếp nhận tất cả cái hay và cái dở của dự án cho nên nếu làm chủ nó sẽ khiến cho dự án hay hơn, còn cái dở hơn thì nó phải chịu trách nhiệm. Chứ còn như hiện nay, nó hay hay dở không ai chịu trách nhiệm, rất nhập nhằng.

Rõ ràng PMU sẽ phải có một bộ mặt mới, nếu ở vị trí người có quyền quyết định ông sẽ chuyển đổi như thế nào?


Từ trước tới nay, cơ chế không đúng làm PMU không phát huy hết năng lực, bây giờ phải làm lại thể chế cho nó đúng. Chúng ta cần làm cho rõ ràng vai trò của nó, cần biết PMU phục vụ nhưng phải phục vụ chủ sở hữu nào cho rõ.

Theo tôi, các PMU nên tách làm hai bộ phận, một bộ phận thành các nhóm trợ lý cho các công ty là chủ sở hữu, đó là: công ty cầu, công ty đường, công ty đường cao tốc. Lúc ấy sẽ vẫn giữ đúng PMU là đơn vị quản lý dự án.

Còn đại bộ phận PMU còn lại sẽ tập trung thành ba công ty tư vấn lớn tại ba vùng, có thể sở hữu của Nhà nước cũng được mà của tư nhân cũng không sao. Tuy nhiên, khi mới làm hãy cứ là của Nhà nước cho yên tâm xong rồi cổ phần hóa.